Chuyện tàu xe trong bóng đá

23/02/2015 08:25 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn)- Đôi khi một thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” đổ vỡ chỉ bởi vì các cầu thủ sợ hãi chuyện phải ngồi xe đò đi thi đấu. Bài viết thú vị của cây bút Andy Mitten sẽ lý giải tại sao.

Tuần vừa rồi, tôi nói chuyện với một người đại diện cầu thủ nắm trong tay những tên tuổi hạng A, trong đó một đang được săn đón. Anh ta không còn trẻ, nhưng vẫn ở đẳng cấp thế giới và đủ khả năng chơi cho những đội bóng lớn nhất. Một lời mời từ Anh, một từ Tây Ban Nha và hai từ Mỹ. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng nước Mỹ là địa điểm lý tưởng cho các cầu thủ Anh vì có nhiều tương đồng. Những năm qua, cảm hứng đến từ David Beckham hay Thierry Henry, người sống vương giả trong một căn biệt thự ở Manhattan, là rất lớn.

Nhưng những gì tay “cò” cầu thủ nói khiến tôi bất ngờ. “Mỹ luôn là ưu tiên cuối cùng” - anh ta nói - “Việc di chuyển ở đó thật khủng khiếp. Các cầu thủ rất mệt mỏi vì họ thường phải đi các chuyến bay dân dụng thay vì chuyên cơ được thuê riêng. Các khách sạn không tệ nhưng thua xa tiêu chuẩn ở châu Âu. Tiền bạc cũng là vấn đề, khi lương của anh ta có thể cao hơn 20 lần so với đồng đội. Điều đó gây ra khó xử”.

Chuyện di chuyển giữa các sân đấu là một chủ đề lý thú. Gần đây tôi có phỏng vấn một số nhân vật từ Brazil, Ấn Độ, Iran và thấy rằng đó là một phần rất quan trọng trong bóng đá.

Càng rộng lớn, càng khó phát triển bóng đá?

Trong cuộc trò chuyện ở Brazil, Diego Forlan (tiền đạo người Uruguay) nói với tôi: “Đất nước này quá rộng lớn. Khi đá sân khách, chúng tôi phải đi máy bay, nhưng chỉ được lên các chuyến bay dân dụng như hàng ngàn người khác, và thường phải quá cảnh tại Sao Paulo. Cả đội cũng không ngồi cạnh nhau, nên có thể người ngồi cạnh tôi là một thợ điện hoặc một thương nhân. Vài người đã nói với tôi rằng tôi trông rất giống Diego Forlan. Không có ưu tiên nào cho cầu thủ như ở châu Âu, chúng tôi phải xếp hàng như bất cứ ai và mỗi chuyến bay thường mất đến 5 tiếng”.

“Tôi phải xa nhà quá nhiều” - Forlan tiếp tục - “Tôi nghĩ mình không ở nhà 200 ngày trong năm 2013. Đó là điều tai hại cho cuộc sống gia đình, nhất là với những người có con nhỏ. Một số đồng nghiệp của tôi nghĩ rằng họ thực sự là những cái máy biết chơi bóng đá”. 



Sự nghiệp sân cỏ của Diego Forlan là những chuyến bay quanh năm suốt tháng

“Chúng tôi phải đi xa quá nhiều là bởi ở Brazil, các cầu thủ phải tập trung ở khách sạn đêm trước trận đấu. Với những trận sân khách là hai đêm, và hai trận sân khách liên tiếp nghĩa là cả tuần tôi không về nhà. Cộng với những chuyến đi với đội tuyển Uruguay và anh sẽ thấy tôi liên tục bay trên trời”.

Ở Iran, di chuyển khi đi thi đấu là một trong những vấn đề lớn nhất đối với HLV Carlos Queiroz (BĐN) kể từ khi ông dẫn dắt đội tuyển quốc gia nước này năm 2011.

“Chúng tôi có khi phải đá ở Beirut vào thứ Bảy, ở Seoul vào thứ Ba kế tiếp và ở Tehran sau đó 5 ngày. Làm sao một đội bóng có thể thi đấu tốt khi các cầu thủ phải chờ nửa ngày ở sân bay để chuyển chuyến? Trong khi đó, nhiều đối thủ, ví dụ Qatar, được hưởng dịch vụ bay tốt nhất thế giới.”

Mệt nhoài vì di chuyển

Một trong những hãng hàng không Queiroz nói đến, Etihad, đã hợp tác tài trợ cho giải bóng đá Mỹ (MLS) hồi năm ngoái, nhưng chỉ với các chuyến bay quốc tế và giới cầu thủ MLS thực tế không được hưởng lợi gì khi di chuyển trong nội địa. Họ vẫn phải kéo va-li lên những chiếc máy bay dân dụng thông thường.



Real Madrid còn sở hữu cả máy bay riêng, trong khi mơ ước của hàng triệu cầu thủ chỉ là không phải vạ vật chờ đợi các chuyến bay dân dụng

Ở Ấn Độ, nơi ngôi sao người Italy Alex Del Piero chọn lựa cho niềm vui chơi bóng cuối sự nghiệp, có những đội bóng phải tốn cả ngày ròng mới đến được nơi thi đấu. Một đội phải đi xe bus 4 giờ đồng hồ qua dãy Himalaya mới đến được sân bay. Vài đội chủ nhà có lợi thế lớn khi chỉ phải tiếp đối thủ đã mệt nhoài vì di chuyển, dù chính họ cũng khổ sở với những chuyến làm khách. 

Đối mặt với thực tế đáng sợ ấy hay lựa chọn chơi bóng ở Anh, nơi mà chuyến đi sân khách xa nhất cũng chỉ tốn 2 giờ đồng hồ di chuyển trên những chuyên cơ sang trọng được thuê riêng? Câu trả lời rất dễ thấy.

Sir Alex Ferguson, khi còn dẫn dắt Man United, vẫn thường phàn nàn mỗi khi phải bay 4-5 giờ đến Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ cho những trận làm khách ở Champions League, cho rằng hành trình dài khiến các cầu thủ của ông bị ảnh hưởng, dù cứ khoảng 2 năm mới xảy ra điều đó một lần. Với phần lớn giới cầu thủ trên khắp hành tinh, một hành trình 4 giờ là chuyện thường ngày, nếu không muốn nói chỉ là một chuyến đi ngắn.

Đi được máy bay vẫn còn là hạnh phúc


Bergkamp từng bay khắp nước Mỹ trong thời gian thi đấu  World Cup 1994

Forlan hay Del Piero, vẫn còn “sướng” hơn nhiều so với Dennis Bergkamp, cựu danh thủ người Hà Lan. Bergkamp thậm chí không thể lên máy bay suốt 20 năm qua vì… sợ. Thông thường, anh phải di chuyển nhiều giờ đồng hồ mệt mỏi bằng xe lửa, xe hơi hoặc tàu thủy mỗi khi đi đá sân khách, trong khi các đồng đội chỉ mất vài chục phút ngồi máy bay.

Bergkamp sợ bay đến nỗi khi thỏa thuận hợp đồng để chuyển tới Arsenal năm 1995, anh ép đội bóng London phải chấp nhận không sử dụng anh cho các trận sân khách ở quá xa, nơi máy bay là phương tiện di chuyển duy nhất.

Thực ra, Bergkamp không sợ bay cho đến năm 1994. Trong cuốn tự truyện “Stillness and Speed”, anh viết rằng những chuyến bay khắp nước Mỹ ở World Cup 1994 đã khiến anh bị ám ảnh cực điểm và kể từ đó, anh quyết định tẩy chay hàng không. “Tôi có cảm giác tồi tệ khi nhìn thời tiết qua cửa sổ máy bay. Đôi khi tôi lo lắng cho chuyến bay trở về khi vẫn đang đá trên sân. Giống như địa ngục vậy” - Bergkamp viết - “Tôi từng bay vô số lần trước đó, trên cả máy bay lớn, nhỏ và rất nhỏ. Khi còn chơi cho Ajax, tôi đã một lần bay qua núi lửa Etna ở Italy trên một chiếc máy bay tí xíu và bị rơi vào túi khí xoáy. Đó là trải nghiệm nhớ đời và tôi thề sẽ không bao giờ bay nữa. Không bao giờ”.

Khang Minh (dịch)
Thể thao & Văn hóa Xuân 2015

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm