Thể thao Việt Nam đến lúc thay đổi tư duy!

06/10/2014 10:52 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc ASIAD 17 ở Incheon với vị trí 21, cao hơn vị trí 24 ở ASIAD 16 diễn ra tại Quảng Châu cách đây 4 năm, nhưng lại ít hơn ở số HCB, vì năm nay các VĐV Việt Nam chỉ có 10 HCB, trong khi 4 năm về trước con số này là 17.

1. Trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa cách đây ít ngày, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic Việt Nam, phát biểu: “Trong thi đấu thể thao đỉnh cao HCĐ không có nghĩa là đồng, có thể bạc hay vàng sau này. Trong bất cứ Đại hội nào cũng có tính tổng các huy chương, và Việt Nam đứng trong top 8 có tổng số huy chương nhiều. Bạc và vàng chênh nhau nhiều khi còn phụ thuộc vào may mắn.  

Nếu Nguyễn Hoàng Phương bình tĩnh hơn, Bùi Thị Thu Thảo điều chỉnh đà tí nữa thì có HCV bắn súng và nhảy xa. Những tấm HCB của Thu Thảo, Quách Thị Lan, Hà Thanh… là rất đẳng cấp. Chúng ta đã tiến gần đến đẳng cấp châu lục”.

Đoàn Thể thao Việt Nam khép lại ASIAD 17 ở Incheon (Hàn Quốc) với thành tích thất vọng, trong đó chỉ giành được 1 huy chương vàng (HCV). Từ khi tham dự ASIAD 1982 đến nay, sau 32 năm, Thể thao Việt Nam mới có được tổng cộng 11 HCV, nghĩa là còn thua thành tích của Thái Lan chỉ tại ASIAD 17 (12 HCV)…
Tuy nhiên, thực tế ở 2 kỳ ASIAD gần đây nhất đều cho thấy chưa có HCB nào ở kỳ Đại hội năm trước được chuyển hóa thành HCV ở Đại hội năm sau, mà trái lại, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam còn rơi vào cảnh “giật gấu vá vai”, khi wushu lần đầu tiên có HCV ASIAD thì những “mỏ vàng” ASIAD truyền thống như karate hay taekwondo lại hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Cũng theo ông Giang, nếu như xạ thủ Nguyễn Hoàng Phương bình tĩnh hơn và Bùi Thị Thu Thảo xác định thành tích chuẩn xác hơn thì thể thao Việt Nam đã có HCV bắn súng và HCV nhảy xa ở ASIAD 17. Thế nhưng, trong thể thao chuyên nghiệp không có chỗ cho những mệnh đề giả định, và cái sự hơn kém chỉ trong tích tắc quyết định ấy thường được người ta gọi là đẳng cấp.

Nếu chỉ xảy ra 1 hoặc 2 trường hợp để lỡ HCV ở giây phút quyết định thì còn có thể đổ lỗi do thiếu may mắn, nhưng khi sự thiếu may mắn ấy kéo dài từ Đại hội thể thao này sang Đại hội thể thao khác (cách đây 4 năm ở ASIAD Quảng Châu, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng bắn hỏng ở lượt quyết định nên đánh mất HCV tưởng như đã cầm chắc, hệt như trường hợp của Nguyễn Hoàng Phương ở Á vận hội năm nay), hoặc kéo dài từ môn này sang môn khác thì tình trạng đấy phải bị xem là giới hạn của nền thể thao.

2. Kể từ năm 2003 tới nay, thể thao Việt Nam luôn xếp trong tốp 3 ở các kỳ Đại hội thể thao khu vực, nhưng ở sân chơi châu lục trong 2 kỳ ASIAD gần đây nhất, thể thao Việt Nam đều phải đứng sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Tương tự như thế, thành tích của thể thao Việt Nam ở Olympic London 2012 cũng thua kém Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.

Điều đó cho thấy thể thao Việt Nam thật sự đã chạm tới giới hạn cuối cùng, và nếu không có sự thay đổi sâu rộng về cách làm thì chúng ta sẽ cứ phải tiếp tục chung sống với cảm giác mỏi mòn chờ đợi rồi sụp đổ trong thất vọng ở các kỳ Đại hội thể thao quốc tế lớn như Olympic hay ASIAD, rồi lại tự an ủi chính mình bằng thành tích cao ngất tại những sân chơi không được bè bạn quốc tế xem trọng như SEA Games.

Chỉ nhìn vào con số 11 HCV mà thể thao Việt Nam giành được trong tròn 20 năm tham dự ASIAD (tính từ năm 1994) vẫn không bằng thành tích của riêng đoàn Thái Lan ở ASIAD 17 (12 HCV là đủ hiểu thể thao Việt Nam thực sự đang đứng ở đâu trên bản đồ châu lục và khu vực.

Không những thế, trong số 11 HCV của thể thao Việt Nam ở 5 kỳ ASIAD vừa qua thì có tới 7 HCV do các môn võ mang lại (karate 4 HCV, taekwondo 2 HCV, wushu 1 HCV), trong đó karate và wushu hiện nay vẫn chưa được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic, còn ở thời điểm taekwondo lấy HCV ASIAD về cho thể thao Việt Nam (năm 1994 và 1998) thì môn này chưa phải là môn thể thao thuộc hệ thống Olympic (taekwondo được chính thức công nhận là môn thể thao Olympic vào năm 2000). 4 HCV ASIAD còn lại của thể thao Việt Nam giành được do công của cầu mây (2), thể hình (1) và billiard-snooker (1).

Đấy là hậu quả của chiến lược làm thể thao theo kiểu “đi tắt đón đầu” mà chúng ta từng áp dụng một thời, khi chọn lựa đầu tư vào những môn ít người chơi hoặc còn mới mẻ để tranh thủ gặt hái huy chương, nhưng thực tế trong thể thao đỉnh cao không có khái niệm gọi là “đi tắt đón đầu”, và khi chúng ta không lựa chọn các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic làm nền tảng phát triển như Thái Lan (điền kinh), Singapore (bơi lội)… thì kịch bản chúng ta làm mưa làm gió ở SEA Games nhưng lại “tắt tiếng” hoàn toàn ở đấu trường Olympic và ASIAD còn tái diễn dài dài.

Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm