Một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể 'qua mặt' kháng thể chống lại virus bản gốc

05/03/2021 16:23 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Một nghiên cứu được công bố ngày 4/3 trên tạp chí Nature Medicine chỉ ra 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, có tốc độ lây lan nhanh hơn, có khả năng "qua mặt" các kháng thể vốn có thể vô hiệu hóa bản gốc của virus này.   

Dịch Covid-19: Nhật Bản phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Dịch Covid-19: Nhật Bản phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản vừa phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến thể thông thường khác.

Để đánh giá xem các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (gồm biến thể phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil) có thể vượt qua kháng thể chống bản gốc hay không, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Washington (St. Louis - Mỹ) đã kiểm tra hiệu quả của kháng thể sản sinh trong cơ thể người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 bản gốc đối với 3 biến thể mới của virus trong phòng thí nghiệm.

Theo đó, các biến thể này được cho tương tác với kháng thể của người mắc COVID-19 đã hồi phục hoặc từng được tiêm vaccine của hãng Pfizer. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra hiệu quả của kháng thể tìm được trong máu của chuột và khỉ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm, do Đại học Y Washington phát triển.   

Chú thích ảnh
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy virus SARS-CoV-2 (vật thể tròn màu vàng) nổi lên trên bề mặt tế bào của bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết quả cho thấy kháng thể với virus bản gốc cũng có thể vô hiệu hóa biến thể phát hiện ở Anh, với mức hiệu quả là ngang nhau. Tuy nhiên, với 2 biến thể còn lại, lượng kháng thể cần thiết để vô hiệu hóa những biến thể này phải cao gấp từ 3,5-10 lần so với mức cần thiết để chống lại bản gốc.

Sau đó, nhóm nghiên cứu kiểm tra tiếp các kháng thể đơn dòng (các kháng thể giống hệt nhau do cùng một tương bào sản xuất) vốn cho hiệu quả rất cao trong vô hiệu hóa virus bản gốc. Tuy nhiên, đưa các kháng thể này vào tương tác với các biến thể mới, kết quả thu được lại dao động từ "hiệu quả rộng rãi" đến "hoàn toàn không hiệu quả".   

Theo tác giả nghiên cứu Michael S.Diamond, hiện chưa rõ chính xác hậu quả mà các biến thể mới của virus có thể gây ra nhưng kết quả nghiên cứu kể trên chỉ ra cần liên tục sàng lọc các kháng thể để đảm bảo chúng vẫn có hiệu quả với các biến thể virus mới xuất hiện và lây lan, từ đó điều chỉnh các chiến lược tiêm chủng và điều trị COVID-19 bằng kháng thể trong tương lai.

Minh Tuấn/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm