Vì sao cầu thủ dễ bị đuổi vì mạng xã hội?

30/12/2015 07:03 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Mối lương duyên giữa Sergi Guardiola và Barcelona có lẽ là ngắn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Chỉ ít giờ sau khi ký kết hợp đồng, giấc mơ của ngôi sao trẻ đã chấm dứt, chỉ bởi những hành động bộc phát trên mạng xã hội Twitter.

Sau nhiều năm thi đấu tích lũy kinh nghiệm, ước mơ lớn nhất của Sergi Guardiola là được gia nhập Barca đã trở thành hiện thực. Hôm 28/12, Sergi chính thức ký hợp đồng với đội chủ sân Camp Nou và được xếp thi đấu trong màu áo Barca B.

Tuy nhiên, giấc mơ lớn trong cuộc đời của Sergi đã sụp đổ nhanh chóng sau đó. Nguyên do xuất phát từ những lời lẽ chống đối lại Barcelona trên Twitter cách đây 2 năm.

Trong dòng chia sẻ từ năm 2013 của Sergi có đoạn viết tán dương Real Madrid “Hala Madrid”. Thậm chí, Sergi còn dùng những từ ngữ văng tục để chửi rủa Barca và xứ Catalonia.

Sergi đã tỏ rõ sự hối lỗi khi mọi chuyện vỡ lở. “Tôi biết bản thân đã mắc sai lầm và muốn gửi lời xin lỗi đến xứ Catalonia cũng như Barcelona. Thành thực là tôi không hề biết về sự tồn tại của dòng trạng thái này. Một người bạn đã thừa nhận mượn điện thoại của tôi và thực hiện trò đùa này”.

Lý do Sergi đưa ra không được Barca chấp nhận. Lãnh đạo Barca cho rằng khó có thể để cho một cầu thủ như Sergi khoác lên mình màu áo của CLB. Chỉ ít giờ sau khi ký thỏa thuận, Barca đã quyết định hủy hợp đồng với Sergi.

Sergi Guardiola không phải là cầu thủ Tây Ban Nha đầu tiên bị đuổi việc vì những bình luận trên mạng xã hội. Hồi tháng 7, Julio Rey đã bị Deportivo La Coruna hủy hợp đồng khi phát hiện những bình luận nói xấu đội bóng tên Twitter từ năm 2012.

Câu chuyện buồn của Sergi và Julio nói trên đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho các cầu thủ khi tham gia vào mạng xã hội. Nên nhớ, cán cân quyền lực trên mạng xã hội trong bóng đá đã thay đổi.

Hãy cẩn thận, CLB đang theo dõi bạn!

Cách đây ít năm, cầu thủ là những người nắm “quyền lực” khi tham gia vào mạng xã hội. CLB thường bị lúng túng, khó xử trước những chỉ trích của cầu thủ - về trọng tài, đồng nghiệp, đối thủ - và thậm chí cả những lời văng tục cá nhân…

Cũng bởi vì các CLB chưa theo kịp sự phát triển của truyền thông xã hội. Trước đó, họ chưa gặp kênh thông tin truyền trực tiếp từ cầu thủ tới người hâm mộ mà không phải qua bất cứ khâu trung gian nào. Điều đó dẫn tới sự thiếu kiểm soát trong những năm đầu mạng xã hội bùng nổ.

Và hệ lụy là những bê bối liên quan tới mạng xã hội xuất hiện ngày một nhiều. Thống kê từ Premier League cho thấy kể từ năm 2011 tới nay, số tiền phạt đối với cầu thủ vi phạm quy định trên mạng xã hội đã lên tới gần 1 triệu bảng.

Tiền bạc là một phần, ảnh hưởng tới hình ảnh CLB còn lớn hơn. Không có CLB nào hoàn toàn có thể ngăn chặn các cầu thủ hoạt động trên Twitter nhưng họ đã bắt đầu đưa ra quy chế để kiểm soát vấn đề này. Phần mềm Social Pundit và  Player Alert ra đời, trở thành “phụ tá” đắc lực cho CLB trong việc kiểm soát hành vi của cầu thủ trên mạng xã hội.

Các CLB có thể theo dõi tweet của cầu thủ, của nhân viên, với cơ sở dữ liệu chứa hơn 3.000 từ “có vấn đề”. Chúng thường là những từ tục tĩu, tiếng lóng, tên trọng tài, đội bóng đối thủ. Khi một cầu thủ chia sẻ điều gì đó không đúng quy chuẩn, phần mềm này sẽ tiến hành phân tích và phân loại mức độ dựa theo bảng hiển thị màu gồm màu đỏ, màu hổ phách, màu xanh lá cây.

Phần mềm này không chỉ nằm ở trung tâm kỹ thuật của các CLB. Nó còn được cài đặt trong máy tính của các tuyển trạch viên trên toàn thế giới. Mục đích là để họ theo sát tình hình của cầu thủ CLB đang muốn mua về cũng như những rắc rối cầu thủ này gặp phải trên mạng xã hội. Sergi Guardiola là một trong những trường hợp như vậy.

Thời các cầu thủ gây khó cho CLB đã kết thúc. Bởi thế, hãy cẩn trọng với những chia sẻ trên mạng xã hội. Nó có thể hủy hoại tương lai của bạn bất cứ lúc nào.

Bảo Thư
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm