Dịch COVID-19: Số ca tử vong tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao chưa từng thấy

30/11/2020 14:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến trong tuần này sẽ công bố báo cáo những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, sau khi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, sự phục hồi này đang bị đe dọa bởi đợt bùng phát mới của dịch bệnh.

Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ: Số nạn nhân thiệt mạng tăng lên 76 người

Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ: Số nạn nhân thiệt mạng tăng lên 76 người

Ít nhất 76 người đã thiệt mạng và 949 người khác bị thương sau trận động đất mạnh 6,6 độ làm rung chuyển Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Tayip Erdogan nhằm ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, số ca mắc mới ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng, đặc biệt ngày 29/11 nước này ghi nhận số ca tử vong cao chưa từng thấy và đây là ngày gia thứ 7 liên tiếp số ca tử vong tăng. 

Hồi tuần trước, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các biện pháp phòng dịch COVID-19, bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm vào cuối tuần, hạn chế sự di chuyển của những người không trong độ tuổi lao động, đóng cửa các trường học và chuyển sang hình thức học trực tuyến, hạn chế hoạt động của các nhà hàng và các quán cà phê.

Tuy nhiên, những động thái này dường như vẫn chưa đủ. Ngày 29/11 Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 185 ca tử vong do COVID-19, cao hơn tới 45% so với mức đỉnh điểm trong làn sóng đầu tiên của dịch bệnh hồi tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, số ca nhiễm mới là hơn 29.000 trường hợp, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil - những nước đều có quy mô dân số lớn hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Erdogan cho rằng nguyên nhân chính khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nước này là do người dân không nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng dịch. Ông nhấn mạnh: "Khẩu trang và giãn cách xã hội là những yếu tố rất quan trọng, giữ gìn vệ sinh cũng rất quan trọng trong công tác phòng dịch. Nếu những điều này không được lưu ý, đặc biệt là tại các thành phố lớn, sự lây lan của virus gia tăng sẽ là điều không thể tránh khỏi".

Trong khi đó, Pháp đã phần nào kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19. Giới chức y tế Pháp ngày 29/11 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 9.784 trường hợp mắc mới, giảm đáng kể so với con số 12.580 bệnh nhân ghi nhận một ngày trước đó. Số ca tử vong cũng giảm ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh tình hình đã được cải thiện ở các cơ sở y tế.

Theo số liệu thống kê chính thức, đến nay Pháp đã ghi nhận tổng cộng 2.218.483 ca mắc COVID-19, trong đó tổng số ca tử vong tăng lên 52.325 người sau khi có thêm 198 trường hợp trong 24 giờ qua. Số trường hợp nhập viện và các bệnh nhân phải điều trị tích cực tiếp tục giảm.  

Chú thích ảnh

Nước Pháp ngày 28/11 đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của chiến lược mở cửa lại 3 giai đoạn, theo đó dự kiến ngày 15/12 tới sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên toàn quốc và thay vào đó là lệnh giới nghiêm ban đêm. 

Tại Moldova, trong bối cảnh số bệnh nhân COVID-19 gia tăng đột biến và số ca mắc mới ghi nhận theo ngày vượt 1.000, chính phủ nước này đã tái áp đặt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc từ ngày 30/11/2020 đến ngày 15/1/2021. 

Theo số liệu thống kê mới nhất được Bộ Y tế, Lao động và Bảo trợ Xã hội Moldova công bố ngày 29/11, nước này đã ghi nhận 1.165 trường hợp mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia 3,5 triệu dân này lên 107.017 người. Với 21 trường hợp tử vong ghi nhận ngày 29/11, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này hiện là 2.290 người.

Với việc áp đặt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, các nhà hát, rạp chiếu phim và phòng hòa nhạc ở Moldova sẽ phải đình chỉ hoạt động, trong khi các hội nghị khoa học và sự kiện thể thao cũng không được phép tổ chức. Các nhà hàng, quán rượu hay quán cà phê bị cấm hoạt động từ 10h tối hôm trước tới 7h sáng hôm sau. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng, đặc biệt là trên các phương tiện giao thông công cộng. Công dân từ các quốc gia trong danh sách "vùng đỏ" (nơi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp) bị cấm nhập cảnh Moldova.

Tại châu Mỹ, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Chính phủ Canada ngày 29/11 thông báo sẽ gia hạn áp đặt hạn chế đối với tất cả khách du lịch đến nước này cho đến ngày 21/1 tới. Thời hạn áp đặt các hạn chế đối với công dân Mỹ và công dân nước ngoài từ Mỹ tới Canada là ngày 21/12. Theo Bộ trưởng Y tế Canada, quyết định này có thể thay đổi tùy diễn biến dịch bệnh.

Cùng ngày, Tổng thống Bolivia - ông Luis Arce đã ban bố Sắc lệnh tối cao 4404, trong đó cho phép nước này bắt đầu một giai đoạn mới mở cửa xã hội từ ngày 1/12, với việc kích hoạt trở lại các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí và tôn giáo.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Edgar Pozo cho biết quá trình mở cửa trở lại sẽ được tiến hành từng bước, theo các quy trình an toàn được khuyến nghị. Khung quy định mới này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 15/1/2021, trong bối cảnh các cơ quan hữu quan sẽ tiến hành đánh giá về khả năng xảy ra đợt lây nhiễm thứ hai tại Bolivia. Theo Bộ trưởng Pozo, trong khi nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn hiện hữu, Chính phủ Bolivia đưa ra quyết định trên với kỳ vọng phục hồi hơn 95% các hoạt động kinh tế và xã hội của nước này.

Trước đó, ngày 27/11, Bộ Y tế Bolivia đã công bố một kế hoạch tổng thể nhằm ứng phó nguy cơ bùng phát làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, trong đó bao gồm tăng cường các hoạt động phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Theo các cơ quan y tế, đợt lây nhiễm thứ hai có thể bùng phát tại Bolivia vào khoảng giữa tháng 1 và tháng 2/2021. Hiện nước này đã ghi nhận 144.592 trường hợp mắc bệnh và 8.949 trường hợp tử vong do COVID-19.

Thanh Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm