Phân biệt chủng tộc: Lukaku, Smalling và bìa báo gây phẫn nộ

25/12/2019 18:59 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/12, một cổ động viên của Chelsea đã bị bắt giữ vì hành vi phân biệt chủng tộc với tiền đạo Son Heung-min của Tottenham. Vụ bắt giữ được thực hiện chỉ chưa đầy 1 tuần trước khi khép lại 2019, một năm nhức nhối với bóng đá thế giới bởi liên tiếp những bê bối về kỳ thị chủng tộc.

Lịch thi đấu U23 châu Á 2020: VTV6, VTV5 trực tiếp bóng đá U23 Việt Nam

Lịch thi đấu U23 châu Á 2020: VTV6, VTV5 trực tiếp bóng đá U23 Việt Nam

Lịch thi đấu U23 châu Á 2020: VTV6, VTV5 trực tiếp bóng đá U23 Việt Nam. Lịch thi đấu giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2020. Lịch thi đấu bóng đá U23 Việt Nam.

Từ khán đài tới bìa báo

Kỳ thị chủng tộc chưa bao giờ là vấn đề mới mẻ với bóng đá thế giới. Hơn 8 năm về trước, một quả chuối được ném thẳng vào người Roberto Carlos khiến cựu danh thủ Brazil mạnh mẽ trên sân cỏ phải bật khóc khi bước vào trong phòng thay đồ, đã gây rùm beng thế giới về vấn nạn kỳ thị chủng tộc. Nhưng 8 năm sau, thế giới bóng đá dường như vẫn đứng yên một chỗ trong việc đối mặt với sự kỳ thị. Vấn nạn đó vẫn tồn tại và thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn, liên tiếp hơn trên các khán đài sân vận động. Trang Telegraph (Anh) liệt kê nhanh cũng có tới 15 sự cố đáng nhớ liên quan tới sự kỳ thị chủng tộc trong làng túc cầu năm 2019.

Tháng 8/2019, khi bóng đá thế giới đang trong giai đoạn khởi tranh mùa giải mới, các cầu thủ đã phải đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc. Tammy Abraham, sau khi sút hỏng quả phạt đền khiến Chelsea bại trận trước Liverpool trong trận tranh Siêu Cúp nước Anh, đã trở thành nạn nhân của kỳ thị chủng tộc. Bị la ó, chửi bới, kỳ thị trên sân chưa hết, Abraham hứng chịu những lời lẽ công kích độc ác nhắm vào màu da của anh cả trên mạng xã hội.

Năm ngày sau, ở giải đấu cao nhất Premier League của bóng đá xứ sương mù, ngôi sao Paul Pogba của MU là nạn nhân tiếp theo. Nguyên do vì Pogba đá hỏng quả phạt đền, bỏ lỡ cơ hội làm bàn mười mươi cho Quỷ đỏ. Để bảo vệ người đàn anh và đồng đội, Marcus Rashford lên tiếng: “Nếu các người tấn công anh ấy thì đồng nghĩa tấn công cả chúng tôi”. Rashford chẳng lường được sau tuyên bố đó, anh trở thành mục tiêu công kích tiếp theo của những kẻ quá khích.

Từ nước Anh cho tới nước Ý, kỳ thị chủng tộc là điều mà Romelu Lukaku cảm thấy không có sự khác biệt. Trong màu áo Inter Milan, Lukaku tiếp tục hứng chịu những gì anh từng trải qua khi thi đấu cho MU. Bức xúc, tiền đạo người Bỉ đã lên trang cá nhân để kêu gọi các tổ chức, các câu lạc bộ “hãy làm điều gì đó để ngăn chặn vấn nạn này”.

Chú thích ảnh
Ảnh bìa số báo gây phẫn nộ của tờ Corriere dello Sport (Ý)

Nhưng khi yêu cầu chưa nhận được phản hồi tích cực nào, Lukaku tiếp tục hứng chịu sự kỳ thị. Lần này, không phải là những CĐV quá khích, những kẻ gây rối mà là chính truyền thông nước Ý. Để phục vụ cho đại chiến Inter Milan- AS Roma tại Serie A, nhật báo Corriere dello Sport đã đưa hình ảnh Lukaku và Chris Smalling lên trang bìa. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Corriere dello Sport không minh họa cho hình ảnh này với tiêu đề “Black Friday”. Chữ “Black” được thiết kế nằm ngay giữa hình ảnh của 2 cầu thủ da màu. Bê bối “chơi chữ” của Corriere dello Sport xảy ra chẳng lâu sau vụ một chuyên gia bóng đá của Ý bị kênh truyền hình sa thải bởi phát ngôn “cách duy nhất để ngăn chặn Lukaku là cho anh ta ăn 10 quả chuối”.

Những biện pháp chưa tới

Với liên tiếp những sự cố như vậy, bóng đá thế giới đã phản ứng ra sao? Ông Sanjay Bhandari, Chủ tịch của tổ chức chống kỳ thị chủng tộc “Kick It Out” cho rằng mọi thứ được gói gọn trong chia sẻ của cựu danh thủ Stan Collymore trên trang cá nhân Twitter: “Một vòng tuần hoàn vô tận lặp đi lặp lại như thế này: Sự cố phân biệt chủng tộc, sự phẫn nộ, lên án, các cuộc tranh luận qua điện thoại, trên truyền hình, họp bàn, đổ lỗi, đưa ra các giải pháp đơn giản cho các vấn đề phức tạp – trước khi truyền thông chuyển sang đưa tin về sự cố gây phẫn nộ tiếp theo”.

Sự luẩn quẩn đó được thể hiện rõ nhất qua chiến dịch của Serie A. Để chống lại nạn kỳ thị nhằm vào cầu thủ da màu đang thi đấu tại giải, ban tổ chức Serie A đã chọn bức tranh là 3 khuôn mặt khỉ với 3 màu sắc khác nhau kèm dòng chữ “No To Racism” (đừng phân biệt chủng tộc), để làm áp phích cho chiến dịch. Sau khi bị 3 CLB hàng đầu là AC Milan, Inter Milan và AS Roma lên tiếng phản đối, Serie A vẫn đang trong quá trình họp bàn để tìm giải pháp khác.

Phản ứng yếu ớt của cơ quan quản lý hàng đầu khiến 20 CLB tại Serie A quyết định chung tay vào cuộc. Trong một bức thư được viết chung, 20 CLB cho biết sẽ có kế hoạch đưa ra chính sách chống phân biệt chủng tộc “toàn diện và mạnh mẽ”, kèm theo những hứa hẹn về những quy định mang tính “giáo dục” sẽ được đưa ra áp dụng. “Chúng tôi không thể lãng phí thời gian thêm nữa”, nội dung lá thư viết.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm