Virus SARS-CoV-2 biến thể chất thêm gánh nặng cho EU

21/12/2020 15:16 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những đoàn xe nằm chờ dài nhiều km ở biên giới, các nước chặn chuyến bay và nối lại kiểm soát, thậm chí đóng cửa biên giới. Những hình ảnh này khiến người ta gợi nhớ tới thời điểm hồi đầu năm, khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở các nước châu Âu. Điều đó lại đang lặp lại và thủ phạm vẫn là virus SARS-CoV-2, nhưng ở dạng biến thể mới. Châu Âu đang ở thời điểm cao trào của dịch bệnh COVID-19 và khó khăn lại thêm chồng chất với sự xuất hiện của biến thể mới với tên gọi VUI-2020/12/01, vừa được phát hiện tại Anh.

Thế giới hơn 77 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 1,7 triệu người tử vong

Thế giới hơn 77 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 1,7 triệu người tử vong

8h ngày 21/12 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 77.156.255 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.699.126 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện nay là 54.053.618 người.

Chỉ trong ngày 20/12, biến thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 đã được xác định ở nhiều nước ngoài Anh, gồm 9 trường hợp tại Đan Mạch, 1 trường hợp ở Italy, 1 ở Hà Lan và 1 ở Australia.

Do đang ở cao điểm của dịch, các nước châu Âu không thể mạo hiểm chờ đợi cho tới khi có thông tin rõ ràng hơn về biến thể của virus hoặc tới khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí về một cách phản ứng chung. Ngay chiều tối cùng ngày, hàng loạt nước châu Âu đã ban bố lệnh đóng cửa biên giới và cấm bay đối với các chuyến bay từ "xứ sở sương mù". Đức, Hà Lan nằm trong số những nước đầu tiên ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh. Pháp lập tức áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Anh bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ. Italy và Áo cũng thông báo đình chỉ các chuyến bay với Anh, trong khi Hy Lạp yêu cầu tất cả du khách đến từ Anh phải cách ly bắt buộc trong ít nhất 1 tuần. Các nước Scandinavia yêu cầu khách đến từ Anh phải xét nghiệm...

Cùng với việc các nước ngừng mọi chuyến bay tới Anh, đường hầm Eurotunnel nối Anh và Pháp đã đóng cửa từ 23 giờ đêm 20/12 (sáng 21/12 giờ Việt Nam), bến phà ở Dover của Anh cũng đã đóng cửa. Như vậy, đường không và đường biển ra vào nước Anh đều bị phong tỏa. Với lệnh cấm bay và đóng cửa biên giới, các nước châu Âu đang tự trang bị vũ khí chống lại biến thể được đánh giá "rất dễ lây lan" của virus SARS-CoV-2. 

Có thể thấy châu Âu không còn lựa chọn nào khác là phải lập tức hành động không thể chậm trễ để có thể tự bảo vệ mình, bởi các nhà khoa học Anh đánh giá biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70%, dù không dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và vaccine vẫn sẽ hoạt động hiệu quả với biến thể mới. Giới chức y tế đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể mới chủ yếu ở miền Nam xứ England.

Trên cương vị là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/12 đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel để thảo luận tìm kiếm biện pháp ứng phó của châu Âu với biến thể mới của virus. Đức đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của EU theo Cơ chế ứng phó khẩn cấp với khủng hoảng (IPCR) trong ngày 21/12 để thảo luận về một cách tiếp cận chung ứng phó với mối nguy cơ mới. Cơ chế này cho phép châu Âu đưa ra các quyết định chính trị nhanh chóng và có sự phối hợp trong các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và phức tạp, trong đó các thể chế của EU, các nước EU và các bên liên quan cùng hợp tác hành động.

Chú thích ảnh
Nhiều nước lo ngại biến thể của virus SARS-CoV-2

Không chỉ riêng châu Âu, nhiều nước trên thế giới cũng đã phản ứng tức thì. Để phòng ngừa virus lây lan, Iran đã quyết định tạm ngừng các chuyến bay tới Anh trong vòng 2 tuần, trong khi Cơ quan Hàng không dân dụng Kuwait bổ sung Anh vào danh sách các nước có nguy cơ cao. Saudi Arabia đã tạm ngừng các chuyến bay quốc tế và đình chỉ việc nhập cảnh qua đường bộ và các cảng biển trong ít nhất một tuần, đồng thời không loại trừ việc gia hạn các biện pháp này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạm thời đình chỉ các chuyến bay từ Anh, Hà Lan, Đan Mạch và Nam Phi (quốc gia cũng vừa thông báo đã phát hiện ra một biến thể mới của virus SARS-CoV-2).

Nỗi lo ngại đã lan đến cả khu vực châu Mỹ, khi El Salvador ngày 20/12 thông báo cấm nhập cảnh đối với các du khách đã từng ở Anh hoặc Nam Phi trong vòng 30 ngày gần đây nhất hoặc những người từng quá cảnh tại các nước này. Colombia, Argentina, Chile và Canada cũng công bố quyết định tương tự.

Bản thân nước Anh cũng đưa ra hàng loạt biện pháp khẩn cấp. Sau cuộc họp bất thường do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, Chính phủ Anh phải hủy kế hoạch nới lỏng hạn chế dịp Giáng sinh. Cụ thể, người dân tại những vùng bị áp dụng các biện pháp hạn chế Bậc 4 sẽ không được gặp các hộ gia đình khác. Người dân sống ở những khu vực khác sẽ chỉ được gặp trong một ngày, thay vì 5 ngày trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh như kế hoạch ban đầu. 

Trước khi biến thể mới xuất hiện, châu Âu đã rất kỳ vọng sớm kiềm chế được đại dịch bởi nhiều nước sẽ bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 27/12 tới. Giờ đây, dư luận đang đặt câu hỏi liệu những vaccine đã phát triển và sắp được tung ra thị trường có thể phòng ngừa hiệu quả với biến thể mới hay không. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khẳng định không có bằng chứng cho thấy các vaccine hiện có kém hiệu quả trong việc phòng ngừa biến thể mới của SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cũng bảo vệ quan điểm này, dẫn lời các chuyên gia châu Âu nhấn mạnh tính hiệu quả của các loại vaccine hiện có trong việc phòng ngừa biến thể VUI-2020/12/01 mới phát hiện tại Anh. 

Tuy nhiên, tuyên bố tương đối chung chung này có thể được hiểu mang tính "trấn an", bởi biến thể mới vừa xuất hiện và chưa có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu một cách khoa học và chắc chắn về hiệu quả phòng ngừa của vaccine. Bản thân các chuyên gia cũng đưa ra các nhận định trái chiều và tỏ ra thận trong khi đánh giá mức ảnh hưởng của biến thể mới này. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Muge Cevik tại Đại học St. Andrews tại Scotland, kiêm cố vấn khoa học của Chính phủ Anh cảnh báo việc chính phủ công bố biến thể mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70% chỉ là dựa trên mô hình, thay vì dữ liệu thực tế tại phòng thí nghiệm. Theo ông, không thể loại trừ khả năng sự lây lan này là do hành vi của con người.

Trên thực tế, virus sẽ không ngừng biến đổi trong quá trình tiến hóa, song điều đáng lo là virus SARS-CoV-2 đột biến thông qua thay đổi protein gai trên bề mặt, giúp nó tránh được tác dụng của thuốc điều trị hay hệ miễn dịch. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể VUI-2020/12/01 đã được phát hiện tại Đông Nam nước Anh vào tháng 9 vừa qua. Các chuyên gia cho biết biến thể này có tới 17 đột biến, trong đó có 8 đột biến về protein gai, giúp virus nhân lên và lây lan nhanh chóng. Virus SARS-CoV-2 dùng protein gai để xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh, đây cũng là mục tiêu các vaccine hiện nay nhắm đến để hỗ trợ khả năng miễn dịch cho cơ thể. Với những diễn biến mới nhất, WHO khẳng định đang liên lạc chặt chẽ với nhà chức trách Anh về nghiên cứu biến thể mới, đồng thời sẽ cập nhật đến các nước thành viên và người dân về đặc tính và ảnh hưởng của biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Moncef Slaoui, Trưởng Cố vấn khoa học của Chính phủ Mỹ về phân phối vaccine đánh giá dù khả năng biến thể mới kháng được vaccine hiện có là thấp, song điều này vẫn có thể xảy ra. Giáo sư vi trùng học Ravindra Gupta tại Đại học Cambridge cũng lo ngại rằng biến thể mới sẽ mở đường giúp virus kháng vaccine, dù quá trình này sẽ đòi hỏi nhiều lần đột biến. Chuyên gia này nhận định mỗi năm thế giới lại cần các vaccine ngừa cúm khác nhau, do đó không có lý do gì chứng minh điều tương tự sẽ không xảy ra với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, không ít chuyên gia về vaccine đảm bảo rằng việc phát triển và bào chế vaccine đã tính tới tình huống biến thể và mọi đột biến của virus đều nằm trong vòng cương tỏa của vaccine sắp được tung ra. Kể cả khi virus có sự đột biến và các vaccine chỉ tập trung vào protein gai, thì hệ miễn dịch đặc biệt và phức tạp của con người vẫn có thể ứng phó được.

Bất luận ra sao thì virus biến thể cũng đang đặt thêm thách thức cho EU khi mà các nước châu Âu vẫn chưa thể khống chế được làn sóng dịch mới trong mùa Đông. Rút kinh nghiệm từ cách phản ứng ở thời điểm dịch bùng phát hồi đầu năm, lần này châu Âu đã có sự tham vấn và hành động nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là biến thể mới đã xuất hiện ở một số nước EU, đòi hỏi châu Âu cần phải hành động thống nhất và quyết liệt hơn trước sự biến đổi phức tạp và khó lường của virus SARS-CoV-2.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm