Yuri Gagarin - 50 năm nhớ một huyền thoại

13/04/2011 07:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - 12/4/1961 - 12/4/2011, tròn nửa thế kỷ ngày con người đặt bước chân đầu tiên vào khoảng không gian xung quanh trái đất. Câu chuyện 50 năm đã cũ, những thành tựu mới, những con tàu siêu hiện đại ra đời… Dẫu vậy, thế giới vẫn không thể quên Yuri Gagarin, người đầu tiên mở cánh cửa bước vào vũ trụ, một người Nga và là thiếu tá - phi công Xô viết…

Bên dưới câu chuyện nửa thế kỷ

Xưa kia người ta nghiêm cấm không được mảy may đả động tới những trục trặc, sai sót xảy ra với con tàu Phương Đông. Chuyến đầu tiên người Xô viết cất cánh bay vào vũ trụ thành công thế, sao hoài nghi vào sự không hoàn bị?

Nhưng bây giờ đã được nói, được viết tất cả. Chất bi càng làm tăng thêm chất tráng của những điều thiếu tá Yuri Gagarin đã làm cách đây 50 năm. Trên thực tế, ngay vài giờ trước lúc cất cánh, các kỹ sư buộc phải khắc phục một số trục trặc. Khi những nhân viên kỹ thuật đã đưa Yuri Gagarin vào bên trong con tàu và sập cửa, mới hay không xác lập được mối tiếp xúc, cánh cửa không thể khép kín. Có nghĩa là không thể cất cánh được! Lại một lần nữa cần điều chỉnh, sửa chữa. May sao, trở ngại này không lớn.

Phi hành gia vũ trụ Yuri Gagarin trong chuyến bay đi vào huyền thoại

Sau đó, ngay trong khoảng thời gian tên lửa phóng lên, liên lạc với con tàu đột nhiên bị gián đoạn. “Kerd (mật danh của Gagarin) anh cảm thấy trong người ra sao?” - Không thấy lời đáp! “20 (biệt danh của Tổng công trình sư Sergei Corolev)gọi đây, Kerd trả lời!”. Trong máy chỉ nghe thấy tiếng thở nặng nhọc.

“Tôi không rõ vào thời điểm ấy sắc diện của tôi ra sao, nhưng đứng bên tôi, Tổng công trình sư Sergei Corolev rất lo lắng, căng thẳng. Khi nắm lấy mirco tay ông run lên, giọng nói của ông như nghẹn lại trong cổ, gương mặt ông lúc đỏ lừ, lúc trắng bệch. Nhưng rồi vào lúc căng thẳng nhất, tất cả mọi người bỗng đồng loạt thở phào khi tín hiệu liên lạc với con tàu được nối lại. Phương Đông đã bay vào quỹ đạo” - Nikolai Petrovist Kamanhin, Trợ lý tư lệnh Không quân đặc trách về vũ trụ, ghi trong nhật ký của mình.

Sau này, lúc tiếp đất Yuri Gagarin cũng phải trải qua những giây phút căng thẳng, hồi hộp tương tự. Áp lực trong bộ phận động cơ hãm đột ngột biến mất. Con tàu bỗng chao lắc, tiếng gầm rú mỗi lúc một to. Sức cản tăng vọt. Sau khi tắt động cơ hãm, cần phải tách bộ phận hạ cánh ra khỏi con tàu mẹ. Nhưng điều này đã không thực hiện nổi. Tốc độ xoay lên tới 30 vòng trong một giây. Con tàu hệt như một con cù, quay tít hệt trong trò chơi của con trẻ. Sau này Gagarin kể lại với Hội đồng vũ trụ quốc gia: “Trong boong tàu tôi đã trải qua vũ điệu ba-lê kỳ quái nhất, đầu lộn xuống đất, chân chổng lên trời, ngực và bụng như bị ép chặt, không đủ hơi sức mà thở nữa!”. Gagarin chỉ còn kịp nhắm nghiền mắt lại trước những tia nắng mặt trời rát bỏng chiếu qua ô cửa bên hông. Phải chịu đựng khoảng mười phút, tưởng đâu lâu như cả một thế kỷ, bỗng nghe những tiếng nổ vang lên. Đến tận lúc bấy giờ bộ phận hạ cánh mới tách ra khỏi con tàu mẹ. Nhưng nhà phi hành lại cảm nhận ngay ra một nỗi âu lo mới. Phía ngoài khung cửa bên hông bỗng nghe thấy tiếng răng rắc. Ánh lửa từ những lưỡi lửa đỏ rực hắt vào buồng hạ cánh. Cháy! Còn gì đáng sợ hơn đối với một phi hành gia khi lửa bốc lên ngay nơi đang ngồi. Ý nghĩ về cái chết chợt hiện lên trong đầu nhà du hành…

“Ở độ cao chừng 7.000 mét cửa buồng hạ cánh bỗng bật mở. Tôi quyết định trong chớp mắt: bay vọt ra ngoài thôi! Và tôi bấm nút rời khỏi chiếc ghế ôm quanh người, cứ thế lao xuống phía dưới. Thoạt đầu tôi rơi xuống chỉ bằng một chiếc dù chính. Bấm nút mở chiếc dù phụ, nó không chịu mở. May sao có một lớp mây bay ngang qua mang tới một luồng gió nhẹ. Chiếc dù phụ mở tung” - Yuri Gagarin báo cáo với các thành viên trong Hội đồng vũ trụ quốc gia.

Nhưng vẫn còn một thử thách nữa chờ đợi nhà phi hành. Van xả hơi không mở ra ngay tức thì. Mà Gagarin đang rơi xuống trong bộ quần áo chế tạo đặc biệt dành riêng cho các nhà du hành. Anh sẽ thở như thế nào đây? Mất vài phút Gagarin đã bình tĩnh tìm ra cách “chọc thủng” một lỗ trên tấm áo để không khí lọt vào.

Kiểu tàu Phương Đông không cung cấp cho phi hành gia khả năng tiếp đất khi ngồi bên trong buồng kín rời khỏi thân tàu. Đơn giản vì con người sẽ không chịu nổi cú va đập mạnh khi cái buồng kín ấy từ tít trên cao vài cây số va mạnh vào mặt đất với tốc độ rơi khủng khiếp. Chính vì thế trên con tàu đã thiết kế một bộ phận có sức đẩy rất mạnh. Đến độ cao nào đó, cánh cửa tàu bật mở, bộ phận tạo sức đẩy liền “phát hỏa” và “quả bom” ấy hất phi hành gia bay vọt ra khỏi con tàu. Yuri Gagarin đã quả cảm chịu được lực đẩy ghê gớm này!

Tử nạn

Trước chuyến bay của thiếu tá Yuri Gagarin vào vũ trụ, Liên Xô đã có vài cuộc phóng những thiết kế chở người lên quỹ đạo. Những phi công trên các chuyến bay này đều gặp vận rủi. Và những chuyện như thế trở thành chuyện “không để ai được biết”. Đừng quên rằng ý tưởng đưa con người ra ngoài trái đất nảy sinh ngay từ năm 1957, khi những quả vệ tinh còn chưa biết cách làm thế nào để quay về với đất mẹ. Vào thời kỳ ấy, nhiều kỹ sư, bác sĩ và những người đầy nhiệt huyết đã từng viết đơn tình nguyện: “Tôi sẵn sàng bay vào vũ trụ mà không hy vọng giây phút được trở về trái đất”. May sao, người ta đã không chấp nhận những lá đơn như thế. Trong đội 1 - những người cùng được tuyển chọn với Gagarin, phi hành gia Valentin Bondarenko đã hy sinh. Ngày 23/3/1961, trong thời gian tập luyện tại buồng khí áp lực, lượng oxy trong buồng quá nhiều gây ra một vụ cháy. Phi hành gia Bondarenko bị bỏng nặng và đã không qua khỏi. Chuyện xảy ra trước chuyến bay của Gagarin chưa đầy một tháng.

Ngày 27/3/1968, anh hùng Liên Xô, phi hành gia vũ trụ Yuri Gagarin đã tử nạn trong một buổi tập luyện bình thường trên chiếc máy bay MiG-15. Yuri Gagarin đã chiếm lĩnh được tình yêu thương, quý mến của dân chúng đến độ thậm chí sau khi có thông báo chính thức về cái chết của anh, rất nhiều người không thể tin nổi vào điều ấy đã xảy ra và nhiều năm sau họ vẫn nghĩ rằng Yuri Gagarin đang sống cuộc đời của Robinson trong một cánh rừng hoặc ngoài một đảo hoang nào đó.

Rất nhiều giả thuyết, rất nhiều chuyện thêu dệt, đồn thổi đã nảy sinh xung quanh cái chết của người anh hùng này, đặc biệt khi không tìm thấy thi thể của anh. Vì sao một phi công tài giỏi, dạn dày thử thách như Yuri Gagarin, lái chiếc tiêm kích MiG-15 quen thuộc của mình, trong một lần bay tập mà có thể để xảy ra tai nạn? Liệu có kẻ nào đó muốn giết anh vì ghen tị với vinh quang và sự thăng tiến quá nhanh của anh? Hay có những thế lực muốn thủ tiêu anh để làm giảm thiểu ảnh hưởng của kẻ tiền nhiệm để thiết kế ánh hào quang mới mẻ của mình?

Sự thật là Yuri Gagarin đã lâm nạn, đã chết trong chuyến bay diễn tập tại cánh rừng vùng Kirzast. Chiếc Mig-15 với tốc độ cao đâm thẳng xuống đất và thi thể anh cùng công trình sư Vladimir Sereghin, người ngồi cùng chuyến bay với anh đã tan thành nhiều mảnh, xương thịt trộn với đất đen và tuyết trắng. Người ta chỉ nhận ra Yuri Gagarin bằng vào một số vật dụng riêng anh mang theo và một số mẩu còn sót lại của thi thể.

Điều kỳ lạ hơn nữa là, cho đến tận hôm nay, trải qua gần 40 năm kể từ ngày Yuri Gagarin tử nạn, với những hiểu biết sâu rộng hơn về hàng không, về vũ trụ, về con người; với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, người ta vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác, có sức thuyết phục nguyên nhân gây ra tấn thảm kịch đó. Và ánh mắt ấy, nụ cười ấy, giọng nói mộc mạc, chân thành, cởi mở ấy cứ mãi mãi đọng trong tâm tưởng mọi người thuộc nhiều quốc gia, nhiều sắc tộc, dân tộc trên hành tinh này như gương mặt của chính CON NGƯỜI với hai chữ viết hoa - như văn hào Nga Macxim Gorki đã từng nói, con người của hành tinh này muốn vươn tay ra tìm bạn bè ở các hành tinh xa, gần khác…

Tô Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm