Dễ như... đóng giả cảnh sát cơ động

15/11/2010 08:45 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Học sinh cấp 3 Hà Nội “tài thật”. Mới có 15, 16 tuổi đầu, mặt mũi còn bấm ra sữa (trông ảnh chụp trên báo thì rõ). Thế mà dám sắm mũ áo, phù hiệu của cảnh sát cơ động (CSCĐ), lại tậu cả dùi cui điện để giả làm các anh đi tuần tra ban đêm. Trước khi bị bắt vào tối 10/11, hai cậu choai này đã kịp “giễu võ giương oai” chặn một đôi nam nữ lấy của họ 150.000 đồng. Trước đó, nhóm chúng cũng đã 3 lần giả danh CSCĐ cưỡng đoạt 700.000 đồng của người đi đường.


Hai học sinh Duy Anh và Tuấn Anh đóng giả CSCĐ. (Nguồn: Việt báo).

Nghe chuyện này, bỗng dưng thấy chột dạ. Dạo này tôi hay phải đi làm về khuya, đường ra ngoại thành thì vắng, đi đêm lắm, và phóng hơi nhanh tất nhiên cũng có ngày gặp... CSCĐ. Các anh vọt xe lên, ép xe máy vào lề đường, dùi cui oai phong lẫm liệt yêu cầu kiểm tra giấy tờ... Vốn tính đa nghi, lại từng nghe quá nhiều những chuyện kẻ xấu giả danh công an, nên bao giờ tôi cũng vừa xuất trình giấy tờ vừa... run. Thú thực, nếu đúng là các anh CSCĐ thật thì quá... yên tâm rồi, bởi có các anh tức là đoạn đường này... thanh bình (chứ mình giấy tờ đủ cả, đi đứng đúng luật, chả có biểu hiện gì nghi vấn, trừ việc đi lại hơi khuya, thì có gì phải lo)? Trước đây, khi chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, thì việc “nhận dạng” các anh CSCĐ tuần tra rất dễ dàng - ấy là những người đi xe máy, thường là đèo nhau trên đường, hoặc “mật phục” ở các giao lộ, mặc sắc phục, đầu đội mũ bảo hiểm có dòng chữ phản quang. Nhưng từ ngày toàn dân đội mũ bảo hiểm thì sự phân biệt ngày càng khó hơn, đôi khi nhìn toán xe ôm lố nhố trong bóng đêm mờ mờ lại tưởng nhầm là các anh (đâm ra mừng (hoặc sợ) nhầm). Một điều dễ nhầm nữa là các anh CSCĐ thường đi xe máy bình thường, Dream hoặc Wave (đường tối nên chẳng rõ là Wave “Thái” hay Wave “Tàu”, hay Wave anpha) và thường đeo biển trắng.


Cũng rất nể phục các anh là với chiếc xe máy bình thường này, thế mà khi gặp đối tượng nghi vấn, các anh có thể biến nó thành phương tiện truy đuổi (vọt theo với tốc độ dĩ nhiên phải cao hơn tốc độ của đối tượng) hay trấn áp (ép xe đối tượng vào lề đường)...

Đến đây đặt ra vấn đề, tại sao toàn bộ CSCĐ không được trang bị xe máy đặc chủng về cả hình thức (màu sắc, kiểu dáng) đến tốc độ (xe phân khối lớn)? Việc trang bị này không những hỗ trợ tốt hơn các anh khi làm nhiệm vụ, mà điều quan trọng nó là dấu hiệu khó làm giả giúp nhân dân có thể “nhận ra” các anh một cách dễ dàng trong đêm tối, khỏi bị “bắt nạt oan” bởi những đối tượng xấu giả danh các anh (như mấy cậu học sinh cấp 3 “láo xược” kể trên).

Dĩ nhiên, chúng có thể “làm giả” xe của CSCĐ. Nhưng việc làm giả này sẽ khó khăn hơn nhiều so với làm giả đồng phục CSCĐ (có 350.000 đồng/bộ như lời chúng khai). Vả lại mấy cậu nhóc cấp 3 Hà Nội làm gì có đủ tiền mà mua được xe chuyên dụng để làm giả CSCĐ?

Thực tế là 2 đối tượng giả danh CSCĐ nói trên chỉ bị phát hiện là “đồ giả” khi độp mặt các anh CSCĐ “xịn”. “Tổ công tác nhận thấy 2 CSCĐ này còn rất trẻ, tuy mặc trang phục CSCĐ nhưng tác phong, cử chỉ làm việc có nhiều lúng túng, thiếu thuần thục, ve hàm đeo cẩu thả, không đúng quy định. Tiến hành kiểm tra, 2 CSCĐ này lúng túng, không trả lời được mình thuộc lực lượng nào, ở đơn vị nào. Đấu tranh tại chỗ, 2 đối tượng thừa nhận có hành vi giả danh CSCĐ để kiểm tra người đi đường nhận tiền mãi lộ”.

CSCĐ xịn phải bằng con mắt nghề nghiệp, cộng với “đấu tranh” xét hỏi các đối tượng này mới có thể phát hiện ra “đồ giả” thì tôi đố quần chúng nhân dân nào có thể phát hiện ra chúng.

Ngô Khởi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm