16/01/2021 09:05 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Xét về số ca nhiễm, khu vực Bắc Mỹ đứng đầu với 27.489.115 ca, tiếp đến là châu Âu với 27.153.852 ca, châu Á - với 21.892.450 ca. Số bệnh nhân tại khu vực Nam Mỹ cũng đã lên tới 14,4 triệu ca, châu Phi hiện có 3.223.016 ca và châu Đại Dương là 49.502 ca.
Xét về số ca tử vong, châu Âu đang ghi nhận tới 618.949 ca - cao nhất thế giới, Bắc Mỹ đứng thứ hai với 578.799 ca, Nam Mỹ có 385.455 ca trong khi châu Á có 3540538 ca.
Đến nay, virus SARS-CoV-2 đã lây lan khắp thế giới và tạo ra một số đột biến gene dẫn tới sự xuất hiện các biến thể mới. Tại Mỹ, ngày 15/1, tờ Newsweek đưa tin các nhà khoa học đã xác đinh được một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể nói là trội hơn cả. Dẫn kết quả một nghiên cứu khoa học hiện chưa được chính thức công bố, báo trên cho biết biến thể mới có tên là 20C-US, có lẽ xuất hiện ban đầu từ khu vực miền Nam nước Mỹ hồi cuối Xuân, đầu Hè năm ngoái và sau đó các chuyên gia nghiên cứu đã tìm thấy biến thể này xuất hiện ở bang Texas vào tháng 5/2020.
Các nhà khoa học tại Đại học Southern Illinois (SIU) cũng tuyên bố chủng 20C-US nhiều khả năng là chủng virus có nguồn gốc từ Mỹ, đồng thời cũng là chủng phổ biến nhất gây bệnh COVID-19 tại Mỹ. Biến thể 20C-US được tìm thấy phổ biến nhất ở khu vực Tây Trung thượng nhưng được dự báo sẽ sớm lan rộng khắp các bang. Sự lây lan nhanh của 20C-US diễn ra đúng vào thời điểm số ca tử vong ở Mỹ có giảm chút ít khiến các nhà khoa học cho rằng có thể chủng 20C-US dễ lây hơn nhưng ít nguy hiểm.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đã để ngỏ khả năng siết chặt hơn những quy định về hạn chế đi lại, bao gồm cả lệnh cấm đi lại bằng đường không, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh trên khắp đất nước. Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Leger và Hiệp hội Nghiên cứu Canada hồi đầu tháng này cho thấy 87% số người được hỏi ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn đối với hoạt động đi lại quốc tế cho đến khi số ca nhiễm giảm trong vài ngày liên tiếp. Theo mô hình dịch bệnh mới được Chính phủ Canada công bố, số ca nhiễm mới tại quốc gia Bắc Mỹ này sẽ vượt 10.000 ca/ngày vào tháng 2 tới nếu người dân duy trì tần suất tiếp xúc như hiện nay. Canada đã ghi nhận khoảng 688.000 trường hợp nhiễm, trong đó hơn 17.000 người đã tử vong.
Ở Nam Mỹ, Brazil đứng đầu cả về số ca nhiễm (8.394.253 ca) và ca tử vong (208.291 ca). Colombia, Argentina và Peru đều đã có hơn 1 triệu ca nhiễm và trên dưới 40.000 ca tử vong. Các nước như Chile, Ecuador, Bolivia, Paraguay và Venezuela đều đã ghi nhận trên 110.000 ca nhiễm, riêng Chile hiện có trên 660.000 ca.
Tại châu Âu, Nga hiện có số ca nhiễm cao nhất (hơn 3,5triệu ca). Tuy nhiên, Anh đang tiệm cận con số này (hiện là hơn 3,3 triệu ca) và là nước có số ca tử vong cao nhất (87.296 ca) tại châu lục. Italy có số ca tử vong cao thứ hai châu lục với 81.325 ca. Các nước Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức đều đã ghi nhận trên 2 triệu ca nhiễm, trong khi Ba Lan và Ukraine có hơn 1,1 triệu ca. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết hãng dược Pfizer đã đảm bảo sẽ cung cấp đủ số liều vaccine ngừa COVID-19 theo đơn đặt hàng của khối trong quý đầu tiên của năm 2021. Trước đó, hãng dược phẩm trên thừa nhận lượng vaccine dự kiến giao trong tháng này sẽ ở mức thấp nhưng họ sẽ nỗ lực nâng sản lượng vào cuối mùa Đông này cũng như trong suốt cả năm 2021.
Tại châu Á, Ấn Độ hiện ghi nhận tổng cộng 10.543.659 ca nhiễm, trong đó có 152.130 ca tử vong. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ hai châu lục với hơn 2,3 triệu ca nhiễm và Iran đứng thứ hai về số ca tử vong, nay đã lên tới 56.621 ca. Các nước Indonesia, Iraq, Israel, Bangladesh và Pakistan đều đã ghi nhận trên 510.000 ca nhiễm, riêng Indonesia là hơn 880.000 ca. Trong khi đó, Philippines, Saudi Arabia, Jordan và Nhật Bản đều đã có trên 300.000 ca.
Tại châu Phi, cùng với sự xuất hiện của biến thể virus mới, số ca nhiễm tại Nam Phi tiếp tục tăng mạnh. Hiện nước này đã ghi nhận 1.311.686 ca nhiễm, trong đó 36.467 ca tử vong. Maroc có 457.625 ca nhiễm, đứng thứ hai châu lục, trong khi đó Ai Cập có số ca tử vong cao thứ hai là 8.473 ca.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự báo về một năm tồi tệ và khó khăn tài chính nữa đối với các hãng hàng không thế giới do nhu cầu đi lại bằng đường không tiếp tục giảm vì đại dịch COVID-19. Theo ICAO, đi lại bằng đường không trong năm 2020 đã giảm 60% do các quốc gia đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại để ngăn ngừa lây lan COVID-19. Với chỉ 1,8 tỷ lượt hành khách chọn đi lại bằng máy bay trong năm đầu tiên của đại dịch, so với con số 4,5 tỷ lượt hành khách của năm 2019, các hãng hàng không trên thế giới đã tổn thất 370 tỷ USD. Các sân bay và các cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu thiệt hại tương ứng là 115 tỷ USD và 13 tỷ USD.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất