19/05/2025 05:46 GMT+7 | Thể thao
Khi nói đến chuyện đầu tư trọng điểm để hướng đến các mục tiêu lớn ở ASIAD và đặc biệt là Top 50 Olympic, đó là nói đến những yếu tố đột phá, khác biệt hoặc thậm chí là chưa từng có trong hoạt động huấn luyện và thi đấu của VĐV. Đơn giản là các môn trọng điểm, dù là thế mạnh của thể thao Việt Nam (TTVN) thì vẫn luôn chịu một áp lực cạnh tranh khốc liệt từ những nền thể thao khác.
Từ đó, đặt ra vấn đề có ý nghĩa quyết định: Làm thế nào để thu hút, giữ chân chuyên gia ngoại khi mà chúng ta đang vướng các qui định về mức trần lương cho thành phần quan trọng này. Ví dụ như trong môn điền kinh, môn mà phần lớn các quốc gia hàng đầu đều đến từ những nước giàu, đồng nghĩa với chi phí lương cho chuyên gia của họ thường rất cao.
Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, một trong những lý do khiến các môn thể thao mũi nhọn thiếu chuyên gia ngoại là do kinh phí của đội tuyển hạn chế, nhất là những người từ các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nga... đòi hỏi mức lương cao, từ 3.000 đến 7.000 USD/tháng, chưa kể chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm và các điều kiện làm việc đi kèm. Với ngân sách thể thao như hiện nay, việc duy trì lâu dài một đội ngũ chuyên gia ngoại là thách thức không nhỏ.
Câu chuyện của môn thể thao "quốc dân" – bóng đá – có lẽ là rõ nét nhất. Chúng ta không thiếu HLV giỏi, nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, những chiến tích lớn nhất lại do các HLV nước ngoài mang lại. Trên thực tế, 2 tấm vé dự World Cup của U20 và đội tuyển nữ do công của HLV nội là ông Hoàng Anh Tuấn và Mai Đức Chung, nhưng khi nói đến việc nâng cấp thành tích thi đấu khi đã lọt vào VCK World Cup thì tất thẩy đều đồng ý rằng: cần có HLV nước ngoài. Điều này có thể thấy qua trường hợp của futsal khi VFF quyết định thuê một nhà cầm quân từng vô địch World Cup dẫn dắt đội tuyển ở lần thứ 2 dự giải thế giới. Dù chưa thành công, nhưng đó vẫn là giải pháp không thể khác nếu muốn đạt các bước tiến lớn.
Cung thủ Lê Quốc Phong (phải) và chuyên gia Hàn Quốc ở Olympic Paris 2024. Ảnh: Hoàng Linh
Cũng trong môn bóng đá, đã xuất hiện hình thức "tài trợ lương" cho HLV ngoại. Mặc dù cũng không biết rõ chi tiết về cách thức trả lương, số tiền thực tế, nhưng ở 2 thời kỳ mà ông Henrique Calisto và Park Hang Seo nắm đội tuyển đều có liên quan ít nhiều đến bầu Thắng và bầu Đức. Những doanh nghiệp yêu bóng đá này đã đóng góp không nhỏ vào thành công của các chuyên gia ngoại ấy trên đội tuyển.
Như vậy, dựa vào các ví dụ ở bóng đá có thể là lối ra cho bài toán chuyên gia ở các môn thể thao trọng điểm. Chúng ta không thể không thuê thầy ngoại và chắc chắn là lương của họ không thể thấp, nếu không nói là vượt rất xa các qui chuẩn thông thường. Một điều chắc chắn khác, đó là ngân sách Nhà nước không thể choàng gánh được khoản này do yếu tố "không giới hạn" của mức lương cho chuyên gia ngoại. Thế nên, vấn đề cần giải quyết đó là kiếm tiền để trả lương bằng cách nào, hoặc "ai trả"?
Thuê chuyên gia ngoại không chỉ là nhu cầu thay đổi thành tích ngắn hạn, mà còn là một phần trong chiến lược dài hơi để chuyển giao công nghệ huấn luyện, theo sát sự phát triển của thể thao thế giới. Khái niệm "thuê chuyên gia ngoại" không đơn giản cho là vị trí HLV mà còn là các chuyên gia về y học, dinh dưỡng hoặc những giám đốc kỹ thuật để hoạch định chiến lược đường dài. Nói cách khác, ngân sách dành cho chuyên gia ngoại cần được xem là một khoản đầu tư riêng, cần có một nguồn lực đủ lớn, dài hạn chứ không đơn thuần là đặt ra con số 8.000 hay 10.000 USD.
Như chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhận định, việc này không thể trông vào ngân sách mà cần đến xã hội hóa nguồn tài chính một cách quyết liệt, trọng tâm hơn. Cách đơn giản nhất là tìm kiếm những doanh nghiệp hàng đầu, thiết lập các quyền lợi dành riêng cho họ, ví dụ như việc độc quyền sử dụng hình ảnh HLV, thì mới giải được bài toán chuyên gia ngoại.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất