Mỹ không sử dụng sân bay Hamid Karzai cho các cuộc không kích

13/08/2021 11:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Lực lượng 3.000 binh sĩ Mỹ được triển khai đến sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan để hỗ trợ di tản nhân viên Đại sứ quán Mỹ về nước sẽ không được sử dụng cho các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Taliban.  

Đánh bom và đấu súng tại đồn cảnh sát ở Afghanistan

Đánh bom và đấu súng tại đồn cảnh sát ở Afghanistan

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ đánh bom xe nhằm vào một đồn cảnh sát và sau đó là đấu súng tại tỉnh Khost của Afghanistan trong ngày 27/10.

Trong tuyên bố ngày 12/8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby khẳng định ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện nay là đảm bảo an ninh, an toàn của công dân Mỹ làm việc tại nước ngoài và việc triển khai quân đội này là nhiệm vụ tạm thời với "trọng tâm hẹp".

Ông nhấn mạnh không có kế hoạch cũng như bất cứ cuộc thảo luận nào về việc sử dụng sân bay Hamid Karzai làm căn cứ tiến hành các cuộc không kích ở trong cũng như xung quanh lãnh thổ Afghanistan. Quan chức Lầu Năm Góc cho biết hoạt động triển khai sẽ được thực hiện ngay trong khoảng từ 24 đến 48 giờ tới. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ triển 4.000 binh sĩ tại Kuwait và 1.000 binh sĩ tại Qatar để hỗ trợ công tác sơ tán này tại Afghanistan.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ chuyển đồng đội bị thương lên trực thăng tới bệnh viện ở Kandahar, Afghanistan. Ảnh tư liệu - Nguồn: AFP/TTXVN

Sau khi Taliban ngày càng mở rộng vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Afghanistan, Mỹ thông báo sẽ giảm số lượng nhân viên Đại sứ quán ở Kabul và chỉ duy trì "sự hiện diện ngoại giao trọng yếu" tại nước này. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ duy trì 650 binh sĩ tại Afghanistan làm nhiệm vụ bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại Kabul. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kabul vẫn mở cửa và thực hiện "các chức năng ưu tiên". Ông Price không phủ nhận thông tin cho rằng Đại sứ quán Mỹ tại Kabul có thể được di dời tới khu vực sân bay quốc tế Hamid Karzai.

Cùng với Mỹ, ngày 12/8, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng đã công bố kế hoạch triển khai khoảng 600 quân nhân tới Afghanistan để hỗ trợ sơ tán các công dân Anh và các phiên dịch viên người địa phương trong bối cảnh tình hình an ninh tại quốc gia Tây Nam Á đang ngày càng tồi tệ.  

Theo tuyên bố, Đại sứ quán Anh tại Kabul sẽ được dời tới một địa điểm an toàn hơn và sẽ được bố trí các nhân viên cốt cán. Đại sứ Anh tại Afghanistan, ông Laurie Bristow nằm trong số những quan chức ngoại giao sẽ ở lại Kabul. Dự kiến, những binh sĩ đầu tiên sẽ tới Afghanistan vào cuối tuần tới.  

Anh là lực lượng đầu tiên được triển khai tới Afghanistan trong năm 2001 sau khi xảy ra các vụ tấn công ở Mỹ vào ngày 11/9/2001 và đóng vai trò chính trong các chiến dịch tác chiến tới năm 2014. Tổng cộng 457 binh lính Anh đã thiệt mạng ở Afghanistan trong suốt 20 năm London hiện diện quân sự tại đây.

Trước tình hình an ninh ngày càng xuống dốc nghiêm trọng, Chính phủ Đan Mạch đã yêu cầu sơ tán các nhân viên đương nhiệm và cựu nhân viên của Đại sứ quán Đan Mạch hoặc Lực lượng vũ trang Đan Mạch ở Afghanistan. Theo Bộ Quốc phòng Đan Mạch, tuần trước, 40 cựu nhân viên và nhân viên hiện tại của Đại sứ quán Đan Mạch ở Kabul cùng 4 người phiên dịch đã yêu cầu được giúp đỡ.

Ngoài ra, Đan Mạch cũng đã quyết định đình chỉ trục xuất người tị nạn Afghanistan cho đến tháng 10/2021 sau đề nghị của Chính phủ Afghanistan do tình hình xung đột leo thang tại đây.

Lan Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm