Cảnh sát cơ động được dừng xe, khám người trong trường hợp nào?

21/02/2017 16:50 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Anh Dương Hoài Nam (Hải Phòng) hỏi: Tôi ra đường vào lúc 11 giờ 30 phút đêm và bị cảnh sát cơ động yêu cầu dừng xe kiểm tra. Việc dừng xe này có đúng theo quy định pháp luật hay không? Khi nào cảnh sát cơ động được khám xe, khám người?

Theo khoản 3 điều 7 Pháp lệnh số 08/2013/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Cảnh sát cơ động, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động là: Tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

Vì có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là về đêm, khi có nhiều tội phạm xảy ra thì cảnh sát cơ động cần thực hiện việc kiểm soát, khám người, phương tiện để đảm bảo an ninh, trật tự.

Theo như anh trình bày thì anh đã bị cảnh sát cơ động dừng xe và kiểm tra giấy tờ, đó cũng là một hình thức kiểm tra để giữ gìn trật tự.


Lực lượng Cảnh sát cơ động kiểm tra cốp xe máy và xử lý vi phạm giao thông tại thành phố Yên Bái. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Ngoài ra, theo Thông tư 58/2015/TT-BCA của Bộ Công an, việc kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu của cảnh sát cơ động được tiến hành trong các trường hợp sau:

- Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.

- Khi có căn cứ để cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, nếu không khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó bị tẩu tán, tiêu hủy.

- Khi phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm.

Khi phát hiện vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm và nói rõ hành vi vi phạm cho người vi phạm biết.

Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật là vi phạm hành chính thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn khi cần thiết và chuyển ngay cho người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, bắt giữ, vô hiệu hóa hành vi vi phạm và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc để bảo đảm cho việc xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải đảm bảo đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm