Những ngôi sao bóng đá bén duyên với chính trường

12/10/2014 11:37 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Với danh tiếng có được thời còn khoác quần đùi áo số, nhiều cầu thủ đã bén duyên chính trường sau khi treo giày. Nổi bật trong số đó có là Pele, Bebeto, Andrey Arshavin…

Bebeto

Cùng với Romario, Bebeto trúng cử vào Quóc hội Brazil năm 2019 với 30.000 phiếu bầu. Trong khi Romario đại diện cho đảng Xã hội thì Bebeto lại đại diện cho Đảng Lao động Dân chủ Brazil.

Không phản đối World Cup như Romario, Bebeto cùng Ronaldo đã tích cực chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn này với vai trò là thành viên của Ban tổ chức.

Pele

Năm 1995, Tổng thống Fernando Henrique Cardoso bổ nhiệm “Vua bóng đá” Pele làm Bộ trưởng Thể thao Brazil. Việc lớn mà Bộ trưởng Pele theo đuổi trong suốt 6 năm giữ ghế là biên soạn, đệ trình Tổng thống và bảo vệ cho bằng được một bộ luật, có tên là “Luật Pele”. Bộ luật này hướng đến mục tiêu cải tổ hoàn toàn làng bóng Brazil, dù rút cuộc vẫn chẳng ai biết luật ấy gồm những điều gì.

Andrey Arshavin

Cựu cầu thủ của Arsenal Arshavin từng suýt bén duyên với chính trị. Arshavin là thành viên của Đảng Nước Nga thống nhất (do Thủ tướng Putin lãnh đạo) và đã tham gia tranh cử ở St Petersburg năm 2007. Tuy nhiên, anh đã xin rút khỏi danh sách tranh cử trước một ngày khi cuộc bỏ phiếu phổ thông diễn ra.

Roman Pavlyuchenko

Năm 2008, Roman Pavlyuchenko đã giành được ghế trong Hội đồng thị trấn Stavropol (Nga). Dù không sinh ra tại Stavropol nhưng Pavlyuchenko vẫn có mối quan hệ mật thiết với mảnh đất này. Anh đã bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp với đội bóng Dynamo của thị trấn này trước khi chuyển sang Rotor Volgograd vào năm 2000.

George Weah

Mặc dù lớn lên trong khu ổ chuột ở thủ đô Monrovia của Liberia, George Weah – cầu thủ từng thi đấu cho AC Milan và Chelsea- đã có một sự nghiệp vĩ đại. Tại Liberia, Weah là người có tầm ảnh hưởng lớn với những hoạt động từ thiện và phát triển hình ảnh quê nhà. Năm 2005, được sự ủng hộ của người dân và Công Đảng Liberia (LNC), cựu danh thủ của Milan đã mạnh dạn tranh cử chức Tổng thống Liberia.

Kaj Leo Johannesen

Johannesen cũng là một điển hình cho thành công của cầu thủ khi chuyển từ bóng đá sang chính trường. Thủ tướng quần đảo Faroe đã có 15 năm chơi bóng (1986-2001) trong vai trò của một thủ môn.

Gianni Rivera

Ở sự nghiệp cầu thủ, Rivera được mệnh danh là “Cậu bé Vàng” của bóng đá Italy. Sau khi Silvio Berlusconi mua lại Rossoneri năm 1986, Rivera đã quyết định rời San Siro để tấn công sang lĩnh vực chính trị. Ông giữ một chức vụ quan trọng trong nghị viện Italy và sau đó trở thành Thứ trưởng bộ quốc phòng. Hiện Rivera vẫn đang là thành viên của nghị viện Châu Âu.

Eric Cantona

Đầu năm 2012, Eric Cantona gây xôn xao chính trường nước Pháp khi quyết định ra tranh cử Tổng thống. “King Eric” không hề giỡn chơi mà hiện thực hóa cho dự định của mình bằng một bức thư gửi tới các thị trưởng của những thành phố ở Pháp nhằm kêu gọi sự ủng hộ. Trong bức thư được đăng tải trên trang nhất tờ Liberation, Cantona nhấn mạnh, ông muốn chung tay giúp quê nhà thoát khỏi tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay.

K.Đ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm