Dựng kiếm Thuận Thiên trên phế thành Xương Giang

20/09/2010 13:15 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tượng đài thanh kiếm Thuận Thiên dự kiến sẽ được đặt tại trung tâm Khu di tích chiến thắng Xương Giang (TP.Bắc Giang). Đây là phương án được UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ VH, TT&DL lựa chọn để triển khai dự án về bảo tồn giá trị di tích lịch sử quan trọng này.

Chiến thắng lịch sử Xương Giang năm 1427 ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, góp phần chấm dứt ách đô hộ của nhà Minh, giành độc lập dân tộc. Trải qua gần 600 năm, phế thành Xương Giang nay đã trở thành di tích quốc gia (năm 2009).

Phế thành

Thành Xương Giang do nhà Minh lập ra năm 1420, nằm trên huyết mạch nối Lưỡng Quảng với Đông Quan - Hà Nội. Lập thành Xương Giang quân Minh muốn án ngữ phía Bắc nhằm viện binh khi cần và làm một điểm chốt bảo vệ thành Đông Quan - Hà Nội. Xương Giang nguyên là một quân thành với chiều cao 4 - 5 mét, bề dày có nơi cả chục mét. Nội thành là một vuông đất rộng có thể đủ cho cả 2 ngàn quân đóng giữ.

Tầm vóc vĩ đại của đại thắng Xương Giang hạ thành diệt viện đã làm ngỡ ngàng những nhà viết sử mọi thời đại. Nguyễn Trãi khi viết Đại cáo Bình Ngô đã nhìn rõ ánh hào quang toả ra từ chiến thắng mùa Thu năm Đinh Mùi lịch sử: “Gió mây vì thế mà biến sắc/Trời trăng ảm đạm đến lu mờ... Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/Xương Giang, Bình Than máu loang đỏ nước...”.


Phối cảnh biểu tượng thanh kiếm Thuận Thiên tại Khu di tích Xương Giang
Đáng tiếc là đến hôm nay dấu xưa tích cũ không còn được bao nhiêu. Thành cổ chu vi đến 2.100m, với gần ba chục héc ta, từng kiên cố chiến luỹ hào sâu là thế, cùng với bốn cổng thành uy nghi đồ sộ nay chỉ còn trong ký ức. Bốn góc thành còn những pháo đài. Bên ngoài thành còn những đoạn hào sâu, có nơi rộng gần 20 mét. May mà chính quyền thành phố đã nhớ đến việc bảo tồn mà cho xây dựng mấy tấm bia đánh dấu các cổng thành Nam - Bắc - Tây - Đông. Một cái khe nước cổ, một cái giếng Phủ vẫn có tên trên bản đồ thành phố âu cũng là một cái may. Rồi một số đoạn tường thành còn dấu vết đang được cho khoanh vùng bảo vệ.

Phần đất còn lại đã kịp mọc lên những phố phường khu dân cư. 600 năm đã qua miền đất Phủ Lạng Thương ngày nào đang đi lên công nghiệp hoá hiện đại hoá. Thành phố Bắc Giang ra đời thay cho thị xã Phủ Lạng Thương ngày nào.

Hướng đến nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2008 chính quyền thành phố đã phê duyệt quy hoạch cụ thể khu di tích lịch sử thành Xương Giang do Công ty CP Kiến trúc đô thị Việt Nam lập. Theo quy hoạch thì khu di tích bao gồm Trung tâm lễ hội trên trục đường nối cổng thành Nam và Bắc. Sân hành lễ rộng gần 9.000 m2 đủ chỗ cho hàng vạn người hành hương, diễu hành mở hội. Có một khu vực quan trọng nhất là khu mô tả chiến thắng Xương Giang - Cần Trạm được quy hoạch ở góc Đông Nam của ngôi thành. Tại đây toàn bộ chiến thắng xưa được mô tả bằng hình tượng sa bàn, đặc biệt mô tả trận tổng công kích thành vào đên 28/9/1427.

Thanh kiếm Thuận Thiên - biểu tượng cho chiến thắng Xương Giang

Việc quan trọng nhất, xây dựng tường đài biểu tượng cho chiến thắng Xương Giang được Công ty CP Kiến trúc đô thị VN lập 3 phương án, xin ý kiến lãnh đạo và nhân dân Bắc Giang.

Phương án 1 là xây đền thờ, đa số ý kiến cho rằng không nên bàn tiếp vì đây là thành nhà Minh.

Phương án 2 là xây đài chiến thắng hoành tráng với biểu tượng cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng cột cờ đồ sộ và ruột của nó có thang máy lên tầng cao ngắm thành phố, nghe có vẻ hiện đại quá và sự hoành tráng sẽ gây phản cảm vì đây đâu phải nơi xưa nghĩa quân dựng cờ? Hơn nữa, phần đế cột cờ rộng đến gần 2.000 m2 khó chấp nhận.

Phương án 3 là xây đài chiến thắng bằng hình ảnh thanh kiếm Thuận Thiên chỉ lên trời. Đây là thanh kiếm được trao cho Lê Lợi đánh giặc và cuối cùng được trả lại hồ Lục Thuỷ như truyền thuyết hồ Gươm.
 
Chân đài kiếm Thuận Thiên là một khối nhà có hình dáng tòa thành, trong lòng nó những căn phòng trưng bày các sự kiện về chiến thắng Xương Giang. Sẽ có một nơi thờ các nghĩa sĩ Lam Sơn tử trận để người hành hương có nơi đến tưởng niệm các nghĩa sĩ Lam Sơn.

Đa số ý kiến tham gia nên lấy phương án 3 và tượng đài thanh gươm như một công trình độc đáo tôn vinh một thời đại anh hùng. Thanh gươm Thuận Thiên mang ý nghĩa vâng mệnh trời, giữ lấy non sông Việt.

Dự án triển khai chậm vì nhiều lí do nên đã để lỡ hẹn dịp kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội nghìn năm. Sau khi lập dự án quy hoạch, ngày 12/7, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Bộ VH,TT&DL xem xét. Ngày 18/8/2010 Bộ VH,TT&DL đã có văn bản thỏa thuận gửi UBND tỉnh Bắc Giang. Văn bản này ghi rõ: Cơ bản đồng ý với phương án 3 bao gồm các nội dung khai quật khảo cổ học và bảo tồn hố khảo cổ; tôn tạo giếng cổ; khe nước cổ; 01 đoạn thành cổ và hào nước; xây dựng khu trung tâm lễ hội (Biểu tượng chiến thắng Xương Giang, sân lễ hội), nhà biểu diễn và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, cổng chính, khu trò chơi dân gian, khu trưng bày hiện vật ngoài trời, biển giới thiệu di tích, tường rào bảo vệ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật....

Bộ VH, TT&DL lưu ý một số vấn đề sau: Không xây dựng khu đền thờ mà cần kết hợp việc tưởng niệm các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận chiến thắng Xương Giang với việc trưng bày nội thất của Biểu tượng chiến thắng Xương Giang. Thay đổi chức năng khu vực xây dựng đền thờ thành khu sinh hoạt văn hóa ngoài trời, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật gắn với lịch sử chiến thắng Xương Giang....

Việt Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm