07/01/2021 21:50 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Quốc hội Mỹ đã xác nhận ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ trong khi đảng Dân chủ cũng giành lại quyền kiểm soát Thượng viện lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Chiến thắng này được coi là dấu mốc chấm dứt mọi hoài nghi và tranh cãi pháp lý liên quan tới cuộc bầu cử năm 2020, song rất nhiều thách thức đang chờ đợi chính quyền Tổng thống Biden trong nhiệm kỳ tới.
Quốc hội Mỹ xác nhận ông Biden chính thức thắng cử
Tại phiên họp vào chiều 7/1 (theo giờ Việt Nam), lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã xác nhận ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố Quốc hội đã xác nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri đoàn của các bang, với kết quả cho thấy ông Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 3/11/2020. Với việc Quốc hội kiểm xong phiếu tại bang Vermont, ông Biden hiện giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri và đây là số phiếu tối thiểu để trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ chính thức xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mặc dù ông không hoàn toàn đồng ý với kết quả của cuộc bầu cử, song cam kết sẽ có "một sự chuyển giao trật tự và hòa bình vào ngày 20/1 tới".
Trước đó, ngày 6/1, đảng Dân chủ cũng đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện sau khi giành được chiến thắng trong hai cuộc bầu cử bổ sung ở Georgia, một cuộc đua nước rút quan trọng giúp đảng này kiểm soát hiệu quả hơn chính phủ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Tại cuộc bầu cử Thượng viện ở Georgia, hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ là Linh mục Raphael Warnock Jon Ossoff đã lần lượt đánh bại hai Thượng nghị sĩ đương nhiệm đảng Cộng hòa là Kelly Loeffler và David Perdue. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ bỏ phiếu quyết định thế đa số, giúp đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Sau khi kết quả kiểm phiếu được truyền thông Mỹ đưa tin, Thượng nghị sĩ Dân chủ bang New York Charles Schumer dự kiến sẽ trở thành lãnh đạo đa số tại Thượng viện tiếp theo, thay thế cho vị trí Lãnh đạo Đa số Thượng viện hiện tại của Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Kentucky Mitch McConnell.
Khép lại các tranh cãi pháp lý
Trong tiến trình bầu cử Mỹ, thông thường, ngày lưỡng viện Quốc hội triệu tập một phiên họp chung nhằm kiểm đếm và xác nhận số phiếu bầu của cử tri đoàn, qua đó công bố chính thức người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, chỉ mang tính hình thức. Trước đó, cử tri đoàn ngày 14/12/2020 đã bỏ phiếu xác nhận ông Joe Biden vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Theo kết quả các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, ông Joe Biden đã giành được chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri, trong khi đó Tổng thống Trump giành được 232 phiếu đại cử tri.
Tuy nhiên, do những tranh cãi kéo dài kể từ ngày cử tri cả nước bỏ phiếu bầu tổng thống đầu tháng 11 năm ngoái, ngày 6/1 năm nay cùng việc diễn ra cuộc đua bổ sung vào thượng viện tại bang Georgia ngày 5/1, đã trở thành những sự kiện vô cùng quan trọng, thu hút mọi sự chú ý của dư luận bởi nó sẽ quyết định tương lai chính trường Mỹ trong những năm tiếp theo. Bang Georgia phải tiến hành hai cuộc bầu cử bổ sung vì trong cuộc đua trước đó, không có ứng cử viên nào đạt được 50% số phiếu bầu để giành ghế thượng viện.
Chính vì vậy, trong những ngày này, nước Mỹ vốn đã trong tình trạng chia rẽ từ sau ngày bầu cử 3/11, dường như chìm trong lo âu và căng thẳng. Người dân Mỹ cũng nín thở theo dõi sự kiện Quốc hội nhóm họp chiều 6/1 bởi có nhiều dự báo về khả năng xảy ra những diễn biến phức tạp và kịch tính. Trước đó, ít nhất 14 thượng nghị sĩ cũng như khoảng 140 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết sẽ phản đối việc chứng nhận kết quả của đại cử tri tại một số bang dao động. Cùng với đó, phát biểu với đám đông người ủng hộ ở thủ đô Washington DC trước cuộc họp của Quốc hội, Tổng thống đương nhiệm Trump tiếp tục khẳng định ông sẽ không nhượng bộ và không chấp nhận bỏ cuộc.
Sau một năm đầy biến động với vô vàn khó khăn và thử thách, bước vào những ngày đầu của năm mới 2021, không ít người dân Mỹ đã đặt nhiều hy vọng vào một nước Mỹ sẽ được hàn gắn, thống nhất và đoàn kết sau ngày 6/1, thời điểm Quốc hội Mỹ nhóm họp xác nhận người chính thức trở thành tổng thống mới của nước Mỹ. Thế nhưng, một lần nữa nước Mỹ lại cho thấy tình trạng bị chia rẽ sâu sắc với những mâu thuẫn và bất đồng khó có thể hóa giải khi hàng nghìn người biểu tình quá khích tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Biden, dẫn tới cảnh bạo loạn, đập phá và xô xát, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng. Nhiều ý kiến đánh giá nền dân chủ Mỹ đang phải hứng chịu một vụ tấn công chưa từng có.
Nhưng cuối cùng, với việc Quốc hội Mỹ xác nhận ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ mọi hoài nghi và tranh cãi pháp lý liên quan tới cuộc bầu cử năm 2020 đã chính thức khép lại.
Nhiều thách thức chờ đón
Chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ và việc đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện được cho là sẽ giúp chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden thúc đẩy hiệu quả hơn các chương trình nghị sự của mình. Tuy nhiên nhiệm vụ “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” của chính quyền Tổng thống Biden sẽ đầy chông gai trong bối cảnh hiện nay. Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, tới nay số ca nhiễm và tử vong đều cao nhất thế giới, lần lượt là hơn 21,8 triệu và khoảng 370.000 ca tử vong. Đại dịch cũng dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Đây sẽ là thách thức vô cùng lớn mà Tổng thống mới của Mỹ Biden phải đối mặt giải quyết.
Bên cạnh đó là cuộc khủng hoảng sắc tộc ngày càng sâu sắc liên quan tới vấn đề quyền lợi của người da màu ở Mỹ, chăm sóc sức khỏe y tế, cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật, nhập cư, sở hữu súng đạn hay an ninh quốc gia… Riêng trong vấn đề chăm sóc y tế được coi là ưu tiên hiện nay, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã cam kết sẽ lắng nghe ý kiến của các quan chức y tế khi đưa ra biện pháp ứng phó với đại dịch, đồng thời mở cửa trở lại một cách an toàn. Thế nhưng, có khả năng chính quyền của ông cũng sẽ rơi vào thế khó khăn giữa mở cửa để khôi phục nền kinh tế và đóng cửa để ngăn chặn đại dịch. Ông Biden cũng bảo vệ quan điểm duy trì Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, còn gọi là Obamacare, với sự điều chỉnh cần thiết để có thể mở rộng tới những đối tượng có bệnh lý nền và gặp khó khăn kinh tế, đặc biệt sau đại dịch. Mặc dù vậy, đạo luật này hiện đang là vấn đề tranh cãi bởi có nhiều bất cập.
Đặc biệt, trong bối cảnh kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã đào sâu thêm hố ngăn cách và khơi mào cho tình trạng rối ren trên chính trường Mỹ, công việc trong 4 năm tới của ông Biden chính là xoa dịu những căng thẳng và bất đồng, cũng như tập hợp được người dân Mỹ vốn đang bị chia thành hai phe nhằm khôi phục nền dân chủ Mỹ.
Trong vấn đề đối ngoại, chính sách đối ngoại của nước Mỹ chắc chắn sẽ có nhiều sự thay đổi khi ông Biden tuyên bố đảo ngược, xóa bỏ hoặc giảm bớt những động thái được cho là "cứng rắn nhất" của Tổng thống Trump. Danh sách này sẽ gồm việc đảo ngược quy định cấm công dân của các quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo được nhập cư vào Mỹ, nối lại việc đóng góp ngân sách và tư cách thành viên của Mỹ tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Tehran tuân thủ trở lại thỏa thuận trên… Ông cũng sẽ tìm cách hợp tác trong các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, WTO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… cũng như tái gắn kết với các đồng minh truyền thống và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ Trung Đông tới châu Á, từ Mỹ Latinh tới châu Phi, và đặc biệt là châu Âu, trong một loạt vấn đề, ông Biden có thể sẽ có những thay đổi liên quan tới cách thức Mỹ hành xử trên chính trường quốc tế.
Thanh Lâm - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất