Chuyên gia quốc tế bác cáo buộc 'tấn công sóng âm' nhằm vào nhân viên ngoại giao Mỹ

16/11/2017 14:52 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Kết thúc phiên thảo luận trực tuyến đầu tiên liên quan đến cái gọi là các "cuộc tấn công sóng âm" mà Mỹ cho là ảnh hưởng đến các nhà ngoại giao làm việc tại La Habana, ngày 15/11, các nhà khoa học Cuba và nước ngoài đã đưa ra bằng chứng khoa học khẳng định không thể có loại sóng âm nào có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như Washington cáo buộc.

Theo các nhà khoa học Cuba và quốc tế, việc tiến hành các cuộc "tấn công sóng âm" nhằm vào một số đối tượng cụ thể như giả định của phía Mỹ mà không bị phát hiện hay gây ảnh hưởng đến nhóm người quy mô lớn hơn là điều không thể.  Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng 24 nhân viên ngoại giao nước này cùng gia đình họ tại Cuba có triệu chứng buồn nôn, đau đầu, mất thăng bằng, mất thính lực, đau mặt và bụng, suy giảm trí nhớ và tổn thương não sau khi bị ảnh hưởng bởi các "vụ tấn công sóng âm".

Giáo sư, nhà thính học Colleen LePrell thuộc Đại học Texas cho biết ông chưa từng biết về vụ tấn công bằng "sóng âm" như vậy và việc một người đột ngột mất thính lực mà nguyên nhân là do "sóng âm" là điều khác thường.

Chú thích ảnh
Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô La Habana, Cuba ngày 3/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan đến 14 mẫu ghi âm âm thanh mà giới chức Mỹ cung cấp, các nhà khoa học cho rằng những mẫu âm thanh này tương tự như âm thanh do con dế hay ve sầu phát ra. Giáo sư, nhà vật lý học Carlos Barcelo thuộc Ủy ban các chuyên gia Cuba, đơn vị có nhiệm vụ điều tra vụ việc trên, cho rằng cường độ âm thanh của những mẫu này không đủ mạnh để gây mất thính lực bởi chúng chưa tới 90 decibel trong khi âm thanh phải có cường độ lớn hơn 100 decibel mới gây tác động tiêu cực.

Đồng quan điểm trên,  Giáo sư Jose Manuel Villar cho rằng cả 14 mẫu âm thanh này không đủ cường độ để gây tổn hại tới sức khỏe con người như phía Mỹ cáo buộc. Trong khi đó, nhà tâm lý học Andrew Oxenham thuộc Đại học Minnesota khẳng định một thiết bị sóng âm không thể gây hại bởi không đủ cường độ để tác động đến tai con người dẫn tới mất thính lực.

Phiên thảo luận trực tuyến trên nằm trong khuôn khổ diễn đàn trực tuyến kéo dài hai ngày 15-16/11 do Ủy ban các chuyên gia Cuba tổ chức. Ủy ban này đã mời các nhà khoa học tham gia nhằm trao đổi những thông tin và ý kiến của cộng đồng khoa học quốc tế hay những người quan tâm liên quan về cái gọi là các “cuộc tấn công sóng âm” mà Mỹ giả định đã ảnh hưởng xấu tới sức khỏe các nhà ngoại giao nước này làm việc tại La Habana. Vụ việc đã khiến quan hệ ngoại giao trở nên căng thẳng.

Tới tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba tại Mỹ, cho dù tới tháng 6, phía Mỹ mới cử đoàn phối hợp điều tra đầu tiên tới Cuba. Washington cho đến nay chưa hề công bố bất kỳ bằng chứng nào, song đã chính thức gọi vụ việc trên là các cuộc “tấn công sóng âm” và tiến hành hàng loạt biện pháp làm leo thang căng thẳng song phương, bao gồm cả việc rút 60% số nhân viên tại Đại sứ quán của mình ở La Habana về nước và trục xuất tổng cộng 15 nhân viên của Đại sứ quán Cuba tại Mỹ. Washington còn đưa ra cảnh báo đi lại tới Cuba đối với công dân Mỹ.

Thiết bị dò tìm cứu hộ bằng sóng âm giống cá heo

Thiết bị dò tìm cứu hộ bằng sóng âm giống cá heo

Theo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí y khoa Proceedings of the Royal Society của Anh ngày 23/10, một nhóm nhà khoa học và kỹ sư người Anh đã chế tạo một thiết bị dò tìm mới, lấy cảm hứng từ cá heo.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm