Dịch COVID-19 sáng 22/6: Số ca mắc vượt 9 triệu người, tăng kỷ lục trong 24 giờ

22/06/2020 08:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8h sáng ngày 22/6 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 9.038.807 ca nhiễm và 469.604 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Số bệnh nhân phục hồi là 4.833.574 người.   

Tình hình dịch bệnh  COVID-19 ngày 21/6: Thế giới có 8.954.522 ca mắc bệnh, 46.461 ca tử vong

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày 21/6: Thế giới có 8.954.522 ca mắc bệnh, 46.461 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 21/6, trên thế giới có 8.954.522 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 46.461 ca tử vong. Số ca phục hồi là 4.765.754 ca.    

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu trong 24 giờ, với tổng cộng 183.020 người. Theo báo cáo hằng ngày của WHO, mức tăng này chủ yếu là từ Bắc và Nam Mỹ với 116.000 ca. Kỷ lục trước đó về số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày là 181.232 ca vào ngày 18/6.   

Châu Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới. Cơ quan Y tế Brazil ngày 21/6 cho biết số ca tử vong do dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới 50.617 người sau khi ghi nhận thêm 641 ca trong 24 giờ qua, trong khi số bệnh nhân cũng tăng thêm 17.304 người, nâng tổng số ca bệnh lên 1.085.038 ca. Trong tuần qua, Brazil đã có 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca tử vong trên 10.000 người. Dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp với số ca mắc mới và tử vong liên tục ở mức cao trong thời gian qua, song giới chuyên gia nhận định dịch vẫn chưa đạt đỉnh ở Brazil, thậm chí có ý kiến cho rằng quốc gia Nam Mỹ có thể sẽ vượt Mỹ để trở thành nước có số ca mắc cao nhất thế giới vào cuối tháng 7.   

Trong khi đó, con số tử vong ở Peru đã vượt quá 8.000 trong bối cảnh nước này chuẩn bị mở lại các trung tâm thương mại trong ngày 22/6 sau 99 ngày phong tỏa. Peru hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil. Còn Bộ Y tế Chile cùng ngày cho biết số bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 242.355 người, tăng thêm 5.607 ca trong 24 giờ qua, trong đó có 4.479 ca tử vong. Như vậy, Chile đã vượt qua Italy và gần bằng với Tây Ban Nha về số ca mắc COVID-19. Một điểm đáng chú ý nữa Chile chỉ có 18 triệu dân, trong khi Italy có 60 triệu dân và Tây Ban Nha có 47 triệu dân. Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cho biết chính phủ nước này đã phải áp dụng trở lại biện pháp cách ly bắt buộc tại các tỉnh Antofagasta, Tocopilla và Mejillones.   

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Venezuela, trước xu hướng dịch bệnh lây lan gia tăng, chính phủ nước này đã quyết định áp dụng các biện pháp cách ly đặc biệt tại 10 bang trên cả nước. Theo đó, thủ đô Caracas và các bang Bolivar, Apure, Tachira, Zulia, La Guaira, Aragua, Miranda, Lara và Trujillo là những địa phương nằm trong diện phải tuân thủ các quy định mới trong thời gian 7 ngày. Dịch vụ tàu điện ngầm tại Caracas và Los Teques, cũng như tuyến tàu hỏa đi tới khu vực Valles del Tuy sẽ ngừng hoạt động trong thời gian lệnh cách ly đặc biệt có hiệu lực.   

Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico thông báo ghi nhận thêm 5.343 ca bệnh mới và 1.044 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 180.545 người, trong đó có 21.825 người tử vong, và 56.590 người nghi mắc bệnh. Số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục tăng mạnh, nhưng Chính phủ Mexico không triển khai bất kỳ biện pháp bổ sung nào để ngăn chặn và kiểm soát dịch, mà chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp y tế phòng dịch. Mexico không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng mà chỉ xét nghiệm đối với những người có triệu chứng bệnh. Theo số liệu thống kê, tỉ lệ tử vong trên số ca mắc COVID-19 tại Mexico cao thứ ba thế giới, với 12,09%. 

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Mexico City, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc COVID-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca bệnh là 57.874 người, trong đó có 1.483 ca tử vong.   

Tại khu vực Trung Đông và châu Phi, thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết sẽ cho phép khách du lịch nước ngoài nhập cảnh từ ngày 7/7, trong khi những người có thị thực cư trú dài hạn được cho nhập cảnh từ ngày 22/6, động thái nằm trong nỗ lực gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19. Những người nhập cảnh sẽ phải trình chứng chỉ chứng nhận họ đã tiến hành xét nghiệm và có kết quả âm tính đối với virus SARS-CoV-2 hoặc phải thực hiện xét nghiệm tại sân bay Dubai. Công dân hoặc người cư trú dài hạn tại Dubai sẽ được phép đi ra nước ngoài từ ngày 23/6. Thông báo trên được đưa ra sau hơn 2 tháng kể từ khi UAE áp đặt các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh lây lan.   

Trong khi đó, Maroc thông báo sẽ cho phép nối lại các hoạt động lưu trú du lịch kể từ 25/6 tới. Quyết định này có hiệu lực sau khi chuyển sang giai đoạn hai của kế hoạch nới lỏng các lệnh giới nghiêm phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, việc nối lại hoạt động du lịch này sẽ bị hạn chế vào thời gian đầu, về năng lực đón khách và điều kiện địa lý theo từng khu vực cụ thể…    

Maroc đã ghi nhận  thêm 138 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong trong vòng 24h qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này lên 9.977 ca nhiễm và 214 ca tử vong. Hiện Maroc xếp vị trí thứ 7 trong top 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Phi, chỉ sau các quốc gia châu Phi khác (theo thứ tự) như Nam Phi, Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria và Cameroon.

Minh Châu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm