Viếng đền Cửa Ông

05/09/2018 08:20 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi đến viếng đền Cửa Ông ở thành phố Cẩm Phả, bên bờ vịnh Bái Tử Long, một trong số những ngôi đền linh thiêng và có kiến trúc rất đẹp của Việt Nam, như người xưa ca ngợi:

Nghìn trùng nước biếc buông tay áo
Bốn phía non xanh tạc hoạ đồ

Đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng (1252-1313), con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo. Trần Quốc Tảng là một vị tướng tài có nhiều công lao của nhà Trần, người đã góp phần đánh tan giặc Nguyên thế kỷ thứ XIII. Theo lệnh triều đình, ông đã trấn thủ vùng Đông Bắc hiểm yếu của đất nước, từ năm 1288 cho đến khi qua đời, giữ yên một dải non sông bờ cõi vào một thời kỷ rất quan trong lịch sử dân tộc. Với những công lao to lớn với dân với nước, người dân trong vùng tôn kính gọi Trần Quốc Tảng là Đức Ông, lập đển thờ sau khi ông hiển thánh hơn 700 năm trước.

Chú thích ảnh
Tác giả (phải) tại Đền Cửa Ông

Đền Cửa Ông gồm ba khu, đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Khu vực đền Thượng có lăng mộ, điện thờ Trần Quốc Tảng, với đôi câu đối nổi tiếng:

Giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh lừng Đất Bắc
Để dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự gửi trời Nam

Tượng Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng được dựng trên một ngọn đồi cao, tư thế uy nghiêm, lẫm liệt, gươm báu bên mình, hướng mặt ra vịnh biển, như vẫn đang canh giữ cả một vùng đất liền và biển đảo biên cương Đông Bắc hiểm yếu của tổ quốc.

Cùng với việc thờ Trần Quốc Tảng, đền Cửa Ông là nơi duy nhất còn lại đến ngày nay thờ cả gia thất của Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh gần gũi với ông; gồm hơn 30 pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật cao. Đó là tượng Trần Hưng Đạo, tượng Thánh Mẫu (phu nhân Trần Hưng Đạo), Trần Quốc Tảng, Trần Anh Tông, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão...- những nhân vật đã góp phần làm nên lịch sử một triều đại huy hoàng.

Đền Cửa Ông không những có ý nghĩa lịch sử to lớn, gắn với những truyền thuyết linh thiêng, mà còn có giá trị kiến trúc, văn hoá đặc sắc. Khu đền toạ lạc trên các ngọn đồi bên vịnh biển. Các công trình hài hoà trên các tầng không gian, nằm dưới những bóng cây cổ thụ, tạo nên vẻ tĩnh mịch, trang nghiêm.

Các công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc dân gian, với các điển tích Long, Ly, Quy, Phượng; bằng các vật liệu truyền thống như đá đúc, gạch Bát Tràng, đất nung, các loại gỗ quý như đinh, lim, trắc, gụ; với các bức trướng, phù điêu, câu đối đậm sắc màu truyền thống.

Đền Cửa Ông đã được xếp hạng khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, trở thành điểm du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn của đông đảo du khách khắp các vùng gần xa trong cả nước. Lễ hội đền được mở từ ngày mùng 2 đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

  Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Những chùa, đền, phủ linh thiêng người Hà Nội thường lễ cầu may

Những chùa, đền, phủ linh thiêng người Hà Nội thường lễ cầu may

Đi lễ vào dịp Tết đến xuân về là nét đẹp văn hoá của người Việt. Bởi đó không chỉ là chuyến hành hương để gửi gắm những ước nguyện, mà còn là dịp để người ta tìm kiếm sự thư thái trong lòng sau một năm vất vả bộn bề.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm