Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt: Bao giờ mới được phục dựng?

21/08/2009 07:24 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nhà lao Thiếu nhi ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa được công nhận là di tích quốc gia hồi tháng 6/2009. Nhưng thật trớ trêu, di tích này hiện lại đang được Cty TNHH dệt may Rạng Đông thuê làm xưởng sản xuất.

Những người trước đây đã từng sống trong những ngày tháng tủi nhục nay rất tha thiết mong chính quyền tỉnh Lâm Đồng phục dựng lại di tích này.

Hai chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi Lê Cảnh và Thái Đức Mỹ trước phòng C Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Vẫn nguyên ký ức

Những năm 1970 - 1972, thắng lợi trên các mặt trận quân sự của ta buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định Paris. Trước tình hình đó, khắp các nhà lao đều đồng loạt nổi dậy đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Được sự ủng hộ của nhiều tổ chức yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Liên hiệp quốc đã cử nhiều đoàn đến khảo sát các nhà lao ở miền Nam Việt Nam, trong đó có nhà lao Côn Đảo. Họ yêu cầu Ngụy quyền Sài Gòn không được giam cầm những tù nhân dưới 18 tuổi tại đây. Trước sức ép đó, chúng đã cho xây dựng Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt (NLTNĐL) vào năm 1971 với tên gọi mỹ miều: Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt.

Đến thăm NLTNĐL, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi nơi đây từng giam giữ hơn 600 tù nhân thiếu nhi từ khắp chiến trường miền Nam. Nhìn từ bên ngoài, nhà lao cũng được xây dựng theo lối kiến trúc biệt thự cổ ở Đà Lạt để tránh sự “để ý” của dư luận và các tổ chức hòa bình trên thế giới lúc bấy giờ. Dù là nơi dành riêng để giam giữ tù thiếu nhi, nhưng bên trong NLTNĐL cũng được xây dụng như hàng trăm nhà tù khác của Mỹ - Ngụy ở miền Nam Việt Nam thời đó.

Từ cửa chính đi vào, chúng trang bị 2 lớp cửa: một cửa sắt và một cửa gỗ. Nhà lao có 8 phòng giam lớn, trong đó 6 phòng nam và 2 phòng nữ, mỗi khu vực (nam - nữ) có một sân riêng rộng trên 100m2. Toàn bộ nhà lao có 3 dãy xà lim, mỗi dãy có 4 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 6m2, dưới mỗi gian xà lim, chúng cho xây dựng hệ thống nước ngầm để làm cho hơi nước bốc lên nhằm tra tấn bằng cách làm lạnh gian phòng. Nhà lao còn có một hội trường, một nhà bếp, một nhà hướng nghiệp, một nhà thờ (rộng khảng 40m2), một nhà chùa, một phòng chuyên dụng để tra tấn với rất nhiều dụng cụ “đặc dụng”. Xung quanh tường và trên mái ngói chúng bọc nhiều lớp kẽm gai và có 4 lô cốt cho lính canh gác cẩn mật 24/24h.

Xây dựng một nhà lao như thế, âm mưu của địch là nhằm đàn áp  ý chí đấu tranh của các thiếu nhi đã từng tham gia trong các cuộc nổi dậy trong lòng đô thị miền Nam, từng bước dụ dỗ và mua chuộc họ trở thành tay sai chống lại phong trào cách mạng đang diễn ra mạnh mẽ trong toàn miền Nam. Một cựu tù ngày đó là ông Mai Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng) kể lại: “Những ai bị đưa xuống xà lim, mỗi ngày chúng chỉ cho 2 cục cơm vo tròn lại bằng quả trứng, đêm đêm tưới nước lạnh lên người và lấy kẽm gai đánh. Trong xà lim kín mít, chúng chỉ chừa lại một lỗ thông hơi nhỏ bằng bàn tay nên bị đưa xuống đây coi như không thấy mặt trời”.

Giám thị nhà lao thời đó là ông Nguyễn Siêng cho biết, ngoài việc dụ dỗ và đàn áp tù thiếu nhi, chúng còn dùng chính sách “tù trị tù”. Ban quản đốc nhà lao cử tên Cương (quê ở Quảng Nam) làm Trưởng ban Trật tự, thường xuyên tổ chức đánh đập các em khi các em không chịu chào cờ. Được gọi là Trung tâm giáo huấn thiếu nhi, nhưng nơi đây có một bộ máy quản lý chặt chẽ do Ty Cảnh sát Tuyên Đức quản lý và đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Các gương mặt trong Ban Quản đốc nhà lao như: Nguyễn Văn Quảng, Lê Văn Dẹt, Hoàng Văn Nghĩa… đều là những tên khét tiếng về đàn áp tù nhân trong các nhà lao miền Nam của đế quốc Mỹ. Việc đưa các nhân vật này về đây đã chứng tỏ âm mưu thâm độc của kẻ thù cho cái gọi là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi này.

Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt bây giờ…


Bao giờ phục dựng?

Sau năm 1975, những phòng giam của NLTNĐL đều bị đập bỏ, một nửa được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng sử dụng làm bệnh xá và nửa còn lại cho Cty TNHH dệt may Rạng Đông thuê làm mặt bằng sản xuất. Hiện nay, trong số hơn 600 cựu tù thiếu nhi ngày ấy kẻ còn người mất. Những người còn sống đều chung một nguyện vọng giữ lại di tích in dấu một thời đấu tranh hào hùng. Ông Mai Thanh Minh tâm sự: “Tôi thấy việc phục dựng lại di tích là không khó khăn, vì nhân chứng sống đang còn, chỉ sợ thiếu kinh phí thực hiện mà thôi”. Bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước) cũng tỏ rõ sự quan tâm: “Qua tìm hiểu kỹ các tài liệu và được các nhân chứng lịch sử chứng minh thực tế, tôi thấy chúng ta cần phải gìn giữ, tôn tạo, và phục dựng lại di tích NLTNĐL để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau, giới thiệu di tích với khách du lịch trong và ngoài nước để họ hiểu thêm về cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và cũng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Trước thực tế đó, các nhà quản lý của địa phương cần có sớm một phương án để tiếp cận, hoàn chỉnh hồ sơ, tiến tới phục dựng và bảo tồn di tích này, bởi nơi đây cũng là một minh chứng lịch sử ít ỏi còn sót lại trên vùng đất Nam Tây Nguyên này. Ông Đỗ Văn Thể (Giám đốc Sở VH - TT & DL Lâm Đồng) cho biết, tỉnh đã có chủ trương phục dựng di tích NLTNĐL, nhưng hiện nay chưa có quỹ đất để Cty Rạng Đông di dời chỗ mới, nên tạm thời vẫn phải để Cty Rạng Đông sử dụng. Không biết khi nào tỉnh Lâm Đồng mới có thể phục dựng lại di tích quốc gia này?

Công Hoan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm