Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria: Đức coi chiến dịch là hành động 'xâm lược'

21/10/2019 11:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 20/10 nhận định chiến dịch tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd (Cuốc) ở Syria là hành động "xâm lược", đồng thời nhấn mạnh Berlin coi hành động này là bất hợp pháp và cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara.       

HĐBA Liên hợp quốc họp khẩn về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

HĐBA Liên hợp quốc họp khẩn về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

Ngày 10/10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp khẩn về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ngoại trưởng Maas cho biết Berlin bác bỏ hoàn toàn những biện minh mà Ankara đưa ra cho các chiến dịch tấn công các lực lượng người Kurd ở Syria.

Ông nhấn mạnh Chính phủ Đức không thể đồng quan điểm với những gì đã xảy ra cũng như những cơ sở pháp lý mà Thổ Nhĩ Kỳ biện hộ cho hành động quân sự của mình. Berlin không cho rằng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria là hợp pháp theo luật quốc tế. Ngoại trưởng Đức cũng cảnh báo Berlin đang theo dõi sát hành động của Ankara sau thỏa thuận ngừng bắn mong manh, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Đức không loại trừ khả năng sẽ tiến hành các biện pháp, trong đó có trừng phạt kinh tế.           

Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại quốc gia Trung Đông này. Thủ tướng Tayyip Erdogan khẳng định chiến dịch này chỉ nhằm vào các tay súng người Kurd và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Bắc Syria, để đảm bảo an ninh biên giới và "đem lại hòa bình cho khu vực".

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu tại một sự kiện ở Frankfurt am Main ngày 16/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, chiến dịch làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ, ít nhất 114 dân thường đã thiệt mạng và 300.000 người phải đi sơ tán vì giao tranh. Ngoài ra, hơn 250 tay súng SDF và 190 tay súng ủng hộ Ankara cũng đã thiệt mạng trong cùng thời gian này.       

Ngày 17/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tạm dừng chiến dịch trong 5 ngày để lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực mà Ankara xác định là “vùng an toàn” trong bán kính 30 km từ biên giới vào sâu lãnh thổ Syria, đổi lấy một số nhượng bộ từ phía Mỹ. Ngày 20/10, Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) đã rời khỏi thị trấn biên giới Ras al-Ain trong khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến vào địa điểm này.

        Anh Đức/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm