Thể thao VN 10 năm nhìn lại

01/02/2011 09:05 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Là một nhà chuyên môn kỳ cựu và đã chứng kiến rất nhiều thay đổi của Thể thao Việt Nam (TTVN) trong những năm qua, ông Nguyễn Hồng Minh cùng TT&VH nhìn nhận lại diện mạo của TTVN trong 10 năm đầu tiên của thế kỷ 21. TT&VH đã nêu ra 3 vấn đề với ông Nguyễn Hồng Minh: Thứ nhất là những điểm nhấn đặc biệt của TTVN trong 10 năm qua, thứ hai là thành tích như thế có tương xứng với năng lực của TTVN hay không và thứ ba là tương lai sắp tới của TTVN sẽ như thế nào? Với góc nhìn của một nhà quản lý thể thao chuyên nghiệp, ông Nguyễn Hồng Minh đã đưa ra những lập luận và quan điểm rất sắc sảo.

Thăng hoa giai đoạn đầu

Có thể chia thời gian 10 năm vừa qua của TTVN làm 2 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là từ 2000 tới 2006, giai đoạn thứ hai là từ 2007 tới 2010, và mỗi giai đoạn đều có những đặc điểm nổi bật.

Ở giai đoạn 2000 - 2006 thì có thể thấy đây là những năm tháng mà TTVN phát triển mạnh, đạt được những tiến bộ, giành được thành tích cao trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Năm 2000, như chúng ta biết, taekwondo VN giành được HCB ở Olympic Sydney, đây là thành tích lớn trên đấu trường Olympic và phải 8 năm sau, tại Olympic Bắc Kinh 2008 mới có VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn lặp lại được kỳ tích này. Tại đấu trường Asian Games thì dấu ấn quan trọng nhất và đáng nhớ của TTVN là thành tích giành 4 HCV ở Asian Games lần thứ 14 tại Busan (Hàn Quốc) năm 2002. Số HCV này vượt lên tất cả số HCV mà TTVN giành được ở các kỳ Asian Games trước đó, ví dụ như năm 1994 ở Hiroshima thì chúng ta chỉ có 1 HCB mà thôi, năm 1998 ở Bangkok có thêm 1 HCB nữa. Thành tích này đưa TTVN xếp hạng 15 trên tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng tổng xếp hạng huy chương của Asian Games năm 2002. Thành tích tại đấu trường khu vực của TTVN thì đáng kể nhất là vị trí thứ nhất toàn đoàn tại SEA Games 22 năm 2003 tổ chức tại VN, với 155 HCV.


Với những VĐV như Vũ Thị Hương hay Lê Bích Phương, TTVN hoàn toàn có hy vọng tranh chấp huy chương ở sân chơi châu lục. Ảnh: T.L

Ở đây phải thấy rõ là sau 10 năm hội nhập, tại khu vực thì từ vị trí thứ 7 trên 7 nước ở SEA Games 15 năm 1989 tại Kuala Lumpur, tiến tới đứng thứ 4 trên 9 nước ở SEA Games 21 năm 2001 cũng ở Kuala Lumpur, như vậy trong quãng thời gian từ 1989 tới 2001 chúng ta vươn được từ thứ 7 trên 7 nước thành thứ 4 trên 9 nước, và cho đến SEA Games năm 2003 ở VN thì lên vị trí thứ nhất.

Như thế có thể thấy được đặc điểm trong thời kỳ này là gì? Đây là những kết quả rất tiến bộ của TTVN và đó là kết quả của nhiều năm thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia của ngành thể thao từ năm 1994 tới năm 1997, và sau đó nữa là chương trình Thể thao quốc gia mà Chính phủ cho phép từ năm 1998 tới năm 2001. Đấy là vấn đề thành tích.

Điều đáng nói thứ 2 là trong suốt thời gian đó, số lượng VĐV thể thao thành tích cao tăng nhanh, cụ thể khoảng 30.000 VĐV các loại, trong khi năm 1994 chỉ có 4.000 VĐV mà thôi. Và trong 30.000 VĐV các loại thì có 1.000 VĐV ưu tú để có thể tham gia thi đấu khu vực và quốc tế. Chúng ta cũng đào tạo được khoảng 3.500 VĐV trẻ của các môn thể thao; số lượng các môn thể thao tăng lên nhanh. Năm 1990 cả nước có 15 môn thể thao ở ĐH TDTT toàn quốc, năm 1998 đã lên tới 20 môn, và đến năm 2002 là tăng lên 25 môn, và đến năm 2006 tăng lên 35 môn. Và có một số môn thể thao mới phát triển đạt được thành tích tốt, chẳng hạn như là cử tạ, đua thuyền canoeing, rowing, vật tự do nữ, boxing….

Một vấn đề nữa thể hiện sự tiến bộ của TTVN là đã có tới 60 tỉnh, thành và ngành trong cả nước đào tạo VĐV thể thao thành tích cao. Cần lưu ý là trước đây chỉ có trên dưới 10 tỉnh, thành, ngành làm công tác như vậy, và chỉ tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, hoặc ngành Quân đội… Và theo dõi sự phát triển của các đơn vị tỉnh thành ngành thì chúng ta thấy có 40 đơn vị địa phương có VĐV giành được HCV ở khu vực, châu lục và thế giới, không chỉ gói gọn ở Hà Nội hay TP.HCM.

Một ý nữa cần nói là công tác hợp tác quốc tế về thể thao thành tích cao ngày càng mở rộng. TTVN đã tham gia và là thành viên của 64 tổ chức thể thao quốc tế, đã có 40 cán bộ, HLV là thành viên lãnh đạo của các tổ chức này, và có trên 100 trọng tài cấp quốc tế. TTVN đã thiết lập quan hệ, giao lưu với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, còn VĐV chúng ta đã tham gia các cuộc thi đấu ở khu vực, châu lục và thế giới. Đấy là những thành tựu của giai đoạn thứ nhất.

Sa sút giai đoạn hai

Ở giai đoạn hai, từ 2007 tới 2010, TTVN có chiều hướng đi xuống. Biểu hiện là thành tích thi đấu ở khu vực vẫn duy trì được vị trí trong 3 nước đầu ở SEA Games, như ở Korat (Thái Lan năm 2007) hay Vientiane (Lào năm 2009), nhưng một số môn thể thao chủ yếu đã có giảm sút. Và điều đáng chú ý là đại bộ phận các VĐV giành thành tích cao của đoàn TTVN đều là những VĐV được đào tạo ở thời kỳ trước, lực lượng VĐV trẻ được bổ sung chỉ vào khoảng trên dưới 10% mà thôi. Các chỉ số về chỉ tiêu thành tích thi đấu tại Asian Games đều không hoàn thành, chẳng hạn như Asian Games 2006 ở Doha thì TTVN chỉ có 3 HCV, và Asian Games 16 ở Quảng Châu thỉ chỉ có 1 HCV. Vị trí xếp hạng trong bảng tổng sắp của Asian Games thì TTVN đã tụt xuống vị trí thứ 19 ở Asian Games thứ 15 năm 2006, và thứ 24 ở Asian Games 16.

Đối với chỉ tiêu là tham gia các cuộc thi đấu vòng loại của châu lục và thế giới để có thể được tham gia thi đấu tại Olympic Bắc Kinh 2008 thì chúng ta cũng không đạt được chỉ tiêu là có 20 VĐV vượt qua vòng loại để đến Olympic…

Một điều nữa là công tác quản lý điều hành, hệ thống đào tạo VĐV của cả nước (sự phối hợp của các địa phương và trung ương) cũng bị giảm sút và chưa được tốt do bị ảnh hưởng nặng nề của cơ chế và tổ chức mới (do sự sáp nhập ngành Thể thao với ngành Văn hóa và Du lịch năm 2007). Từ khi sáp nhập thì bộ máy ngành thể thao kéo dài một khoảng thời gian chưa được ổn định, hiệu quả quản lý và chỉ đạo yếu kém. Về phía chủ quan thì lãnh đạo ngành thể thao và UB Olympic QG đã chậm trễ trong việc xây dựng chiến lược quy hoạch kế hoạch phát triển ngành TDTT và đặc biệt là thể thao thành tích cao. Đầu tư dàn trải, không trọng tâm trọng điểm, chỉ đạo không nhất quán, không kiên quyết là sai lầm lớn trong giai đoạn này. Có thể thấy hiện nay và giai đoạn vài năm trước mắt, TTVN có nguy cơ khó phát triển, thậm chí có thể tụt dốc. Tổng thể lại, 10 năm qua, TTVN đã giành được những thành tích đáng trân trọng, có những sự tiến bộ tích cực, góp phần nâng cao vị thế của VN trên đấu trường khu vực, châu lục và Olympic, đáp ứng một phần nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ tụt hậu.

Tiềm năng chưa thành sức mạnh

Nghiên cứu thực trạng phát triển, diễn biến của TTVN trong 10 năm qua, đặc biệt qua các cuộc đấu tầm châu lục, thế giới và Olympic thì cho thấy chúng ta có nhiều VĐV trẻ tuổi, tài năng phát triển cao, TTVN có tiềm năng lớn (xin nhấn mạnh là tiềm năng về nguồn nhân lực, tức là con người): Trần Hiếu Ngân, Hoàng Hà Giang, Nguyễn Văn Hùng của taekwondo; Nguyễn Hoàng Ngân, Vũ Nguyệt Ánh, Lê Bích Phương của karatedo; Hoàng Anh Tuấn, Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thị Thiết của cử tạ; Nguyễn Thị Dung, Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn… của cờ vua, rồi Nguyễn Thúy Hiền, Đàm Thanh Xuân, Bùi Mai Phương… của wushu và nhiều VĐV xuất sắc khác của nhiều thế hệ trong 10 năm qua chứng minh rõ ràng chúng ta có thể và hoàn toàn có thể vươn lên tầm châu lục và thế giới. Thành tích của Bùi Thị Nhung (vô địch nhảy cao châu Á năm 2004) hay Nguyễn Duy Bằng (vô địch nhảy cao các ngôi sao châu Á giai đoạn 2003 - 2005), hoặc gần đây là của Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện ở môn điền kinh. Rồi Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang ở môn cầu lông, cùng các VĐV đua thuyền canoeing, rowing, boxing nữ, vật tự do nữ, bắn súng, TDDC. Và thành tích 14 HCB ở Asian Games năm 2006 ở Doha, hay 17 HCB ở Asian Games năm 2010 ở Quảng Châu và gần 100 HCV, HCB, HCĐ các loại ở các giải VĐTG… Tất những con số này chứng minh một điều là TTVN, VĐV VN hoàn toàn có thể vươn lên ở đỉnh cao quốc tế.


Ông Nguyễn Hồng Minh (bìa phải) khi còn làm trưởng đoàn TTVN tại Asian Games 15 ở Doha (Qatar) năm 2006

Vấn đề là ở chỗ tại sao chúng ta chưa đạt được những kết quả tốt? Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng đó chính là ở việc chúng ta phải làm gì và làm như thế nào và có làm theo đúng quy luật để biến khả năng thành hiện thực hay không? Câu trả lời này dành cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý ngành thể thao của thể thao, của UB Olympic QG. Lâu nay ta có thể nhận biết một điều là mặc dù chưa có sự thống nhất cao trong nhận thức nhưng qua thực tiễn, họ, tức là những nhà lãnh đạo ngành thể thao và UB Olympic QG, đều hiểu được câu trả lời, đều hiểu được phương pháp hành động, biện pháp để giải quyết vấn đề, nhưng thực tiễn từ nhận thức đến cách làm bắt buộc họ phải nhìn thấy một vấn đề quan trọng. Đó là phải đầu tư có trọng tâm và trọng điểm, phải có một chiến lược một kế hoạch có hệ thống, phải đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, và đặc biệt là phải có những con người có hiểu biết, nắm vững quy luật, dám làm dám chịu trách nhiệm, để biến cái khả năng, cái tiềm năng thành hiện thực: tức là phát triển TTVN bền vững.

Chiến lược và con người

Thất bại của TTVN tại Asian Games 16 ở Quảng Châu, của ĐT bóng đá VN tại AFF Suzuki Cup 2010 cho thấy rõ một điều quan trọng: đó là thực tế khắc nghiệt đã giúp cho những người có quyền hạn, có trách nhiệm phải có thái độ thực sự cầu thị để xem xét lại, đánh giá lại thực trạng của TTVN. Và trước tiên phải có những thay đổi về mặt nhận thức, về cách làm thể thao thành tích cao: phải tôn trọng quy luật khách quan của quá trình đào tạo, huấn luyện VĐV, nâng cao thành tích, phải có một hệ thống lâu dài và nối tiếp, phải đầu tư trọng tâm và trọng điểm, phải quan tâm đến các môn thể thao trong chương trình Olympic, Asian Games và đặc biệt phải chịu chi phí tốn kém đầu tư (cả nguồn ngân sách Nhà nước lẫn nguồn lực xã hội hóa). Các nhà quản lý lãnh đạo ngành thể thao và UB Olympic QG cần nhìn thẳng vào sự thật, đó là nguy cơ thụt lùi đang ám ảnh TTVN. Các cơ quan quản lý hữu quan, bao gồm Tổng cục TDTT, Bộ VH,TT&DL và các tổ chức xã hội khác cần phải có một kế hoạch toàn diện để trình Chính phủ và xin phép Chính phủ có những biện pháp đầu tư mạnh để ủng hộ và giúp đỡ cho TTVN phát triển trong những năm tháng tới.

Trong chiến lược phát triển thể thao mới được Chính phủ thông qua có hướng tới mục tiêu là phát triển TTVN lên tầm châu lục và ở một số môn và một số nội dung ở đấu trường Olympic; tập trung phát triển các môn trong chương trình Olympic, phân loại các nhóm môn để đầu tư trọng tâm trọng điểm. Đó là những vấn đề hết sức đúng đắn trong việc phát triển thể thao trong những năm tháng tới. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là ai là những người tổ chức thực hiện chiến lược này?

Chúng ta cần phải chờ câu trả lời từ thực tiễn.

Nguyễn Hồng Minh

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT)
NguyênTrưởng đoàn TTVN tại các kỳ Asian Games và SEA Games

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm