Nhà tù Côn Đảo nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt

24/03/2013 08:39 GMT+7 | Thế giới

Tối 23/3, tại huyện Côn Đảo, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt cho Nhà tù Côn Đảo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương, các cựu tù chính trị Côn Đảo cùng hàng nghìn du khách và nhân dân địa phương đã tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được xếp hạng Di tích đặc biệt Quốc gia là thể hiện lòng tri ân sâu sắc với 20.000 liệt sỹ, anh hùng đã đấu tranh bất khuất và hy sinh vẻ vang tại nhà tù vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho Côn Đảo trở thành mảnh đất thiêng liêng bậc nhất của Việt Nam.

Hành động này còn khẳng định giá trị to lớn của một di tích lịch sử góp phần to lớn vào việc giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nâng cao ý thức tự hào dân tộc và trách nhiệm chính trị của thế hệ trẻ Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử từ năm 1962 đến năm 1975, Côn Đảo là chiến trường thầm lặng, không cân sức giữa những kẻ cướp nước, tay sai quyền lực cùng mọi phương tiện tra tấn tàn bạo với một bên là tù nhân ốm yếu, bệnh tật nhưng lý tưởng, tinh thần cách mạng không gì có thể khuất phục được.

Từ năm 1930 đến 1975, tại nhà tù khét tiếng này, trung bình mỗi ngày có một chiến sỹ cách mạng hy sinh. Còn trong 113 năm lịch sử của nhà tù Côn Đảo, cứ hai ngày lại có một chiến sỹ cách mạng hy sinh. Thế nhưng, sự tàn bạo của kẻ cướp nước và bán nước, chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ, chuồng bò biệt lập đã không khuất phục được tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng kiên trung.

Những thế hệ người yêu Việt Nam đã chiến đấu không ngừng nghỉ với ý chí sắt đá, đồng thời còn biến nơi đây thành trường học lý luận cách mạng và thực tế xương máu. Điển hình trong số đó là những lãnh tụ kiệt xuất của đất nước như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng , Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh...

Sau 38 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, Côn Đảo đã và đang chuyển mình cùng với Bà Rịa-Vũng Tàu để trở thành một huyện đảo đặc biệt của cả nước. Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15%/năm từ 2009 đến nay và thu nhập bình quân hiện đạt 2.500 USD, Côn Đảo phấn đấu trở thành một khu kinh tế du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế; một khu vực bảo tồn di tích lịch sử có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; một khu bảo tồn hệ sinh thái da dạng với cả rừng và biển; và là một tiền đồn quốc phòng an ninh quan trọng của đất nước.

Ghi nhận giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt của di tích Nhà tù Côn Đảo, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 548/QĐ-TTg công nhận Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích Quốc gia đặc biệt

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm