Trung thu vùng tâm chấn

28/09/2012 14:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Trung thu, nhiều trẻ em trên khắp cả nước đều xúng xính quần áo mới, đồ chơi đẹp, bánh kẹo đắt tiền,... Nhưng đó là điều mà trẻ em vùng tâm chấn Bắc Trà My (Quảng Nam) không dám nghĩ tới. Nhưng dù nơm nớp sợ hãi trong hoàn cảnh động đất liên tiếp xảy ra, các em vẫn thầm mong mỏi một tết Trung thu nho nhỏ.

Tranh thủ đón Trung thu

Chúng tôi có mặt tại xã Trà Đốc - 1 trong 4 xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất của động đất, để cùng vui Trung thu với các em nhỏ. Giữa sân trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (điểm trường thôn 1), trên nét mặt còn vương nỗi sợ hãi, hơn 150 học sinh vẫn đang háo hức tham gia hương trình văn nghệ “Trung thu rằm yêu thương”. Những nụ cười tươi rói, những đôi mắt long lanh theo dõi các bạn mình múa lân, cô giáo hóa thân thành chú Cuội. Các em dường như không biết trên đầu mưa đã nặng hạt, không một em nào rời chỗ ngồi tránh mưa.


Các em mẫu giáo tưng bừng phá cỗ

Cô Kim Yến giả làm chú Cuội hỏi học trò: “Các em ơi! Dạo này ở Trà Đốc chúng ta có động đất, các em có sợ không?”Hơn 150 tiếng hô đồng thanh “Có ạ!” như tiếng xé ruột người nghe. Chú Cuội nhanh chóng an ủi các em: “Các em đừng sợ nhé. Các em cứ ngoan ngoãn, chăm học thì Cuội sẽ về tâu với Ngọc Hoàng không làm động đất nữa”. Ấy vậy mà, những đứa trẻ ngây thơ ấy tin, chúng tự hứa với lòng mình phải ngoan và học giỏi thì sẽ không có động đất nữa.

Nghe nói con mình được đón Trung thu với múa lân, đèn ông sao, phá cỗ, anh Hồ Văn Lin- bố em Hồ Thị Huyền (lớp 1) ngậm ngùi: “Trung thu mà gia đình không có điều kiện mua gì cho con. Nhà trường tổ chức thế này, con gái và tôi vui lắm”.

Buổi lễ Trung thu ở trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai diễn ra chóng vánh chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ nhưng các em học sinh, phụ huynh và các thầy cô đã phải nỗ lực rất nhiều. Trong lòng, ai cũng tự biết phải tranh thủ tổ chức cho tụi nhỏ, lỡ có động đất thì năm nay các em lại không có Trung thu.

Sau động đát, những đứa trẻ yêu thương nhau hơn

Tại trường mẫu giáo Hoa Phượng (điểm thôn 1, xã Trà Đốc), chừng 45 em nhỏ đang quay quần bên mâm cỗ Trung thu giản đơn. Mâm cỗ chỉ có mấy gói bim bim lèo tèo, vài ba trái cây trong vườn và mấy thứ bánh kẹo rẻ tiền. Thế mà 45 đôi mắt ngây thơ vừa theo dõi cô giáo và các bạn diễn văn nghệ, vừa không chịu rời mắt khỏi mâm cỗ. Xong màn văn nghệ múa hát, sau rụt rè ban đầu, các em vui sướng ào lên phá cỗ. Chỉ 1 mâm cỗ Trung thu đơn sơ không đủ chia đều cho tất cả, nhưng những đứa trẻ nơi đây hình như biết yêu thương nhau nhiều hơn sau những trận động đất. Chúng không tranh giành cho riêng mình mà biết cách chia sẻ từng viên kẹo với bạn. Nhìn chúng ôm nhau nhảy múa quanh mâm cỗ rồi cười vang khiến chúng tôi cũng vui lây.

Cô giáo Trần Thị Thu Thúy - Hiệu trưởng trường Hoa Phượng bỗng vui như một đứa trẻ: “Nhìn các em thế này, chúng tôi thấy lòng bình yên hơn sau những rúng động vì động đất. Xã Trà Đốc có 5 điểm trường mẫu giáo ở  5 thôn với 13 lớp. Dù mỗi điểm trường nằm lẻ tẻ trên nhiều địa bàn hiểm trở nhưng chúng tôi vẫn tổ chức Trung thu ở tất cả mọi điểm. Tuy kinh phí cho các em không nhiều nhưng với trẻ em nơi đây, được đón Trung thu trong hoàn cảnh động đất nguy hiểm thế này là vui lắm rồi”.

Khi được hỏi, cô bé tên Ly mới 2 tuổi, rụt rè: “Con không biết đèn ông sao. Con thích có bánh kẹo lắm”. Khoác trên thân hình gầy gò chiếc áo rộng thùng thình đen nhẻm, bé Như (3 tuổi) mạnh dạn hơn: “Con thích có đèn ông sao lắm, nhà con không có. Con thích có cả bánh kẹo để cho các bạn nữa”.

Trong buổi tổ chức Trung thu tại trường mẫu giáo Hoa phượng, chị Hồ Thị Lan (thôn 1, Trà Đốc) rưng rưng nước mắt: “Động đất khiến gia đình tôi mất ăn mất ngủ mà quên cả Trung thu cho con. Nhà tôi có 3 đứa: 2 đứa lớn học tiểu học, 1 đứa này học mẫu giáo. Tụi nhỏ buồn lắm nhưng thương bố mẹ nên không dám nói. Nhờ có huyện và nhà trường, các con tôi mới được đón Trung thu đầy đủ thế này”. Khác với chị Lan, anh Hồ Duy Thuyên (thôn 1, Trà Đốc) - bố em Hồ Văn Kiều (2 tuổi) chia sẻ: “Nhà mình có mỗi cháu Kiều nên Trung thu cũng mua được hộp bánh và đôi dép cho nó. Nhiều hôm động đất, con khóc thét, mình xót lắm. Hôm nay thấy nó vui ở đây, mình cũng an ủi phần nào”.

Trung thu không kém phần tưng bừng

Là một huyện miền núi nghèo của Quảng Nam, Bắc Trà My lại càng xơ xác hơn sau nhiều trận động đất. Vì thế, nếu như ở nhiều nơi khác, Trung thu rộn rịp trước cả tháng trời  thì nơi đây không khí Trung thu mới vừa len lỏi được một ngày. Để các em nhỏ vùng tâm chấn được đón tết Trung thu, UBND huyện Bắc Trà My đã hỗ trợ 17,5 triệu đồng về 14 trường học trên 4 xã. Chủ tịch UBND huyện - ông Đặng Phong, và lãnh đạo huyện trực tiếp đến các trường học tặng quà và trấn an giáo viên, học sinh, phụ huynh.


Con lân đang hứng khởi lấy bao lì xì trên cây

Đến chung vui với hơn 225 học sinh trường THCS Lê Hồng Phong (Trà Đốc), bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Phó chủ tịch UBND huyện nói: “Vượt lên hoàn cảnh khó khăn này, giáo viên và học sinh trường THCS Lê Hồng tổ chức được Trung thu như thế này, thực sự là rất nỗ lực. Nhìn tụi nhỏ vui, tôi cũng không khỏi vui mừng”. Cô Đào Thị Hàv - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Tổng chi phí tổ chức Trung thu năm nay cho các em chỉ từ 2,5 - 3 triệu. Nhưng cả cô và trò đều cố gắng tận dụng những gì có sẵn để làm lân, làm mâm cỗ Trung thu. Để an ủi các em, chúng tôi nghĩ thêm ra trò phá cỗ, chỉ với cây nhà lá vườn thôi”.

Em Hồ Thị Liên, học sinh lớp 8, mặt mũi còn nhễ nhại mồ hôi sau vai trò ông Địa nói: “Lớp em chuẩn bị từ cả tuần trước. Dù đêm có động đất, không ngủ được nhưng sáng ra cả lớp vẫn vui vẻ bàn kế hoạch sao cho đạt giải cao cuộc thi múa lân hôm nay. Em và các bạn vui lắm”. Lớp giành giải nhất thi múa lân, em Hồ Văn Trung chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu muốn lấy được phong bao lỳ xì trên cây thì con lân phải có hai bạn, một người nhỏ hơn để người lớn hơn cõng lên lấy. Phong bao càng ở trên cao thì lấy mới thích thú”.

Cô giáo Mai đang quây quần với lớp mình nói: “Đồ nghề múa lân và chơi Trung thu, chúng tôi mua từ mấy năm trước nhưng phải bảo quản kĩ càng dùng cho nhiều lần. Không có đồ mới nhưng sau mỗi giờ học, cả cô và trò đều tranh thủ tập múa lân, tập văn nghệ. Không khí vui lắm, như hồi mình còn bằng tuổi mấy em học sinh này vậy”.

Trung thu nơi vùng tâm chấn được tổ chức sớm hơn ngày 14-15/8 âm lịch, có bánh kẹo, có đèn ông sao, có chú Cuội và chị Hằng nhưng sao chúng tôi vẫn thấy thiều thiếu gì đó. Nhưng dù thế nào đi nữa, các em nhỏ vung tâm chấn động đất Bắc Trà My cũng đã có một Trung thu vui vẻ bằng cả sự nỗ lực của thầy cô, cha mẹ,UBND xã, UBND huyện và quan trọng hơn là sự nỗ lực của chính các em. Đêm Trung thu, khi trẻ em cả nước đang rước đèn, phá cỗ vui vẻ thì trẻ em nơi đây cũng có thể đang phải ôm lấy cha mẹ vì những trận động đất.

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm