Thế nào là vẻ đẹp lý tưởng?

05/08/2008 18:46 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Không nhất thiết phải mang tên Silvio Berlusconi, Sylvester Stalone hay Demi Moore, hầu như người nào cũng muốn can thiệp vào công trình của tạo hóa để vươn tới một vẻ đẹp mà mình không có - bằng mỹ phẩm, và nếu cần, với sự trợ giúp của dao kéo.

Bằng mọi giá

Ở Đức, một quốc gia có dân số tương đương Việt Nam, mỗi năm các chuyên viên phẫu thuật thẩm mỹ phải tiếp ngót nửa triệu “bệnh nhân”. Còn Hoa Kỳ thậm chí cho phép người dưới tuổi trưởng thành được phép nâng ngực hoặc hút mỡ bụng. Đó là chuyện ở các xứ sở xa xôi. Thực ra, mỗi sáng có biết bao người ngủ dậy đứng trước gương và đăm chiêu tự hỏi: “Trông ta thế nào?”
 
 Từ ảnh 1 với gương mặt có 50% nét trẻ em, mỗi bức giảm dần
10% nét trẻ em. Kết quả thăm dò: Gương mặt phụ nữ càng
có nhiều nét trẻ con càng được coi là đẹp

Dĩ nhiên, trên đời này còn khối thứ quan trọng hơn sắc đẹp, và sắc đẹp lớn nhất là sắc đẹp nội tâm. Song ai nói thế thì một là đã đẹp lắm lắm rồi, hai là… cần phải đẹp hơn nhiều nữa để không phải cầu viện tới lý sự “hơi bị cùn” ấy. Công nghiệp son phấn với doanh số ngất ngưởng, phòng giải phẫu thẩm mỹ nhan nhản khắp nơi, câu lạc bộ giảm béo ở mỗi góc phố, thi hoa hậu mỗi tuần hai cuộc v.v. là một phản biện hùng hồn. Bằng mọi giá, con người quyết tâm tiếp cận vẻ đẹp lý tưởng (có thể có). Hội bảo vệ người tiêu dùng Đức mỗi năm phải xử lý 4 vạn đơn khiếu nại sau khi phẫu thuật thẩm mỹ. Sau khi giám định y khoa, người ta phát hiện chưa đến 7% là lỗi chuyên môn. À, thì ra “bệnh nhân” trước đó đã đặt kỳ vọng quá cao vào dao kéo, khi tan thuốc mê mới thấy mình chưa giống hẳn Dayana Mendoza, vòng 1 hơi kém Anna Nicole Smith…

Vậy, thế nào là một vẻ đẹp lý tưởng?

Không có hình mẫu thống nhất
 
 Người đẹp có nhiều lợi thế 
Khi cả nhà ngồi trước ti vi và cãi nhau ỏm tỏi tại sao cô nọ chị kia xấu như vậy mà được coi là đẹp nhất thế giới, ta linh cảm được một điều: có bao nhiêu người thì chừng nấy thị hiếu khác nhau. Ở trong một nhà còn vậy, huống hồ đem so sánh giữa các nền văn hóa khác nhau.

Nhà giải phẫu thẩm mỹ Afschin Fatemi, chủ 4 bệnh viện sắc đẹp ở Hamburg nhận định: “Con người muốn nổi bật lên trong đám đông”. Trong khi người Âu chấp nhận đủ mọi rủi ro về sức khỏe để hút đi vài cân mỡ bụng hoặc mông thì ở những vùng đói kém hơn trên địa cầu người ta chỉ ưa mẫu người mập mạp phúc hậu. Phụ nữ da trắng ra hiệu uốn tóc xoăn tít để giống người Phi, trong khi dân da đen tốn bao tiền của làm duỗi tóc cho thẳng, còn dân châu Á có tóc thẳng tuột thì cuốn lô và nhuộm cho giống châu Âu. Cái gì khó đạt được thì gọi là lý tưởng, sắc đẹp cũng vậy.

Châu lục đông người nhất hành tinh cũng là nơi có nhiều mắt một mí nhất. Ở đây, số cuộc giải phẫu cắt mi đứng đầu bảng, vượt xa số vụ hút mỡ, xóa nếp nhăn hay nâng ngực.

Người Âu và Bắc Mỹ chỉ rình mấy tuần nghỉ hè trong năm để ra biển phơi nắng cho nâu bóng lên, coi đó là thứ đáng khoe nhất khi quay về văn phòng với các đồng nghiệp có nước da nhợt nhạt. Song người châu Á thì che kín toàn thân như Ninja, vì da trắng được coi là đẹp và cao quý, chắc vì thể hiện chủ nhân không phải là người suốt ngày bị trời đày lăn lộn ngoài ruộng kiếm cơm. Mọi khuyến cáo không nên dùng kem trắng da vì có hóa chất phá vỡ sắc tố trong da và nghi gây ung thư đều vô hiệu.

Yếu tố sắc tộc

Châu Mỹ góp thêm một ví dụ bắt ta tin rằng sắc đẹp liên quan đến vị thế xã hội. Ngày xưa phụ nữ Brazil ưa ngực nhỏ, vì đa số phụ nữ Brazil gốc Phi có vấn đề ngược lại: đối với họ, vòng 1 “đồ sộ” nhắc đến quá khứ từ lục địa đen và vô hình trung tiết lộ xuất xứ “hạ lưu”. Từ khi văn hóa Mỹ (và Tây Âu) đổ bộ vào đây quảng bá ngực to là nữ tính và sexy thì thị hiếu bản xứ đột ngột hướng về phẫu thuật nâng ngực. Nhờ sức mạnh kinh tế, Bắc Mỹ và Tây Âu nghiễm nhiên được coi là biểu tượng của phồn vinh, và cũng mở rộng “xâm lăng văn hóa” sang các xứ khác.

Khó giải thích hơn, khi đàn bà Trung Đông vốn quấn khăn kín mít cũng ưa đi phẫu thuật thẩm mỹ. Phải chăng quá trình toàn cầu hóa sâu rộng hơn ta tưởng?
 
Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm