Đi du lịch Nam Cực khác với thám hiểm

12/02/2011 14:35 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đúng mùng 1 Tết năm nay, cậu bé 10 tuổi Phạm Vũ Thiều Quang đặt chân tới Nam Cực và trở thành “Người châu Á trẻ tuổi nhất” đặt chân tới xứ sở lạnh giá này. Câu chuyện làm chúng ta nhớ tới Hoàng Thị Minh Hồng - người Việt Nam đầu tiên thám hiểm Nam Cực, thật bất ngờ, chị cũng ít nhiều có “dính dáng” tới chuyến đi của cậu bé.

Sau chuyến đi lịch sử năm 1997, chị đã trở thành công dân VN đầu tiên đặt chân lên Nam Cực. Năm 2009, chị theo chồng vào TP.HCM, là phát ngôn viên của chiến dịch 350.org. Cũng trong năm này, chị được mời tham dự chuyến thám hiểm Nam Cực lần 2 mang tên Hiệp ước quốc tế về Nam Cực cùng với 5 người VN khác...


Minh Hồng trên đỉnh núi với gia đình chim cánh cụt

Nam Cực đã làm thay đổi cuộc đời tôi!

* Trong năm mới này, cậu bé Thiều Quang mới 10 tuổi đã đặt chân tới Nam Cực, theo chị, ý nghĩa của chuyến đi này như thế nào?

- Vâng, chính tôi là người giới thiệu cho 2 bố con cậu bé đi. Đây là tour du lịch bình thường tới Nam Cực chứ không phải là đi thám hiểm. Mà tour du lịch thì rất phổ biến, ai có nhu cầu đều có thể đi được. Qua những người bạn của tôi, bố con Quang chọn được chiếc tàu tương đối tốt, với giá vé khoảng 7.000 USD/người. Nhưng phải nói rằng, bố con Quang rất “máu mê” khám phá, chinh phục những vùng đất mới. Đây là điều rất đáng quý!

* Là người VN đầu tiên thám hiểm Nam Cực, chuyến đi ấy chắc chắn đến giờ vẫn có ý nghĩa trong cuộc đời chị?

- Đúng vậy. Mọi người thường nghĩ nó có ý nghĩa vì làm cho tôi trở thành “người đầu tiên” này kia... Nhưng với tôi, nó là chuyến đi làm  cho cuộc đời tôi thay đổi, rẽ sang một hướng khác, và chính tôi cũng đã trở thành một con người khác. Điều đó không phải tôi nhận ra ngay khi trở về, mà càng về sau, càng thấy... ngấm. Khi bạn đang sống trong một thế giới bé tí của riêng bạn, xung quanh là thành phố bé nhỏ quen thuộc, là những mối quan hệ họ hàng bạn bè, là những sự kiện bình thường: hàng ngày đi làm, đi chơi và ý nghĩ cuộc sống chỉ là tốt nghiệp được cái bằng đại học để đi làm kiếm nhiều tiền. Rồi đột nhiên bạn bị thả vào một thế giới khổng lồ, với những con người quá khác mình, đối mặt với thiên nhiên hoang dã đẹp vô cùng nhưng cũng rất hung dữ, bị đặt vào tay những nhiệm vụ mà không thể nghĩ là mình sẽ thực hiện được... cho đến khi bạn đi qua các trải nghiệm đó, đầu óc bạn sẽ thay đổi và bạn sẽ có những định hướng mới, những quan điểm sống mới....

* Hồi đó chị rất trẻ, vì sao chị lại chọn chuyến thám hiểm khó khăn này?

- Quả thật lúc đó tôi chẳng có ý định trở thành người đầu tiên thám hiểm Nam Cực hay nhà bảo vệ môi trường gì. Chỉ là vì còn trẻ, còn rất “sung”, mà thời đó cũng chưa có Internet hay nhiều chỗ “chơi” như bây giờ. Trong khi, tôi lúc nào cũng có nhu cầu làm cái gì đó thật “điên rồ” để “giải tỏa năng lượng”! (cười)... Nhưng tôi cũng đi chơi khắp nơi rồi mà vẫn cảm thấy chưa “đã”. Nên khi có người bạn gọi điện nói có cái cuộc thi chọn người đi Nam Cực, thì tôi đăng ký ngay. Lúc đó, tôi có hình dung Nam Cực là thế nào đâu. Chỉ nghĩ là được đi một chuyến thật là xa xôi, khó khăn, khắc nghiệt là thích rồi. Đến khi được mời đến cuộc họp báo để công bố kết quả người được chọn. Khi tên tôi được xướng lên, tôi còn ngỡ ngàng mất một lúc... Rồi BTC phát biểu: nhiệt độ tại Nam Cực vào mùa Đông có thể xuống tới -87 độ C, tôi bắt đầu thấy “run”. Cũng may là khi chúng tôi tới đó vào mùa Hè, nhiệt độ chỉ khoảng -20 độ thôi. Tôi cảm thấy chuyến thám hiểm đã chọn tôi thì đúng hơn. Và hồi đó tôi thấy thật là may mắn.

Chuyện tế nhị ở Nam Cực

* Chắc hẳn đến nơi “lạnh nhất thế giới’’ này có nhiều điều thú vị?

- Ở Nam Cực, vào mùa Hè, thì không có ban đêm, trời lúc nào cũng sáng, Mặt trời không bao giờ lặn. Mùa Đông thì ngược lại, không có ban ngày, trời lúc nào cũng tối. Chúng tôi đến Nam Cực vào mùa Hè, nên lúc nào trời đất cũng sáng trưng, ai cũng có cảm giác làm được nhiều việc hơn, và chẳng ai muốn đi ngủ cả. Mà cũng khó ngủ, vì nằm trong lều mà lúc nào trời cũng sáng, phải bịt mắt lại mới ngủ được. Có lúc đến 3h đêm vẫn rủ nhau đi dạo trên băng, mà chẳng cần phải mang đèn pin.

Có một câu chuyện tế nhị nhưng cũng... thú vị, do muốn giữ gìn vùng đất đẹp tuyệt đó, không muốn để lại bất cứ thứ rác rưởi gì, dù là chất thải cá nhân, nên mỗi lều được phát một cái can và cái phễu lớn. Cũng lóng ngóng lắm, con trai thì dễ hơn con gái một chút. Khi nào đi về thì lại xách lên tàu để đổ.

Du khách đến Nam Cực ngày càng nhiều

* Năm 2009 chị đã trở lại Nam Cực lần 2. Sau hơn 10 năm, Nam Cực đã có những thay đổi gì?

- Vâng, gần 13 năm cơ đấy. Nam Cực vẫn đẹp như vậy. Tất nhiên một chuyến đi chưa đến 2 tuần thì không thể nói là mình có thể nhìn thấy bằng mắt những thay đổi của một châu lục rộng lớn như vậy. Lần này thì có hơn lần trước là mình có kinh nghiệm hơn, chuẩn bị thể lực, quần áo và trang thiết bị tốt hơn, và nhất là máy chụp ảnh tốt hơn.


Cậu bé Thiều Quang chụp ảnh chim cánh cụt ở Nam Cực - Ảnh: Danviet

Nam Cực đẹp lắm, và nhất là trong những ngày trời đẹp, có nắng, thì chỉ cần nhấc máy ảnh lên bấm bừa là cũng được một bức ảnh đẹp rồi. Một lần mình đang hí hoáy chụp ảnh những tảng băng trôi từ trên boong tàu, thì ông Robert Swan (cũng là trưởng đoàn cho chuyến thám hiểm lần này) đến gần mình và hỏi: “Cô có biết vì sao lần này cô chụp được nhiều ảnh đẹp không? Vì băng tan, nên trên mặt biển có nhiều tảng băng trôi hơn. Rất tốt cho nghệ thuật nhiếp ảnh, nhưng không tốt cho môi trường”.

Tôi mới nhận ra...

Nếu băng ở Nam Cực và các nơi khác cứ tiếp tục tan ở tốc độ này, thì đến cuối thế kỷ này, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng lên 1,4m, sẽ đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người dân sống ở vùng ven biển. Nhưng từ nghe nói đến tận mắt trông thấy là 2 chuyện hoàn toàn khác. Biến đổi khí hậu không chỉ làm băng tan nhiều hơn, mà nó còn gây ra những tác động tiêu cực đối với các loài động, thực vật tại châu lục này.

Một thay đổi nữa là lượng khách du lịch đến Nam Cực những năm gần đây cũng nhiều hơn trước rất nhiều. Ở chuyến trước mình đi, năm 1997, chỉ khoảng hơn 7.000 khách du lịch, thì đến chuyến sau, năm 2009, con số này lên tới hơn 40.000 khách.

* Sau hơn 10 năm trở lại Nam Cực, chị và các thành viên trong đoàn VN đã mang trên mình một trách nhiệm khác?

- Chuyến thám hiểm Nam Cực diễn ra vào tháng 11/2009 - là nhằm kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp ước Nam Cực, được thực hiện ngay trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Nam Cực vào ngày 3/12 tại Washington DC. Chuyến thám hiểm nhằm kêu gọi các nước tiếp  tục tôn trọng và bảo vệ Hiệp ước Nam Cực, để vùng đất hoang dã còn sót lại trên thế giới này sẽ không bị xâm phạm và khai thác. Chuyến đi này cũng còn có một mục tiêu quan trọng khác, là sao cho các thành viên khi về nước mình, sẽ trở thành các đại sứ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường và kêu gọi hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu. Còn với tư cách cá nhân, tôi có thể tự hào rằng, chính mình đã thuyết phục BTC để có thêm thành viên đoàn VN tham gia. Và đoàn VN với 6 thành viên, đã là một trong những đoàn hoạt động sôi nổi tích cực nhất trong chuyến đi đó.

* Trong nhiền năm qua, chị đã tham gia rất nhiều hoạt động liên quan đến môi trường. Công việc hiện nay của chị?

- Hiện tôi đang là phát ngôn viên của chiến dịch 350.org, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong hai năm qua, chiến dịch đã tổ chức hơn 15.000 sự kiện ở 188 quốc gia. Riêng tại VN, đã có 53 sự kiện đã được đăng ký. Hàng ngàn bạn trẻ tại các thành phố lớn và nhiều tỉnh, thành khác, đã đại diện cho VN cất tiếng kêu gọi hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, với hàng loạt hành động nhỏ nhưng thiết thực như: trồng cây xanh, đạp xe, quét dọn công viên, bãi biển, vẽ tranh, rửa xe và cả “ăn chay vì môi trường’’. Tất cả các hoạt động này, tôi đều tham gia.

* Xin cảm ơn chị!

Lê Duy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm