Thủ tướng vi hành, chia tiền cho dân

15/07/2008 09:47 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Online) - Nghe có vẻ khó tin nhưng các chính khách ở Iraq, dẫn đầu là Thủ tướng Nouri al-Maliki đã bắt đầu xuống đường và phát tiền mặt cho người dân nghèo Iraq. Mỗi người sẽ được phát trung bình từ 200 - 400 USD, cao nhất là 8.000 USD. Không phải al-Maliki và các cấp dưới của ông thừa tiền. Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Iraq nhằm đưa cuộc sống của quốc gia vùng Vịnh trở lại bình thường.

Nghĩa cử gây sốc...

Trong vài tuần gần đây, Thủ tướng Iraq đã đích thân đi dạo qua các đường phố và phát ngay tiền mặt cho những ai cần sự giúp đỡ. Phần lớn người dân nghèo được ông Maliki tặng một món tiền trị giá từ 200 - 400 USD. Họ là những người đang cần tiền trả chi phí chữa bệnh, mua thực phẩm. Đó có thể là những người thất nghiệp, người vô gia cư hoặc phụ nữ goá chồng.
 
Thủ tướng Maliki trong chuyến vi hành tới một khu chợ ở Baghdad

Đã vài lần người ta tận mắt thấy Maliki cho tiền người nghèo. Đơn cử như mới đây, khi đi ngang qua công viên Abu Nawas ở Baghdad, ông đã tặng cho mỗi thành viên trong một nhóm trẻ nghèo số dinar (tiền Iraq) trị giá 40 USD để các em mua bóng đá. Có khi Maliki rút ví tới 8.000 USD cho những cảnh đời khốn khó, những con người mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên những trường hợp này phải có giấy tờ chứng minh họ thật sự xứng đáng với số tiền mà ông trao tặng.

Còn trong chuyến đi hồi tháng trước tới vùng Amarah để gặp vài lãnh đạo địa phương, một phóng viên của hãng tin AP thấy ngài thủ tướng chậm rãi tiếp cận một nhóm người ăn xin. Tiếp đó một số phụ tá của Maliki bắt đầu phát tiền cho những người này, dựa trên sự chỉ đạo của ông. Một phụ tá khác đứng phía sau lặng lẽ ghi hết tất cả những món tiền mà Maliki đã chi.

...Là chính sách quốc gia

Thực tế việc Thủ tướng Nouri al-Maliki và một nhóm nhỏ các quan chức cấp cao của Iraq phát tiền cho dân là chính sách mới được chính phủ Iraq thông qua. Theo quy định, việc phát tiền hoàn toàn hợp lệ chừng nào số tiền không vượt quá 8.000 USD/người và không phát hai lần/một người.

Mục đích của hoạt động phát tiền là nhằm khôi phục lại một cách nhanh nhất các dịch vụ cơ bản và khởi động nền kinh tế sa sút của Iraq thông qua việc phân phối càng nhiều càng tốt khoản tiền thu được từ việc bán dầu. Các quan chức tin rằng khi điều kiện sống của người dân lên cao dần, an ninh và nhiều vấn đề khác tại Iraq hiện nay sẽ được cải thiện đáng kể.

Quân đội Mỹ cùng những người Mỹ đã chán ngấy chiến tranh tỏ ra rất ủng hộ quyết định phát tiền. Từ lâu nay người Mỹ vẫn muốn Iraq phải tiêu tiền của họ để tái thiết đất nước trong bối cảnh bạo lực giảm bớt và an ninh đang dần được khôi phục.

Bản thân người Mỹ cũng đang sử dụng giải pháp bỏ tiền mua an ninh. Chỉ huy quân đội Mỹ ở Iraq, tướng David Petraeus luôn miệng nói rằng tiền là một vũ khí quan trọng để giành lấy sự ủng hộ của dân chúng từ tay lực lượng phiến loạn và giúp ổn định Iraq. Vì lẽ đó, người Mỹ vẫn đang phát tiền cho các cựu quân nhân Hồi giáo Sunni, những người tình nguyện ngả về phía người Mỹ để chống lại Al Qaeda. Quân đội Mỹ cũng cấp tiền và sự hỗ trợ cho các dự án khác nhau như sửa chữa đường xá bị hư hỏng do các cuộc chiến tại thành phố Sadr của người Shiite.

Vẫn còn "gợn"

Ngoài việc phát tiền cho dân, giới lãnh đạo Iraq đã nghĩ tới những khoản đầu tư lớn mang tính chiến lược. Cụ thể chính phủ đã quyết định đầu tư 100 triệu USD để tái thiết thành phố Sadr, 100 triệu USD khác cho thành phố Basra, 100 triệu khác cho thị trấn Amarah ở phía nam và 83 triệu USD để giúp người tị nạn hồi hương.
 
Song các chính sách mang màu sắc tích cực của chính phủ Iraq đã vấp phải không ít sự nghi ngờ từ phía dư luận. Người ta e ngại chủ nghĩa thiên vị sẽ xuất hiện bởi thủ tướng Maliki là người Shiite và ông sẽ chỉ đầu tư cho người Shiite. Sự e ngại không phải là vô căn cứ bởi tất cả các địa phương được đầu tư lớn ở trên đều thuộc về người Shiite. Trong khi đó tỉnh Ninevah bị tàn phá tan hoang bởi các cuộc giao tranh, nơi tập trung đông người Sunni và người Kurd, mới chỉ nhận được có 20% trong khoản đầu tư mà chính phủ cam kết.

Bên cạnh đó sự thiếu tổ chức của chính quyền trung ương trong việc phân phối tiền bán dầu làm nảy sinh nguy cơ xuất hiện tham nhũng. Bản thân Maliki cũng nhận ra vấn đề này. Ông từng tuyên bố trong cuộc họp với các lãnh đạo bộ tộc ở Basra rằng "tiền không phải là vấn đề", nhưng phải "đặt tiền vào những bàn tay trung thực" để nó được tiêu đúng mục đích.

Theo các chuyên gia, dù vẫn còn tồn tại một số vấn đề, nhưng với khoản thu lên tới 70 tỉ USD/năm từ việc bán dầu, cơ hội khôi phục cuộc sống ổn định ở Iraq hiện đã gần hơn bao giờ hết.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm