Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Mong đợi quy định pháp lý tối ưu về xử lý tài sản, thu nhập bất minh

25/10/2018 12:07 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là một trong những nội dung mới, quan trọng trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Đây là vấn đề còn nhiều phương án, ý kiến khác nhau, nhưng cử tri cả nước mong mỏi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV lần này sẽ bàn thảo và đưa ra được quy định pháp lý tối ưu cho nội dung này nhằm tiếp tục tạo bước tiến mới và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung của quốc tế.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng, báo chí, nhân dân phát hiện và phản ánh nhiều trường hợp cán bộ, công chức giàu lên nhanh chóng và đáng ngờ. Nhưng người dân không thể đồng tình với giải trình của nhiều cán bộ là nuôi lợn, chạy xe ôm, buôn chổi đót... để tích cóp xây biệt thự, biệt phủ to lớn. Người dân mong muốn cán bộ giải trình một cách công khai, minh bạch, hợp lý và Đảng, Nhà nước phải có chế tài mạnh để xử lý những người kê khai tài sản không trung thực. Kê khai tài sản vô cùng quan trọng vì tham nhũng thường gắn liền với vấn đề tài sản. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều cán bộ, công chức khá yên tâm với việc kê khai tài sản, vì họ khai đến đâu cũng chỉ biết đến đó.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 25/10. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Theo số liệu báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, số thiệt hại do tham nhũng gây ra là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng mới thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất, tức trên dưới 10%.

Những con số trên cho thấy việc thu hồi tài sản tham nhũng còn đạt thấp. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân là việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản... Mặt khác, các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử... Những thực trạng trên xuất phát từ một trong những nguyên nhân quan trọng là pháp luật chưa có công cụ, biện pháp hữu hiệu về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với những tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc hợp lý.

Xuất phát từ tầm quan trọng biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới, thực chất nhằm hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác. Nội dung của chương này bao gồm quy định về kê khai tài sản, thu nhập; quản lý bản kê khai; theo dõi biến động và xác minh tài sản, thu nhập.

Để đảm bảo cho việc kê khai được chính xác, trung thực nhằm kiểm soát có hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của người kê khai Dự thảo đã mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành, bao gồm: khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, không minh bạch hoặc khi có dấu hiệu tăng, giảm bất thường về tài sản, thu nhập, chi tiêu mà không giải trình hợp lý. Đây là một nội dung mới và quan trọng của Dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chỉ đạo của Đảng về việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng (Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị).

Theo kinh nghiệm quốc tế, về kiểm soát, xử lý tài sản, thu nhập bất minh, nhiều nước trên thế giới có các phương thức chính gồm: Xử lý thông qua bản án hình sự của Tòa án (tội phạm hóa hành vi kê khai không trung thực và hành vi chiếm giữ tài sản, thu nhập mà không giải trình được về nguồn gốc một cách hợp lý); thông qua trình tự tố tụng dân sự (khởi kiện vụ án dân sự chứng minh tài sản, thu nhập không thuộc về người kê khai); thông qua xử phạt hành chính (tịch thu tài sản, thu nhập thông qua quyết định hành chính của các cơ quan có thẩm quyền) hoặc các công cụ về thuế (thu thuế thu nhập cá nhân tương ứng với giá trị tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý).
 
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét qua hai kỳ họp và luôn được nhấn mạnh là rất khó, rất phức tạp, đặc biệt với vấn đề rất mới: xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Qua nhiều lần thảo luận, cả phương án đánh thuế thu nhập cá nhân hay xử phạt hành chính đều chưa nhận được sự đồng thuận cao. Tại phiên họp tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thêm một phương án khác. Đó là xác lập quyền sở hữu của Nhà nước tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án dân sự tại Tòa án.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về ưu, nhược điểm của từng phương án, cũng như các cơ sở pháp lý và thực tiễn để triển khai hiệu quả khi đưa vào Luật.

Ưu, nhược điểm của các phương án

Về phương án thu thuế, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, quy định này phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành về nghĩa vụ của Nhà nước trong việc chứng minh tội phạm, vi phạm pháp luật. Trường hợp Nhà nước không chứng minh được tài sản do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế nhưng chưa kê khai nộp thuế và Nhà nước sẽ tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân. Phương án cũng thuộc kinh nghiệm quốc tế về xử lý tài sản trong phòng, chống tham nhũng. Việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự, thu hồi tài sản nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Tuy nhiên phương án này có nhược điểm, việc thu thuế này chưa thể hiện được thái độ nghiêm khắc, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Và phương án này cũng dẫn đến phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc quy định loại thu nhập chịu thuế, thuế suất cần được đánh giá tác động, nghiên cứu đầy đủ và quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nếu Quốc hội quyết định theo phương án này, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất, bảo đảm tính đồng bộ để ngay khi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực thì quy định về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc có thể thực hiện được ngay.

Về phương án xử phạt hành chính, phương án này bổ sung thêm một loại chế tài để xử lý hành vi kê khai không trung thực bên cạnh chế tài xử lý kỷ luật như Luật hiện hành; thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc xử lý hành vi giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập.

Về nhược điểm của phương án này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cách thức xử phạt này mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, trong khi đây là vấn đề mà thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng đang gặp rất nhiều vướng mắc. Hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực và minh bạch về tài sản, thu nhập là hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức vốn phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Do đó, dự thảo Luật quy định một hành vi vi phạm trong thực hiện công vụ đã bị xử lý kỷ luật sau đó lại bị xử lý hành chính là chưa thật sự hợp lý. Theo phương án này, phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung xử phạt trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, thẩm quyền và mức phạt mới có thể áp dụng được.

Còn theo phương án giải quyết tại Tòa án, tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (giải trình không có căn cứ pháp luật hoặc giải trình không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó) thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Phương án này được đánh giá cao về do vừa thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành; vừa khuyến khích sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên thì việc phán quyết tính hợp lý của việc giải trình và xác lập sở hữu đối với tài sản, thu nhập tăng thêm phải do Tòa án quyết định thông qua thủ tục tố tụng dân sự, có tranh tụng, đối đáp công khai, có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm tính dân chủ, thận trọng, khách quan. Hơn nữa, phương án phù hợp với pháp luật hiện hành, và không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự. Được biết, đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Góp ý vào dự thảo, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thuý Hiền ủng hộ phương án đưa ra Tòa án giải quyết bởi đây là con đường có trình tự thủ tục rõ ràng, minh bạch, công khai, các bên được tranh tụng với sự tham gia của luật sư và công khai bản án để người dân giám sát.

Tuy vậy, để thực hiện được quy định này trên thực tiễn, Phó Chánh án cho rằng cần các giải pháp đi kèm như quy định hậu quả pháp lý của các trường hợp như: kê khai nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc, hay kê khai không trung thực... để có cơ sở áp dụng.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng

Sáng 22/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV lần này, bản Dự thảo mới nhất Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ trình 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý là: xem xét giải quyết tại Tòa án và phương án đánh thuế. Các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến để thống nhất phương án cuối cùng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý là vấn đề mới và khó với Việt Nam, nhưng rõ ràng đây là sự chờ đợi của người dân. Trong bối cảnh “so bó đũa chọn cột cờ”, dù chọn phương án nào, quy định của luật phải đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, đảm bảo thu hồi triệt để tài sản tham nhũng về cho Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta.

TTXVN/Xuân Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm