Thành tựu chấn động trong việc cấy ghép mô tạng

20/11/2008 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Các nhà khoa học thế giới vừa thành công trong việc cấy ghép khí quản cho một bệnh nhân bị hỏng bộ phận này và suýt nữa đã bị cắt bỏ một bên phổi. Sự đặc biệt nằm ở chỗ sau khi được ghép khí quản, bệnh nhân không cần dùng thuốc chống đào thải, một việc chưa từng có tiền lệ.

Người phụ nữ may mắn

Chị Claudia Castillo, người đầu tiên trên thế giới không phải dùng thuốc chống đào thải sau khi ghép bộ phận mới vào cơ thể.
Đã 5 tháng trôi qua, Claudia Castillo, một bà mẹ 30 tuổi với hai con, vẫn đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Chị vừa trải qua một cuộc phẫu thuật cấy ghép khí quản sau khi phổi của chị bị căn bệnh lao tàn phá. Căn bệnh đã làm hư đường khí quản một bên phổi của Claudia. Nó khiến cuộc sống của chị trở thành những ngày dài chìm trong ác mộng.

"Đường khí quản hỏng đã hạn chế quãng đường tôi có thể đi. Càng đi xa tôi càng thở khó khăn. Tôi không thể đi bộ hay chơi cùng con cái. Khi tôi lâm vào tình trạng khó thở, tôi cũng không thể nói chuyện với chúng. Lúc nào tôi cũng phải ngừng lại chỉ để thở" - Claudia kể.

Và rồi mọi chuyện đã thay đổi sau khi một bác sĩ - giáo sư về phẫu thuật có tên Paolo Macchiarini tiếp cận với Claudia và đề nghị chị tham gia vào một thí nghiệm y học. "Tôi rất sợ... Ông ấy nói với tôi rằng đây là một thí nghiệm chưa từng tiến hành trên thế giới. Nhưng rồi mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp" - chị kể.
Bí quyết : bộ phận lai

Đó quả thực là một phương pháp điều trị chưa từng có từ trước tới nay. Để tạo đường khí quản mới, các bác sĩ điều trị cho Claudia đã lấy khí quản phù hợp từ một người hiến tặng vừa mới qua đời. Rồi họ sử dụng hóa chất mạnh và các enzyme cần thiết để "rửa" sạch mọi tế bào của người hiến tặng. Thứ duy nhất còn lại chỉ là một "bộ khung" của khí quản được làm từ các sợi collagen.

Tiếp đó các bác sĩ trích xuất tế bào của chị Claudia và cấy nó vào bộ khung collagen. Do sử dụng tế bào của chính chị Claudia nên người ta có thể đánh lừa được hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến nó nghĩ rằng thanh quản mới được cấy ghép không phải của người lạ.

Có hai loại tế bào đã được trích đi từ người chị Claudia. Loại thứ nhất lấy từ chính thanh quản của chị và loại thứ hai là tế bào gốc còn rất "non" lấy từ tủy sống. Sau 4 ngày nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã có thể "phủ" kín các tế bào của chị Claudia vào bộ khung thanh quản, tạo thành một khí quản lai hoàn hảo. Cuộc phẫu thuật được tiến hành hồi tháng 6 năm nay tại Bệnh viện Barcelona, đã thành công tốt đẹp.
 
Hình ảnh cho thấy khí quản bị tổn thương của chị Claudia
Khí quản lai được tạo ra từ khí quản của người lạ
và tế bào của chị Claudia

Bản thân bác sĩ Paolo Macchiarini thú nhận ông đã rất sợ hãi khi tiến hành thí nghiệm với chị Claudia bởi các thí nghiệm trước đó chỉ tiến hành trên lợn. Tuy nhiên đã không có sự cố nào xảy ra.

4 ngày sau ca cấy ghép, phần khí quản lai được cấy ghép đã hầu như không còn phân biệt được với phần khí quản bình thường nằm cạnh đó. Sau một tháng, những kiểm tra sinh thiết cho thấy khí quản lai đã phát triển hệ thống các mạch máu của riêng nó. Điều đáng quan tâm là kể từ khi tiến hành phẫu thuật cho tới hiện nay, khí quản lai không hề bị cơ thể đào thải. Theo giáo sư Macchiarini cơ hội khí quản lai bị đào thải trong tương lai là 0%.

Sau khi được cấy ghép, chị Claudia đã có thể vui đùa với hai con. Chị có thể đi một mạch hai tầng cầu thang không hề thấy mệt và còn chạy được một quãng đường dài. Bác sĩ Macchiarini cho biết ông đã rất phấn khích với kết quả này."Cô ấy đã trở lại cuộc sống bình thường và đó là món quà tuyệt vời nhất với các bác sĩ chúng tôi" - ông nói.
Kỷ nguyên mới của hoạt động cấy ghép

Giáo sư Martin Birchall ở Đại học Bristol, người giúp nuôi các tế bào cua chị Claudia đánh giá:"Thành công từ trường hợp của Claudia đã tạo một bước tiến khổng lồ trong hoạt động phẫu thuật. Các bác sĩ giờ có thể bắt đầu dựa vào tế bào gốc cùng kỹ thuật xử lý mô để tăng cường khả năng điều trị bệnh nhân mắc các căn bệnh nguy hiểm". Giáo sư Birchall tiên đoán trong 20 năm tới, phần lớn các hoạt động ghép mô tạng sẽ được tiến hành theo phương pháp này.

Hiện các bác sĩ đã tham gia điều trị cho chị Claudia đang tìm ngân sách để nghiên cứu việc cấy ghép thanh quản, khí quản cho các bệnh nhân bị ung thư các bộ phận này. Hoạt động điều trị thử nghiệm sẽ chính thức diễn ra trong 5 năm tới. Mỗi năm, châu Âu có từ 50.000 - 60.000 bệnh nhân bị ung thư các bộ phận này. Hướng điều trị mới sẽ mở rộng cánh cửa giúp họ có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm