Kon Tum: Nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng từ nguồn Quỹ dịch vụ môi trường rừng

12/09/2017 14:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Được triển khai thực hiện đến nay đã hơn 5 năm, nguồn Quỹ dịch vụ môi trường rừng trong thời gian qua đã góp phần rất lớn vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh Kon Tum.

Từ nguồn quỹ này mà hàng ngàn hecta rừng được bảo vệ nghiêm ngặt dưới sức mạng của cộng đồng thôn, làng; hàng trăm hecta rừng được trồng mới; hàng chục công trình dân sinh, nhà rông văn hóa… được đầu tư xây dựng, sửa chữa mới.

Chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng với diện tích hơn 21 ngàn hecta, hầu hết các diện tích rừng được giao khoán bảo vệ nằm ở xa cộng đồng làng sinh sống. Để bảo vệ tốt diện tích rừng trên, trong nhiều năm qua, Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đã triển khai giao khoán rừng cho 21 cộng đồng thôn, làng và 7 tổ chức trực tiếp bảo vệ với diện tích hơn 10 ngàn hecta.

Tuy nhiên, việc được giao một diện tích rừng lớn, trải rộng trên nhiều xã nhưng lại không có dân cư sinh sống khiến công tác giao khoán gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều diện tích rừng nằm cách xa hơn 100 km với các làng nên chưa thể giao khoán cho người dân tham gia bảo vệ. “Với những diện tích rừng nằm cách xa khu dân cư thì việc giao khoán cho cộng đồng thôn làng bảo vệ là rất khó. Không ai chịu nhận một diện tích rừng nằm cách xa với thôn, làng mình sống hơn 100km để bảo vệ cả”- ông Nguyễn Xuân Linh- Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà cho biết.

Chú thích ảnh
Tuần tra bảo vệ rừng

Để bảo vệ tốt những cánh rừng ở cách xa khu dân cư không được giao khoán bảo vệ, Ban quản lý đã tiến hành hợp đồng thuê lao động ngoài để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ những diện tích rừng này. Chính nhờ những hợp đồng giao khoán này mà những diện tích rừng ở các xa khu dân cư đã được quản lý và bảo vệ tốt. Ông Nguyễn Xuân Linh cho biết: Hiện nay chúng tôi đang hợp đồng với 50 lao động ngoài để bảo vệ gần 9 ngàn hecta rừng ở cách xa khu dân cư.

Có thể nói, nhờ nguồn quỹ dịch vụ môi trường rừng nên việc giao khoán bảo vệ rừng được triển khai hết sức thuận lợi. Rừng được bảo vệ tốt nhờ sức mạnh của toàn dân, toàn cộng đồng, bên cạnh đó, cùng từ nguồn quỹ này mà người dân có thêm được nguồn thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống. Nhiều cộng đồng thôn, tổ chức đã có được nguồn quỹ để hoạt động, tu sửa các công trình dân sinh…

Đối với tỉnh Kon Tum- địa phương còn giữ được độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, thì nguồn quỹ của dịch vụ môi trường rừng trong nhiều năm qua đá góp phần rất lớn vào công cuộc gìn giữ và bảo vệ những diện tích rừng này, đặc biệt là những diện tích rừng phòng hộ. Nhờ nguồn quỹ này mà các công tác như phòng cháy chữa cháy, xây dựng các chòi canh, biển cảnh bảo, làm đường ranh cản lửa, hợp đồng với các lao động địa phương… cùng tham gia bảo vệ rừng đã được triển khai có hiệu quả.

Ông Đỗ Tiến Chinh, Phó ban Ban quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy khẳng định: Từ nguồn quỹ của dịch vụ môi trường rừng, trong thời gian qua chúng tôi đã tiến hành giao khoán rất thuận lợi cho hơn 500 nhóm hộ tham gia bảo vệ hơn 9.500/14.700 hecta rừng. Khi lợi ích kinh tế của người dân được thực hiện đầy đủ thì trách nhiệm giữ rừng của người dân càng được nâng cao. Ngoài ra, để thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hằng năm đơn vị tiến hành hợp đồng từ 15- 20 người trực tiếp tham gia công tác này, tiền chi trả cũng nhờ vào nguồn quỹ dịch vụ môi trường rừng.

Có thể thấy, từ khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tạo nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đời sống của người dân làm nghề rừng được cải thiện, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là cộng đồng dân cư thôn, người dân sống gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tính đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thu được hơn 728 tỷ đồng, tiến hành giải ngân hơn 627 tỷ đồng cho các chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó có 20 đơn vị chủ rừng là tổ chức; 72 UBND xã, thị trấn; 3.642 hộ gia đình, 22 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng. Bên cạnh đó, các chủ rừng là tổ chức còn khoán cho 5.056 hộ gia đình, 64 cộng đồng dân cư thôn và 29 nhóm hộ bảo vệ 140.289,25 ha rừng. Việc giao khoán rừng cho cộng đồng thôn, làng, tổ chức… bảo vệ đã góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và phát triển thêm diện tích rừng mới, đồng thời tạo thu nhập cho nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Quang Thái

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm