“Thầy phong thủy” đòi 12 tỷ đô thừa kế

12/01/2011 16:14 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Thầy phong thủy Trần Chấn Thông ở Hong Kong (Trung Quốc) lại vừa đâm đơn chống lại phán quyết của tòa án. Đó là phán quyết không công nhận ông ta là người thừa kế tài sản của bà Nina Wang, nữ tỉ phú giàu nhất châu Á đã quá cố. Lá đơn này đã châm ngòi lại cuộc chiến giành di sản trị giá 12 tỷ USD đã kéo dài nhiều năm qua.

Tháng 2 năm ngoái, thẩm phán Johnson Lâm thuộc tòa Thượng thẩm Hong Kong đã không công nhận thầy phong thủy Trần Chấn Thông  (Tony Chan) là người thừa kế di sản “tỉ đô” của bà Vương Như Tâm (Nina Wang). Lý do của ông Lâm là ông Trần đã làm giả bản di chúc soạn thảo hồi năm 2006 của bà Vương. Quyết định của tòa án không những tước đi gia sản khổng lồ mà còn khiến ông Trần bị cảnh sát bắt giữ vì tội giả mạo giấy tờ và chữ ký.

Thẩm phán đã sai lầm?

Hôm 10/1, ông Trần đã đâm đơn yêu cầu tòa Phúc thẩm Hong Kong đảo ngược quyết định và khẳng định đã nắm các chứng cứ mới để cho thấy ông đúng là người được thừa kế di sản.

Luật sư của ông Trần là Ian Mill đã bắt đầu phiên xử bằng những việc nói rằng thẩm phán Lâm đã hiểu sai nhiều chứng cứ chủ chốt, bao gồm lời khai của một chuyên gia nhận dạng chữ viết - người đã tuyên bố di chúc của ông Trần đưa ra là giả mạo. "Thẩm phán đã có những sai lầm cơ bản trong cách tiếp cận và đánh giá chứng cứ” - Mill nói - “Ông ấy đã sai lầm khi tuyên bố có đủ chứng cứ để nói rằng di chúc đã bị làm giả”.

Thầy phong thủy Trần Chấn Thông cười tươi bên cạnh một luật sư bào chữa
Mill cũng cho rằng thẩm phán có thể "không chấp nhận" mối quan hệ bí mật của Trần với tỉ phú Vương và điều này đã gây ảnh hưởng tới khả năng ra phán quyết một cách công bằng. Đội bào chữa đã đưa ra một đoạn video có tiếng Trần đang khúc khích cười lúc quay phim bà Vương tạo dáng cạnh một chiếc xe. Đoạn video này được quay khi Trần dạy Vương cách lái xe và nó cho thấy đôi bên có cử chỉ khá gần gũi.

“Việc xem xét tính chất tự nhiên trong mối quan hệ của hai người là rất quan trọng” – Mill nói – “Họ đã có mối quan hệ thân mật kéo dài. Ông ấy là người tình của bà ấy, cá nhân được bà tin tưởng. Họ gọi nhau bằng những biệt danh thân mật và đối xử với nhau như vợ-chồng. Rõ ràng là thẩm phán đã không chấp nhận mối quan hệ này và thái độ đó của ông đã ảnh hưởng tới phán quyết cuối cùng” - Mill nói.  

Viên luật sư này cũng tuyên bố rằng Trần sẽ không bao giờ giả mạo chữ ký của Vương bởi việc đó có thể sẽ là “một sự mạo hiểm” đối với cuộc sống của bản thân và gia đình ông. Ông chỉ ra rằng Trần không có đủ “kỹ năng thư pháp” cần thiết để tạo nên một chữ ký giả tinh vi như trong bản di chúc 2006.

Một kịch bản đang lặp lại

Những diễn biến trong vụ kiện của Trần và gia đình bà Vương đã khiến người ta nhớ lại một cuộc chiến tương tự diễn ra giữa bà và bố chồng.

Bà Vương từng là một trong những phụ nữ giàu nhất châu Á, nhờ gia sản khổng lồ của người chồng Vương Đức Huy để lại. Ông Vương xây dựng tập đoàn Chinachem, chủ yếu kinh doanh bất động sản, nhưng sự giàu có mang lại rắc rối cho ông. Ông Vương bị bắt cóc năm 1983 và được trả tự do sau khi gia đình bỏ ra 33 triệu USD tiền chuộc. Khi ông bị bắt cóc lần thứ hai vào năm 1990, bọn bắt cóc yêu cầu gia đình trả 60 triệu USD. Mặc dù bà Vương đã trả 34 triệu USD nhưng người chồng không bao giờ trở về nữa. Một số kẻ bắt cóc Vương Đức Huy sau này sa lưới pháp luật khai rằng chúng đã giết và ném xác ông xuống biển.

Nữ tỷ phú Vương Như Tâm, người đã để lại khối tài sản khổng lồ và một cuộc chiến giành quyền thừa kế chưa phân thắng bại

Ông Vương được coi là đã chết khoảng 9 năm sau khi mất tích. Tiếp quản Chinachem, bà Vương đẩy mạnh hoạt động và biến nó thành một tập đoàn bất động sản lớn. Tuy nhiên bà lại rơi vào cuộc chiến pháp lý để giành quyền thừa kế với cha chồng. Ông này cáo buộc bà Vương ngoại tình và công bố những bức ảnh chụp bà cùng người tình.

Cuộc chiến pháp lý kéo dài của gia đình này xuất hiện trên trang nhất của báo chí Hong Kong trong một thời gian dài bởi nó chứa nhiều tình tiết ly kỳ như bắt cóc, giết người, tình dục và tiền bạc. Bố chồng tố cáo bà Vương đã giả mạo chữ ký chồng trong bản di chúc cuối cùng, làm ngay trước khi ông bị bắt cóc. Tòa án ban đầu nghiêng về phía bố chồng bà Vương và cơ quan cảnh sát đã bắt giữ bà ta. Nhưng năm 2005, Tòa án tối cao Hong Kong đã bác bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới và khẳng định bản di chúc là thật. Tòa đã trao lại quyền kiểm soát Chinachem cho bà Vương.

Chưa thấy hồi kết

Năm 1992, Trần được bà Vương thuê để tìm chồng bằng các kỹ năng phong thủy. Ông ta cũng giúp "trấn yểm" cho các công trình thuộc sở hữu của Chinachem. Đôi bên đã nảy sinh tình cảm trong quá trình cộng tác. Trần khai trước tòa hồi năm ngoái rằng ông ta và bà Vương đã có quan hệ xác thịt chỉ một tháng sau khi họ gặp nhau.

Trong vòng 7 năm, Vương đã "đắp vàng" vào người Trần, với số tiền dùng để cung phụng ông này lên tới 2,1 tỷ HKD (219 triệu USD). Nhưng luật sư của Trần nói rằng khoản tiền này chỉ là bước "chuẩn bị" để ông ta tiếp quản gia sản của nữ tỷ phú. Năm 2007, bà Vương qua đời vì căn bệnh ung thư. Ngay sau đó gia đình bà Vương đã đưa ra một bản di chúc nói rằng bà sẽ để lại toàn bộ tài sản cho quỹ tín thác thiện nguyện Chinachem Charitable Foundation (CCF). Trần thì đưa ra bản di chúc hồi năm 2006, nói rằng ông ta mới là người thừa kế di sản duy nhất. Đây được xem là cuộc chiến giành tiền thừa kế lớn nhất thế giới do khối tài sản này có giá tới 12 tỷ USD.

Trần đã không xuất hiện trong phiên xử đầu tiên. Ông này đã bị bắt vì tội làm giả di chúc và đã được trả tự do nhờ đóng tiền tại ngoại lên tới 643.000 USD.

Theo kế hoạch, một ủy ban xét xử gồm 3 thẩm phán của Tòa phúc thẩm Hong Kong sẽ xem xét vụ kiện mới trong vòng 10 ngày tới. Chưa biết màn kịch này sẽ kéo dài tới khi nào bởi theo giới phân tích, cho dù bên nào giành chiến thắng trước tòa án, bên kia chắc chắn sẽ đâm đơn kháng án.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm