18/12/2008 09:00 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Sau Đối thoại với Trương Nghệ Mưu, Đối thoại với Củng Lợi cuốn sách thứ 3 của tác giả Lý Nhĩ Uy Đối thoại với Trần Khải Ca lại tiếp tục được dịch giả Nguyễn Lệ Chi cho ra mắt bạn đọc Việt Nam (NXB Văn học, 2008).
Chị còn là người dịch hàng loạt các tác sách về điện ảnh khác. TT&VH đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
* Cuốn sách “Đối thoại với Trần Khải Ca” của chị tuy chưa xuất hiện trên thị trường sách nước ta, nhưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Lý do nào khiến chị lựa chọn để dịch cuốn sách này? Sau đối thoại với Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi và Trần Khải Ca, chị định sẽ tiếp tục giúp đọc giả đối thoại với những ai khác nữa?
- Tôi lựa chọn dịch cuốn sách này vì mong muốn bạn đọc hiểu thêm về con người và tác phẩm của một trong những đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng thế giới – Trần Khải Ca. Sau tác phẩm này, tôi dự định “Đối thoại” với 1 số đạo diễn, diễn viên nổi tiếng khác của giới giải trí Hoa ngữ như đạo diễn Hồng Kông Vương Gia Vệ, Trương Mạn Ngọc… Trong nước thì hiện nay tôi đang soạn cuốn sách Đối thoại với đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tuy nhiên những cuốn sách này đòi hỏi mất khá nhiều thời gian chuẩn bị.
* Chị tâm đắc với điều gì qua các cuộc “đối thoại” đó?
- Tôi thích một câu nói của đạo diễn Trần Khải ca trong cuốn sách này là “Đặc tính của điện ảnh quyết định mọi người phải cùng tập trung trong bóng tối và cùng chia sẻ một giấc mơ. Một việc hay như vậy, sao chúng ta lại không làm?” Trong sách có khá nhiều đoạn trao đổi giữa đạo diễn Trần Khải Ca và tác giả Lý Nhĩ Uy khá thú vị, đáng để độc giả phải suy ngẫm.
* Từ góc độ người dịch sách về điện ảnh, chị đánh giá thế nào về những người làm điện ảnh Việt Nam hiện nay?
- Trước hết, tôi dịch sách về điện ảnh xuất phát từ tình yêu với điện ảnh, về những mơ ước chưa thực hiện được đối với nó. Gia đình tôi cũng làm việc trong ngành điện ảnh nhiều năm nên tôi hiểu khá rõ về thực trạng trong ngành. Không đủ giáo trình, không đủ tài liệu để nghiên cứu và tìm hiểu về một ngành nghề mà mình yêu thích là một nỗi đau đối với những người yêu thích và muốn tìm hiểu sâu về ngành này. Đó là một hạn chế rất lớn đối với các sinh viên điện ảnh nói riêng và với giới chuyên ngành điện ảnh nói chung. Được đào tạo và làm việc trong một môi trường thiếu thốn như vậy tất sẽ có nguy cơ thiếu hụt về kiến thức chuyên môn hoặc không update kịp thời với nhịp bước trong ngành điện ảnh so với các nước khác.
* Những bạn trẻ yêu thích điện ảnh sẽ học được gì trong những tác phẩm mà chị tâm huyết?
- Những cuốn sách điện ảnh của tôi dịch vẫn chưa nhiều, tuy nhiên tôi cũng mong mỏi các bạn trẻ yêu điện ảnh rút ra được những kiến thức cơ bản nhất về từng chuyên ngành trong lĩnh vực điện ảnh mà các bạn quan tâm. Dẫu không phải ai cũng đam mê đeo đuổi nó làm nghề, nhưng một khi hiểu rõ hơn về nó, các bạn sẽ có cảm nhận khác hẳn khi xem phim. Cái nhìn của các bạn lúc đó sẽ thông cảm và chia sẻ hơn với các nhà làm phim. Khi nhìn từng cảnh quay, bạn sẽ biết được cảnh quay này được thực hiện như thế này, di chuyển từ đâu tới đâu… Ngoài ra, các bạn sẽ biết thêm những khó khăn, vất vả, công đoạn, kĩ thuật… của một đoàn phim khi hoàn thành một bộ phim ra sao.
* Hình như ngoài sách văn học Trung Quốc, chị chỉ dịch sách về điện ảnh?
- Vì tôi thích phim ảnh và các câu chuyện, những lúc buồn có thể trốn mình vào đó. Nếu dịch các thể loại khác, tôi không biết trốn mình vào đâu. Sách điện ảnh là sách ngành dọc, đòi hỏi phải có vốn từ vựng chuyên ngành nên khá khó khăn nếu dịch giả nào không am hiểu về điện ảnh. Mặt khác tiền dịch sách điện ảnh không nhiều, thậm chí không NXB nào buồn đặt dịch loại sách này vì số lượng độc giả rất hạn hẹp, khó thu hồi vốn. Vì vậy không dịch giả nào chọn dịch sách điện ảnh cũng là điều dễ hiểu. Vả lại cũng có thể họ không yêu thích điện ảnh tới mức chấp nhận vứt 5,6 tháng vào một cuốn sách để rồi không biết nó có được in hay không.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và nhà văn Tô Hoài |
Là người Việt Nam đầu tiên được vinh dự theo học chuyên ngành Đạo Diễn tại Học Viện Điện Ảnh Bắc Kinh (2001-2004), tôi rất muốn truyền tải lại những kiến thức điện ảnh phong phú ở nước bạn cho lớp bạn trẻ Việt Nam qua công cụ tiện dụng nhất là sách.
* Tốt nghiệp cử nhân Ngoại Ngữ và Ngoại giao, làm phóng viên điện ảnh, rồi học đạo diễn, làm tổ chức sản xuất phim TH và các dịch vụ về phim ảnh. Làm sách, làm báo, rồi lại quay về làm sách, tại sao vậy?
- Tại tôi không yên phận, luôn luôn thích thay đổi và những gì mới mẻ. Tôi không chịu đựng được chỉ làm một công việc lặp đi lặp lại đơn điệu trong một khoảng thời gian dài. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình không được “sống”, nhàm chán và cũ kĩ. Trước khi mới ra trường, bố tôi lúc đó đang làm biên tập sách ở NXB Thế giới cũng muốn tôi về làm sách nhưng tôi nhất định không chịu. Thật không ngờ đi loanh quanh hồi lâu lại quay về với sách. Có lẽ đó cũng là duyên nợ.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, tuổi Thìn.
Đã dịch các sách về điện ảnh như: Nghiên cứu tâm lý diễn xuất điện ảnh (tác giả Tề Thổ Long, Viện phim Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin 2004), Đối thoại với Trương Nghệ Mưu (tác giả Lý Nhĩ Uy, NXB Trẻ, 2004), Đối thoại với Củng Lợi (tác giả Lý Nhĩ Uy, NXB Trẻ, 2004),Nghệ thuật quay phim điện ảnh (tác giả Dương Quang Viễn, Hội điện ảnh VN,2004),Kim chỉ nam giải quyết những vấn đề khó cho biên kịch điện ảnh (tác giả Syd Field, Viện phim Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin 2005), Đối thoại với Trần Khải Ca (tác giả Lý Nhĩ Uy, NXB Văn học, 2008)
Sắp xuất bản: Bầu trời của Nhà thiết kế mỹ thuật điện ảnh (tác giả Đông Tiến Sinh), Bài học cho đạo diễn (tác giả David Mamet), Thiết kế mỹ thuật điện ảnh (tác giả Châu Thừa Nhân), Cơ sở ứng dụng của đạo diễn truyền hình (tác giả Thiệu Trường Ba). |
Thành Trung (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất