Cái bang hoành hành tại lễ hội Đền Trần

06/02/2012 10:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đội quân ăn xin đủ mọi lứa tuổi thành phần từ già đến trẻ nằm vạ vật khắp các lối đi dẫn vào cửa đền. Hễ du khách đi qua, đội quân này lại khóc than, kéo áo thậm chí là văng tục chửi thề để xin được tiền.

Đó là cảnh tượng trước giờ khai hội đền Trần ở Nam Định chiều qua (5/2). Năm nay BTC lễ hội đã thắt chặt an ninh, kiểm soát gắt gao nhiều vòng nhưng tình trạng ăn xin, cờ bạc vẫn diễn ra khá phổ biến với nhiều chiêu thức tinh vi hòng qua mắt cơ quan chức năng.

Ăn xin cũng có bảo kê!

Khắp các lối đi dẫn vào cửa đền không khó để bắt gặp hình ảnh những người ăn xin cầm chiếc nón rách hoặc giơ tay xin tiền. Các đối tượng này thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi nhưng đông nhất vẫn là những đứa trẻ từ 5 đến  6 tuổi.

Họ thường giả băng bó, mặc quần áo rách rưới thậm chí không ngần ngại lăn lê bò toài để rủ lòng thương hại của mọi người. Chiêu thức hoạt động của những đối tượng này rất tinh vi, họ không đứng rải rác mà tập trung thành từng đoàn và phân công một người thám thính. Hễ thấy bóng dáng của cơ quan chức năng hoặc ống kính của phóng viên chĩa vào là lập tức hô hoán nhau ù chạy. Thậm chí nếu bị truy đuổi gắt gao những người này lại cởi bỏ bộ áo nhếch nhác đóng giả làm khách hành hương chen chân vào lễ hội tiếp tục hành nghề.

Ăn xin hoành hành tại lễ hội Đền Trần

Chị Hương (một người bán hàng ở khu vực lễ hội) cho biết: “Những người ăn xin này không phải là người dân địa phương mà chủ yếu là dân nơi khác đến”.

Cũng theo chị Hương, tuy hôm nay mới là hội chính nhưng những người ăn xin này đã có mặt cách đây hàng tuần. Họ không hoạt động đơn lẻ mà thường chia khu vực, có bảo kê hẳn hoi.

Để xin được tiền từ du khách, những người ăn xin không chỉ kêu nghèo, kể khổ mà còn kéo áo, kiên trì bám đuôi thậm chí không ngần ngại văng tục, chửi thề nếu có ai đó phản ứng lại.

Anh Vũ Hoàng (Thanh Miện, Hải Dương) bức xúc: “Tôi bị 5, 6 đứa trẻ bao vây xung quanh xin tiền, không cho thì chúng mè nheo khổ sở mà cho thì phải đồng đều tất cả mới được đi...”.

Đến cờ bạc bịp và hàng rong cải trang

Tuy không công khai và lộng hành như nạn ăn xin nhưng hiện tượng cờ bạc bịp lại núp bóng dưới nhiều chiêu thức rất tinh vi. Phổ biến nhất là nạn giải cờ thế ăn tiền. Các đối tượng chơi cờ bạc bịp này thường có 2 - 3 người, mỗi khi có người đi qua chúng lại “diễn kịch” tranh nhau một nước cờ nào đó để thu hút sự chú ý của con mồi. Thông thường trong những màn diễn đó, phần thắng luôn thuộc về người chơi để gợi lòng tham của người nhẹ dạ. Trên thực tế, những thế cờ do chúng bày ra đa phần là những thế cờ không thể hóa giải, hoặc chỉ có xác suất hóa giải rất nhỏ. Với mức ăn “1 ăn 6”, “1 ăn 8” hoặc cao hơn nữa làm không ít người nổi lòng tham và dính bẫy.

Bạn Hoàng Minh mếu máo: “Thấy mọi người rủ em cũng đánh liều chơi một ván nhưng ai ngờ thua mất 200 nghìn”.

Hàng vạn người dân đổ về lễ hội

Thêm vào đó, nạn hàng rong chèo kéo khách vẫn diễn ra khá phổ biến. Không chỉ bán hàng rải dọc xung quanh khu vực lối dẫn vào lễ hội mà những người bán hàng này còn “cải trang” thành những “ki-ốt di động”. Họ đeo bám “con mồi” vào tận đền chính, nì nèo đổi tiền lẻ, ghi sớ, khấn thuê. Những bọc hàng được ngụy trang trong những chiếc làn hoặc bọc kín trong những túi ni-lông nên rất khó phát hiện.

Dựng bạt dã chiến chờ... giờ khai ấn

Năm nay, thời gian phát ấn được tiến hành từ ngày 15 đến hết ngày 30 tháng Giêng nhưng ngay trong ngày khai mạc đã đông nghịt những đoàn khách từ khắp mọi nơi đổ về.

Trên tất cả các bàn thờ khói hương nghi ngút, tiền âm, tiền dương tràn ngập. Nhiều người hành hương không chen chân được vào khu chính đành đứng từ xa khấn vái. Các gốc cây, ghế đá xung quanh đền được du khách tận dụng làm nơi nghỉ ngơi và ăn uống. Rất nhiều người còn chuẩn bị cả cơm nắm, muối vừng, lều bạt để sẵn sàng “trực chiến” chờ giờ phát ấn. Không khó để bắt gặp nhiều đoàn khách ngồi, nằm, vạ vật tại các lối đi dẫn vào lễ hội.

Bác Hoàng Văn Long đến từ Đằng Lâm (Hải An, Hải Phòng) cho biết đã có mặt ở đây từ sáng sớm, đang chờ đến giờ khai hội. Bác cho biết: “Năm ngoái tôi đến muộn nên không xin được ấn, năm nay phải quyết tâm xin được lộc quan...”.

Bác Long cũng chia sẻ tuy có vất vả, khổ sở nhưng có thế mới thể hiện được lòng thành tâm với các quan.

Càng về đêm nhiệt độ càng xuống thấp, trời mưa rét nhưng vẫn không ngăn được bước chân của hàng nghìn người đổ về dự lễ. Sự chen chúc, sự bát nháo của hàng quán, ăn xin, tạo nên một cảnh tượng hết sức phản cảm.

Còn phát ấn đến hết tháng Giêng

Tối qua, 5/2, nghi lễ khai ấn được thực hiện trong khoảng thời gian từ 22h40 đến 23h10 tại nội cung đền Thiên Trường. Từ 23h trở đi, nhà đền tiếp tục mở cửa đón các du khách vào lễ.

Từ 7h sáng nay (Rằm tháng Giêng) đến hết tháng Giêng, BTC sẽ phát ấn rộng rãi cho du khách thập phương, quan khách và đại biểu. Khác với mọi năm, năm nay BTC chỉ để lại hơn 20 bàn phát ấn đặt tại 4 khu vực trong đền. Khu vực phát ấn ngăn cách với du khách bằng các hàng rào, được thiết kế đường vào và đường ra riêng biệt.

Để tránh tình trạng chen lấn xô đẩy, lễ hội Đền Trần năm nay đã huy động hơn 2.000 người gồm các lực lượng công an, quân sự, dân phòng và dựng 5 lều bạt y tế, tập kết 5 xe cứu thương được bố trí cả trong và ngoài khu vực lễ hội.

Hà Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm