Phát hiện mới về Robinson Crusoe

02/11/2008 11:37 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cho tới nay, người ta mới chỉ phỏng đoán nguyên mẫu của Robinson Crusoe từng sống ở đảo Aguas Buenas. Giờ đây các nhà khảo cổ đã phát hiện một số di vật khẳng định sự phỏng đoán này là có thực: Đúng là đã có một thủy thủ châu Âu sống lẻ loi trên đảo nối trên hồi đầu thế kỷ 18.

Bìa cuốn tiểu thuyết Robinson Crusoe – nguyên gốc là The life and strange surprizing adventures of Robinson Crusoe of York, Mariner (Cuộc đời và những chuyện phiêu lưu kỳ thú của Robinson Crusoe, người thủy thủ xứ York) – xuất bản lần đầu tiên năm 1719.

Bị lưu đày ở một hoang đảo, sống bằng những gì mà thiên nhiên ban tặng, hàng ngày cầu nguyện được cứu vớt nhưng lại hoảng sợ khi thấy một bóng thuyền ở phía chân trời. Đó chính là tình cảnh của nhân vật Robinson Crusoe trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Daniel Defoe.

* Dựa trên một câu chuyện có thực...

Nhân vật chính của câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm từng khiến cho nhiều thế hệ mê say nói trên không phải là một sản phẩm của sự hư cấu, mà là một thủy thủ “bằng xương, bằng thịt” có tên là Alexander Selkirk.

Alexander Selkirk sinh năm 1676 ở thị trấn nhỏ ven biển mang tên Lower Largo (Scotland). Là con trai của một người thợ đóng giày, nhưng anh chàng Alexander lại ham mê hàng hải. Năm 1704, trong một chuyến đi biển, Alexander Selkirk đã cãi nhau với thuyền trưởng về khả năng đi biển của con tàu và bị đẩy xuống đảo Aguas Buenas. Ông không ngờ phải ở lại hoang đảo này lâu đến thế. Khi ở trên đảo, ông mỏi mòn chờ đợi một con tàu khác đi ngang qua đảo để trở về quê hương. Thế nhưng, mãi đến 4 năm sau, một con tàu của Vương quốc Anh mới đi ngang qua Aguas Buenas và đưa Alexander Selkirk về nước. Khi ấy Alexander Selkirk gần như đã trở thành một “người rừng”.

Trong cuốn hồi ký của mình, thuyền trưởng Woodes Rogers - người đã đưa Selkirk rời đảo Aguas Buenas năm1709 - cho biết chính mắt ông đã trông thấy một số dụng cụ toán học trong số đồ đạc ít ỏi mà Selkirk còn giữ ở bên mình.

Tác giả Daniel Defoe đã đọc câu chuyện đầy sự phiêu lưu của người thủy thủ này do thuyền trưởng Woodes Rogers trong một tạp chí và qua đó viết lên cuốn tiểu thuyết Robinson Crusoe. Được xuất bản năm 1719, Robinson Crusoe là một trong những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm lâu đời nhất và nổi tiếng nhất của văn học Anh.

 Robinson Crusoe và người thổ dân Thứ Sáu trong tác phẩm của Daniel Defoe

Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Daniel Defoe đã để cho nhân vật chính của mình sống một mình trên hoang đảo tới 28 năm, chứ không phải 4 năm như Alexander Selkirk. Sau nhiều năm sống đơn độc, Robinson Crusoe cũng gặp được những con người, nhưng đó lại là những kẻ ăn thịt người và cứu sống được một nạn nhân của chúng là Thứ Sáu. Liệu Thứ Sáu là có thật hay chỉ là một nhân vật hư cấu của nhà văn Daniel Defoe? Tác giả Daniel Defoe có trực tiếp gặp Alexander Selkirk hay chỉ được nghe những câu chuyện kể về Selkirk để viết nên thiên tiểu thuyết bất hủ của ông? Tóm lại câu chuyện về Selkirk có thật tới mức độ nào và tiểu thuyết của Daniel Defoe hư cấu tới mức độ nào?

Đó là những câu hỏi được đặt ra không chỉ đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn học, mà cả với giới khảo cổ. Cho tới nay người ta chỉ mới chỉ phỏng đoán nguyên mẫu của Robinson Crusoe từng sống ở đảo Aguas Buenas, trên Thái Bình Dương, ngoài khơi bờ biển Chile.

 Một góc đảo Aguas Buenas

* ... và được minh chứng qua khai quật

Giờ đây phỏng đoán đó đã được xác nhận qua những bằng chứng: Một nhóm khai quật quốc tế dưới sự lãnh đạo của nhà khảo cổ Nhật Bản Daisuke Takahashi và nhà khảo cổ David Caldwell (Bảo tàng Quốc gia Scotland) trong một đợt khai quật vừa tiến hành ở đảo Aguas Buenas (sau này được đổi tên thành đảo Robinson Crusoe) đã phát hiện ra nơi ăn ở của một thủy thủ người châu Âu hồi đầu thế kỷ 18 và người này có nhiều khả năng chính là Alexander Selkirk. Phát hiện có tính thuyết phục nhất ở đây là chiếc compa phục vụ cho công việc hoa tiêu trên biển, một công việc mà Alexander Selkirk từng làm khi còn là thủy thủ.

Những phát hiện khảo cổ cũng cho người ta bước đầu hình dung ra cuộc sống của Selkirk trên hòn đảo hoang này. Ông đã xây dựng cho mình hai chỗ ở gần một dòng suối, nhìn ra bến cảng, có thể quan sát những con tàu đang tới gần để phân biệt bạn thù. Trong sổ ghi chép của thuyền trưởng Woodes Rogers có viết Alexander Selkirk từng săn bắn dê rừng, lấy thịt làm thực phẩm và lấy da làm quần áo. Sau này, ông còn biết cách bẫy và chăn nuôi những con dê rừng đã bắt được.

Nhà khảo cổ David Caldwell rất hài lòng nói: “Những phát hiện trên đảo Aguas Buenas cho thấy Alexander Selkirk từng sống trên đảo này. Chúng tôi hy vọng với những phát hiện đó, Aguas Buenas càng trở thành một địa điểm du lịch, thu hút những du khách muốn tìm hiểu kỹ hơn những gì đã được mô tả trong cuốn tiểu thuyết Robinson Crusoe của nhà văn bậc thầy Daniel Crusoe”.
 
Minh Bích

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm