Thể Công khủng hoảng: Hướng tới Triều Tiên

28/07/2009 13:30 GMT+7 | V-League

* Ông Hải đã từng xin từ chức

(TT&VH) - Khi tốp 3 và tốp 5 nằm ngoài tầm với thì Thể Công bây giờ có lẽ tính tới một cuộc tái thiết cho mùa 2010. Trong kế hoạch ấy, hình như không có ông Lê Thụy Hải.

Hôm Thể Công mừng công thăng hạng Nhất của đội bóng U19 mang tên trung tâm đào tạo bóng đá Viettel, Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Anh Xuân đã để ngỏ một phương án, rằng Thể Công sẽ đi theo hướng của Triều Tiên.

Với một nền bóng đá mà đội tuyển quốc gia của họ vừa mới lọt vào VCK World Cup 2010 thì rõ ràng họ cũng rất đáng để học tập. Đó là phân tích của ông Hoàng Anh Xuân.

Ý định này trước hết được tính toán cho công tác đào tạo trẻ, nhưng cũng không loại trừ nó được ngắm nghía cho cả Thể Công đang chơi ở V-League. Bởi như người của Viettel thừa nhận thì những gì đội bóng đã và đang có hoàn toàn không tương xứng với sự đầu tư và cả sự kỳ vọng.

Đã từ khá lâu rồi không còn thấy người của Viettel có mặt ở Hàng Đẫy xem Thể Công. Trận thua Thanh Hóa 2-4 chỉ có một mình Giám đốc Hồ Tri Liêm ngồi trên khu VIP và ông như chôn chặt xuống ghế tới cả chục phút khi trận đấu đã kết thúc.

Thể Công dưới thời của HLV Lê Thụy Hải chỉ tạm được ở một số trận đấu và đáng kể nhất ở chuỗi 4 trận thắng liên tiếp hồi tháng 6, rồi sau đó còn bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng hơn cả so với người tiền nhiệm Vương Tiến Dũng.

Ông Hải "lơ" đã từng xin từ chức!

Sau trận thua Thanh Hóa, ông Hải đã nói với lãnh đạo Thể Công, rằng hãy cho tôi nghỉ. Ông muốn được nghỉ ngay chứ không trụ lại cho tới hết mùa giải. Nhưng ít nhất cho tới thời điểm này, khi Thể Công chuẩn bị cho trận bán kết Cúp QG với Sông Lam chiều thứ 4, 29-7 thì ông Hải vẫn là HLV trưởng ở Thể Công. Có lẽ, sẽ không có một cuộc chia tay trước mùa giải.
 
HLV Lê Thụy Hải đã xin từ chức nhưng không được chấp thuận
 
Có điều, việc ông Hải xin từ chức sau 2 trận thua và có tới 99% ông sẽ không dẫn dắt Thể Công ở mùa giải tới là một điều khá ngạc nhiên nếu so với những gì đã xảy ra trước đó.

Ông Hải từng lên kế hoạch rất sớm cho mùa giải 2010, như việc dọn đại bản doanh khỏi Nhổn để về phố ở, sẵn sàng thực hiện cuộc cách mạng về ăn nghỉ xóa bỏ chế độ ở tập trung, và đặc biệt là lên một kế hoạch mua sắm rầm rộ cho mùa sau. Ông định đưa về các học trò cũ ở các CLB ông từng đi qua như Philani (Bình Dương), Hải Lâm (Đà Nẵng, từng là học trò khi ở tuyển), rồi 4 cầu thủ ngoại ông tự tay tuyển chọn cách nay gần 3 tháng cũng được ký hợp đồng 1,5 năm.

Điều gì đã xảy ra ngoài những trận thua, ngoài những kết quả suốt từ vòng 12 mùa này, tính từ thời điểm ông bắt đầu lên thay?

Sự thật là các mối quan hệ của ông Hải ở Thể Công đã không còn phẳng phiu nữa. Trước trận Thanh Hóa đã có một cuộc nói chuyện to hơn mức bình thường giữa ông Hải với Giám đốc Hồ Tri Liêm. Phong cách và tính cách của ông Hải cũng không phù hợp với Thể Công, nơi các cầu thủ vốn quen với cách ứng xử chuẩn mực.

Có phải là sự đầu hàng?

Ông Hải đến và chấp nhận lời mời của Thể Công để bắt đầu một cuộc khám phá. Nếu nói về góc độ chuyên môn thì điều ông rút tỉa được là ông không thể đưa Thể Công trở lại với thời hoàng kim của nó (thời 1998).

Hơn một lần ông bảo với những gì hiện có thì Thể Công không thể vô địch. Đúng, chỉ riêng việc Thể Công không có một chân sút ngoại đẳng cấp đã khiến họ không thể xếp ngang hàng với các ứng viên vô địch khác. Nhưng Thể Công không phải là đội bóng chỉ gồm toàn những cầu thủ nội học việc. Tiềm năng con người và cả sự sẵn sàng đầu tư không giới hạn ở đấy vẫn có thể làm được những điều kỳ diệu. Dĩ nhiên, nó không chất lượng tới mức các HLV chỉ cần quản được quân là dễ dàng vô địch như Bình Dương 2007-2008.

Có lẽ ông Hải không phải là người Thể Công cần. Và Thể Công cũng không phải là đội bóng ông muốn nữa. Thể Công cần một người tầm cỡ như Calisto. Và ông Hải cần một tập thể như Bình Dương để thi thố khả năng.
 
Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm