Tôi bắt đầu bài viết này bằng một tâm trạng trĩu nặng bởi vừa từ biệt hoạ sĩ Lê Thiết Cương cách đây vài giờ đồng hồ. Điều này không phải quá bất ngờ nhưng không phải vì thế mà nó bớt đau buồn.
Anh Cương, tôi thường gọi anh như vậy, người đã thực hiện phần mỹ thuật cho 10 cuốn sách của tôi. Tôi đã nhờ anh suốt nhiều năm không phải chỉ vì tranh của anh hợp với cái tạng văn của tôi, mà quan trọng hơn, anh là người đọc rất kĩ, rất tinh, rất hiểu.
Tôi chưa từng biết một ông hoạ sĩ nào đọc sách văn học nhiều như anh Cương, chưa từng biết một hoạ sĩ nào có nhiều bạn thân là nhà văn như anh Cương. Anh Cương có cái kiểu đọc rất đặc biệt, cả một cuốn sách vài trăm trang mà nhặt ra được một câu anh đánh giá hay là thành công rồi. Anh đọc được cả những ẩn ý mà nhà văn giấu rất kỹ phía sau những câu, những dòng, những đoạn.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương trong buổi giới thiệu hai cuốn sách gần đây nhất của Đỗ Bích Thuý, tháng 11/2024
Họa sĩ Lê Thiết Cương (phải) tại sự kiện ra mắt sách “Trò chuyện với hội họa”
Có thời gian tôi giữ một chuyên mục cho một tờ báo mà anh luôn là người vẽ minh hoạ cho các bài viết ấy. Mới được khoảng 3 số báo thì anh bảo tôi: Em mà cứ viết theo kiểu rút ruột rút gan như thế thì không đi đường dài được đâu. Tôi bảo anh, em sẽ chỉ giữ mục này đến khi nào cảm thấy mình không còn giữ được phong độ nữa thì thôi. Anh bảo, anh đồng ý.
Anh là người đọc vô cùng khó tính, nên mỗi khi viết xong bài mới tôi lại gần như nín thở chờ tin nhắn của anh. Thường thì anh sẽ gửi cho tôi xem bức minh hoạ kèm theo lời nhận xét.
Sau này, với hầu như chỉ những bài trong chuyên mục ấy cùng các minh hoạ của anh, chúng tôi có một cuốn sách vô cùng đẹp, mĩ mãn.
***
Anh Cương là người nhiệt thành với bạn bè. Ai nhờ gì anh rất hay giúp mặc dù cực kì khó tính. Tôi đã từng dẫn một vài người bạn đến nhờ anh làm sách, anh chưa bao giờ từ chối, kể cả đó là tác giả trẻ. Bên trong cái vẻ khó tính đôi khi khó ưa, hay cáu kỉnh, nóng nảy là một trái tim ấm áp và một tâm hồn vô cùng tinh tế.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương và tác giả bài viết
Mỗi năm một hai lần anh lại bỏ công sức, tiền bạc, thời gian ra làm sách cho một ai đó đã mất. Thường là kỉ niệm năm mất của một người nào đó mà anh rất quý mến, nể trọng. Người ta mất lâu rồi, con cái họ cũng chẳng nghĩ đến việc làm sách cho cha, ông mình, mà anh lại cứ lăn ra làm. In sách rồi lại tổ chức ra mắt sách. Để làm gì? Để thoả cái tình cảm mà anh luôn dành cho họ thôi.
Tôi đã từng có rất nhiều cuộc trò chuyện với anh, thỉnh thoảng tôi lại nhặt được của anh một câu gì đó rất ý nghĩa. Ví dụ như anh nói, Hà Nội là một cái tâm hút hết mọi tinh hoa về phía nó, và trước khi trở thành Hà Nội như bây giờ nó là zero, là con số không. Nó trống rỗng để chứa đựng tất cả.
Sách “Trò chuyện với hội họa” (NXB Hội Nhà văn) của Lê Thiết Cương
Ai cũng biết, tranh Lê Thiết Cương theo tinh thần tối giản. Nhưng anh nói, để đi tới cái tối giản thì đã phải đi qua hết những cái phức tạp nhất. Lê Thiết Cương đọc, vẽ, viết, nói chuyện... luôn cho thấy bản thân anh chính là một cái thư viện khổng lồ, chứa đựng vô vàn kiến thức của rất nhiều lĩnh vực. Anh mới kịp in được 2 trong số 4 cuốn sách đã hoàn thiện hết bản thảo. Cuốn mà anh tâm đắc nhất: "Trong hạt thóc có hạt gạo", chưa kịp in. Có lẽ rồi đây con trai anh sẽ làm nốt phần việc ấy cho bố.
Nhưng có một điều, mãi mãi không ai có thể thay thế anh, đó là viết những trang sách khác. Cái kho kiến thức quý giá đã theo anh đi mất rồi.
Tôi từng nói với anh, nếu anh mà quay sang viết văn thì những đứa như em gập máy tính cất đi hết. Lê Thiết Cương có một lối hành văn rất đặc biệt. Cô đọng, sắc nét, chắt lọc. Từng chữ một của anh đều không hề thừa, từng chữ một đều gánh trên vai nó một dung lượng kiến thức nặng kí, và kì diệu thay, từng chữ một cũng đẹp đẽ, quyến rũ, lay động vô cùng. Đọc Lê Thiết Cương, thú thực chỉ sợ hết.
***
Trong không gian sống của Lê Thiết Cương, tất cả mọi thứ đều ngăn nắp, đúng vị trí, kể cả hộp khăn giấy trên bàn. Nhưng có một thứ, anh bảo anh cho phép mình bừa bộn, đấy là sách. Bên trái bên phải đằng sau đăng trước anh, chỗ nào cũng có sách. Có cuốn đã đọc xong, nhiều cuốn đang đọc dở, một số cuốn chưa đọc. Cuốn nào đọc hay quá anh mua thêm để tặng bạn bè.
Lê Thiết Cương đọc thơ, đọc lý luận phê bình, truyện ngắn, tiểu thuyết, lịch sử, nghiên cứu, triết học... không thiếu thứ gì trên đời. Mà không phải đọc cho vui, đọc lớt phớt rồi bỏ, mà dường như tự thân anh có một cơ chế đọc đặc biệt, những gì quan trọng nhất của cuốn sách ấy anh không bao giờ quên. Một trí nhớ siêu việt và một năng lực cảm thụ không giới hạn.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương đời thường
Ngay cả khi ốm, bên cạnh anh luôn có sách. Vừa từ viện về, nằm trên căn phòng có cái ô cửa được che bởi vòm cây xà cừ xanh biếc, anh nhắn: Anh đọc lại Dọc đường của ông Nguyên Ngọc, hay quá. Anh đã dùng sách để đi qua những ngày mỏi mệt ấy.
Thỉnh thoảng tôi ngồi nghe anh nói về Hà Nội. Anh luôn cho tôi thấy một cách nhìn, cảm nhận về Hà Nội rất đặc biệt - căn cốt, nguyên do, những tinh tuý và chi tiết li ti. Nhưng anh cũng mê nông thôn. Lạ thế. Tôi chỉ thấy rất ít người Hà Nội mê nông thôn thực sự như anh Cương. Ở vùng nông thôn nào, làng quê nào, góc chợ quê nào anh cũng nhìn ra cái đẹp, cái hay.
Có lần, giáp tết tôi đến chơi, thấy trên bàn trà của anh có một cái bình gốm, bên trong cắm mấy sợi lạt hồng. Tôi hỏi anh cái này để làm gì? Anh bảo, đây là lạt điều. Ngày xưa trước khi dâng bánh chưng lên ban thờ gia tiên người tay hay buộc thêm một lượt lạt điều cho đẹp. Anh vừa đi một cái chợ quê nào đấy và quá thích khi nhìn thấy người ta bán nên mua về chơi.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương cùng tác giả bài viết và những người bạn
Lê Thiết Cương là người không bao giờ chịu biết một cái gì nửa vời. Hoặc bỏ qua, hoặc đã để ý thì phải tìm hiểu cho đến nơi đến chốn. Tôi thường viết về miền núi, thỉnh thoảng đọc thấy chi tiết nào đấy lạ lạ hay hay anh đánh dấu lại để hỏi, thế tóm lại nó là cái gì?
***
Lê Thiết Cương và mẹ anh có một sự thấu hiểu đặc biệt. Mỗi khi hẹn anh đến có việc hoặc đến chơi, tôi luôn mua hai bó hoa. Một bó để tặng anh, một bó để tặng mẹ anh. Và bao giờ cũng đến sớm chừng 15 phút. Anh là người cực kì ghét sai giờ. Anh đúng giờ như một cái đồng hồ điện tử vậy. Thậm chí anh luôn ngồi đó sớm hơn một chút so với giờ hẹn, áo quần tươm tất. Nhẫn ở ngón trỏ, vòng ở cổ tay. Bọn tôi vào, nói: Em lên bà tí. Anh bảo, ừ lên đi. Anh thì bọn tôi phải hẹn chứ bà thì không vì bà luôn ở đó, trong căn bếp nhỏ tầng hai ngôi nhà phía sau. Bà đã lớn tuổi nhưng luôn chân luôn tay, bận rộn đọc, suy nghĩ, tụng niệm, nấu ăn, làm bánh trái, chiều chiều gọi một chiếc xích lô đưa con chó nhỏ đi dạo. Đã bao lần tôi ra mắt sách bạn bè đến dự được ăn những món bánh trái bà làm. Ngồi với bà đến sát giờ hẹn anh thì bọn tôi xin phép, bà bảo: Ừ, sang anh đi kẻo anh lại mắng cho.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương
Khi Lê Thiết Cương nhập viện lần cuối cùng, mọi cánh cửa cứ dần hẹp đi, tất cả người thân trong gia đình đều có mặt ở Hà Nội để thay phiên chăm sóc anh vì anh rất mệt, rất đau. Có lúc cả nhà vắng hết chỉ còn mình mẹ anh. Bà nói đêm ấy bà không ngủ được, bà nhớ anh. Bà rất muốn vào viện nhưng anh luôn dặn mọi người không được cho bà vào. Bà gọi điện cho anh: Mẹ ở nhà một mình. Mẹ nhớ con quá. Mẹ không ngủ được. Anh nói: Mẹ không phải vào đâu. Chiều nào con cũng nhìn qua camera thấy mẹ ngồi ở cửa. Vậy là hoá ra, từ khi anh vào viện, chiều nào bà cũng xuống nhà, ngồi một mình ở cửa. Con phố Lý Quốc Sư ấy luôn nườm nượp người qua, rầm rập xe cộ, hàng quán, khách du lịch. Tôi cứ hình dung bà cụ ngồi bên cái ngưỡng cửa màu đỏ nhìn dòng người không ngớt trong những thanh âm ồn ã của phố xá, một câu hỏi nhức nhối trong lòng bà: Bao giờ con về?
Nhưng Lê Thiết Cương đã chỉ trở về ngôi nhà thân thuộc với mẹ khi anh biết mình không qua được đận này, trên băng ca, trong một buổi tối Hà Nội vẫn vô tình như ngày nào. Niềm hạnh phúc cuối cùng Lê Thiết Cương được đón nhận, đó là từ biệt thế gian bên những người thân yêu.
Tạm biệt anh, Lê Thiết Cương. Đâu đó trong cõi nào đó, có lẽ anh đã hội ngộ những người bạn thân thiết rồi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất