Chân dung nữ ngoại trưởng trẻ nhất thế giới của Pakistan

22/07/2011 11:11 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tuần này Hina Rabbani Khar mới chỉ bước vào tuổi 34. Nhưng bất chấp sự trẻ trung và việc là nữ giới, bà vẫn được đưa lên vị trí ngoại trưởng, một trong những chiếc ghế lãnh đạo quan trọng nhất và "nóng" nhất trong nền chính trị Pakistan.

Hina Rabbani Khar chính thức được Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari chỉ định vào chiếc ghế ngoại trưởng trong ngày 19/7 và tuyên thệ nhậm chức sau đó một hôm.

Nữ chính trị gia hiếm hoi trong nội các

Ông Zardari nói rằng việc bổ nhiệm bà cho thấy chính phủ đã thực hiện cam kết đưa phụ nữ vào chính trị và gửi tín hiệu tích cực về "một hình ảnh Pakistan mềm dẻo hơn". Ông cũng ca ngợi sự thăng tiến của Khar là nhờ bà đã có năng lực chính trị tốt. Tuy nhiên hình ảnh của bà mẹ trẻ với 2 con mặc quần jean xanh bó sát cơ thể, xuất bản trên báo chí địa phương đã làm nhiều người bảo thủ nhướn mày, bởi ở nước này, phần lớn phụ nữ đều mặc quần áo rộng để che đi các đường cong gợi cảm của họ.

Khar hiện là một trong số ít các chính trị gia nữ đang lên ở Pakistan, quốc gia nơi quyền phụ nữ bị xem nhẹ và chỉ 41% các bé gái hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Không chỉ có vậy, nền chính trị của Pakistan cũng khá nguy hiểm, với nhiều vụ ám sát nhằm vào giới chính khách. Đơn cử như Benazir Bhutto, người đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Pakistan ở tuổi 35 và mất mạng trong một vụ tấn công tự sát hồi năm 2007. Năm nay Pakistan cũng đã chứng kiến 2 vụ ám sát chính trị cao cấp. Đó là trường hợp của Salman Taseer, tỉnh trưởng Punjab, người bị một trong các vệ sĩ bị bắn chết, chỉ vài tuần sau vụ ám sát Bộ trưởng các cộng đồng thiểu số Shabbaz Bhatti.

Dù còn trẻ trung, bà Hina Rabbani Khar đã được
giao một công việc với nhiều trọng trách ở Pakistan

Theo báo chí Pakistan, Khar xuất thân từ một gia đình chính trị quyền lực, với cha đẻ là thành viên Quốc hội Pakistan và chú bà là người phụ trách chính quyền tỉnh Punjab. Bà đã có thời gian học tập bên Mỹ và tốt nghiệp Đại học Massachusetts hồi năm 2001. Bà là người năng hoạt động, rất mê môn thể thao polo và leo núi. Bà từng lên đỉnh Nanga Parbat và K2 nằm trong dãy Himalaya. Trước khi bước chân vào chính trị, bà đã có thời gian làm kinh doanh và là chủ sở hữu nhà hàng Polo Lounge nổi tiếng ở Lahore.

Khi Tổng thống Pervez Musharraf còn cầm quyền, bà được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Các vấn đề Kinh tế. Năm 2009 bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đọc kế hoạch ngân sách trước quốc hội Pakistan. Đầu năm nay, bà tiếp tục được bổ nhiệm vào một vị trí cao cấp trong cơ quan ngoại giao Pakistan và công việc này được xem là bước chạy đà để bà tiến thẳng lên chiếc ghế Ngoại trưởng.

Các chính khách "tài không đợi tuổi"

Không chỉ là nữ Ngoại trưởng đầu tiên ở Pakistan, bà Khar còn là nữ chính trách trẻ nhất thế giới từng ngồi vào chiếc ghế này. Thực tế thế giới hiện nay chỉ có một vài quan chức ngoại giao cao cấp ở dưới độ tuổi 40 như bà và không phải ai cũng là nữ giới.

Có thể kể ra ông Maxim Gvinjia, 35 tuổi, người Abkhazia. Trước khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng hồi tháng 2/2010 của quốc gia ly khai này, Gvinjia là Thứ trưởng Ngoại giao và đã có nhiều lần làm việc với các phái đoàn quốc tế cao cấp khi mới chỉ trong độ tuổi 20 tuổi.

Tương tự là bà Aurelia Frick, 36 tuổi, người công quốc Liechtenstein. Hồi tháng 3/2009, bà không chỉ được giao quyền điều hành Bộ Ngoại giao của công quốc mà còn nắm ghế cao nhất tại các Bộ Tư pháp và Bộ Các vấn đề văn hóa. Tuy nhiên việc bà Frick kiêm nhiệm nhiều vị trí là tương đối dễ hiểu bởi công quốc chỉ có vỏn vẹn 35.000 dân.

Trong khi đó Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet, 37 tuổi, đã nhậm chức từ tháng 4/2005, khi mới 31 tuổi. Ông là phóng viên trước khi bắt đầu làm chính trị hồi năm 1999 và nổi tiếng với khả năng đọc thông viết thạo 5 ngoại ngữ.

Đứng trong hàng ngũ ưu tú này còn có bà Carolyn Allison Rodrigues-Birkett, 37 tuổi, được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Guyana vào tháng 4/2008. Rodriques nổi tiếng với biệt danh người đàn bà thép vì sự kiên định của bà trong việc đẩy mạnh các dự án quan trọng tại nhiều vùng xa xôi hẻo lánh ở đất nước, nhằm giúp đỡ các cộng đồng thiểu số.

Cuối cùng phải kể tới Roosevelt Skerrit, một chính khách mới 39 tuổi người Dominica. Trước khi đảm nhận ghế Thủ tướng hồi năm 2004, ông đã được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính. Skerrit là người đứng đầu chính phủ trẻ thứ 2 thế giới, chỉ sau Tổng thống Madagascar Andry Rajoelina.

Javed Siddique, biên tập viên tờ Nawa-e-Waqt có uy tín ở Pakistan, nói rằng mặc dù còn trẻ, Khar đã chứng tỏ bản thân là một chính khách hoạt động hiệu quả, khi có một số những cuộc gặp gỡ tích cực với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy trong mấy tháng gần đây. "Người ta chẳng mấy khi hy vọng các quốc gia Hồi giáo sẽ có những bộ trưởng cao cấp hay lãnh đạo là nữ giới, nên bà sẽ là một tài sản quý giá của Pakistan" - ông đánh giá.

Sẽ sớm được thử lửa

Tuần tới, Khar sẽ sớm bước vào cuộc thử thách năng lực đầu tiên, khi tiến hành hàng loạt các thương thuyết về khu vực Kashmir đang tranh chấp với Ấn Độ cùng người đồng cấp S.M. Krishna, vốn lớn tuổi và dày dạn kinh nghiệm hơn bà khá nhiều. Các cuộc đàm phán giữa đôi bên đã từng đổ bể hồi năm 2008, sau vụ khủng bố Mumbai và mới chỉ được nối lại vào đầu năm nay.

Ngoài ra Khar cũng sẽ có các cuộc thử khác vào tuần này, khi bà gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Yang Jiechi bên lề một hội nghị ASEAN tổ chức ở Indonesia. Song song với đó, bà cũng đối mặt với áp lực phải giúp chính quyền dân sự giành lại quyền định ra chính sách ngoại giao, vốn vẫn bị quân đội lấn át.

Giới phân tích đánh giá dựa vào tài hùng biện, thương thuyết tốt và thái độ rất nghiêm túc của Khar với sự nghiệp, bà sẽ sớm trở thành một ngoại trưởng tốt. “Dù mối quan hệ quốc tế trong những ngày này đang rất phức tạp, tôi tin rằng bà ấy sẽ là người nhập cuộc rất nhanh" - Ashfaque Hasan Khan, hiệu trưởng Trường kinh doanh NUST ở Islamabad nhận xét.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm