Tê giác ở Việt Nam: Con đường diệt vong

25/04/2009 11:34 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau đúng 10 năm những bức ảnh tê giác ở rừng Cát Lộc (Vườn Quốc gia Cát Tiên - VQGCT) được các chuyên gia bảo vệ môi trường và động vật hoang dã thế giới chụp bằng phương pháp “camera trapping” công bố gây chấn động giới nghiên cứu bảo tồn thế giới, chúng tôi có chuyến hành trình trở lại rừng tê giác.

Những nguy cơ đang đe dọa khu bảo tồn quan trọng bậc nhất Việt Nam cho thấy, ngày tuyệt chủng của những  loài động vật đặc biệt nguy cấp hình như đã đến rất gần.

Không sinh sản được vì stress!

Tôi chọn con đường tiếp cận khu bảo tồn này bằng cách dùng thuyền độc mộc ngược sông Đồng Nai. Hai cán bộ kiểm lâm trạm bảo vệ rừng Đạ Cộ nằm giữa vùng lõi VQGCT và một cán bộ kiểm lâm cơ động của vườn tình nguyện giúp nhà báo mục kích tình trạng khai thác cát đang “đại náo” thượng nguồn sông Đồng Nai. Hơn 15km từ trạm Đạ Cộ vượt thác nhỏ An Nhơn, lòng sông như một công trường, nước đục ngầu, hai bên bờ sông nhiều cây gỗ quý bị sạt lở rơi xuống nước đã bị lâm tặc nhanh chóng cưa sát gốc. Lòng sông biến dạng và tính nguyên vẹn đa dạng sinh học ở khu dự trữ sinh quyển thế giới quan trọng nhất Việt Nam đang bị đe dọa từng ngày.

Những bức ảnh tê giác gây chấn động giới bảo vệ động vật hoang dã thế giới


Nhưng thực trạng đang diễn ra trước ống kính cũng mới chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng loạt nguy cấp đang đe dọa rừng tê giác. Trong câu chuyện với thạc sĩ Phạm Hữu Khánh – Phó Giám đốc VQGCT, chúng tôi nhiều lần nghe anh nhắc đến sự nguy cấp, đến “con đường tuyệt chủng rất gần” của loài vật có lịch sử tồn tại đã gần 60 triệu năm trên trái đất. Ở thời kỳ băng hà lục địa châu Âu, châu Á loài tê giác cổ đại có lông đã từng xuất hiện nhưng rồi đã nhanh chóng bị tuyệt chủng. Hậu duệ của chúng gồm 5 phân loài: tê giác trắng và tê giác đen châu Phi; châu Á có tới 3 loài:  tê giác một sừng lớn, tê giác một sừng nhỏ và tê giác hai sừng. Tất cả các loài tê giác đều thuộc nhóm động vật quý hiếm và đang bị đe dọa, đặc biệt là loài tê giác một sừng nhỏ, trong đó chỉ có từ 3 –5 cá thể đang sinh sống tại VQGCT là loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.

Không có đông “anh em” và cũng không có may mắn được bình yên như đồng chủng tê giác Java đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở Vườn Quốc gia Ujung Kulon (Indonesia), những cá thể tê giác một sừng cuối cùng ở Việt Nam từ ngày được phát hiện trong hơn một thập kỷ qua không có dấu hiệu sinh sản. Theo tài liệu nghiên cứu, tê giác là loài sinh sản ít nhất trong các loài thú lớn và mỗi đời tê giác mẹ sinh sống trong môi trường tốt nhất cũng  chỉ có thể có  4 –5 lần sinh, mỗi lần sinh một con. Ở VQGCT, các nhà khoa học theo dõi trong hơn chục năm qua không có dấu hiệu của tê giác con. Trong một hội thảo khoa học về tê giác được tổ chức tại Đồng Nai gần đây, các chuyên gia cho rằng “tê giác Việt Nam bị “stress” do tác động quá lớn của các khu vực dân cư trong vùng, những con đường chia cắt sinh cảnh của tê giác, người dân và cả kiểm lâm đi lại trong vùng bảo tồn quá nhiều, tiếng ồn từ máy cắt cỏ, xe máy, chăn thả gia súc của các khu vực dân cư sống ven rừng …, làm tê giác luôn tìm cách trốn tránh con người mà quên đi việc sinh sản”.

Thức ăn của tê giác bị tranh giành bởi con người

Mỗi cá thể tê giác cần tối thiểu 1.000ha rừng không có tác động của con người để sinh sống, nhưng mơ ước này của loài thú lớn sắp tuyệt chủng là điều không tưởng ở VQGCT hiện nay. Trước đây, để bảo tồn loài vật được sách đỏ IUCN và sách đỏ Việt Nam xếp ở mức CR (rất nguy cấp), người ta đã quyết định thực hiện một dự án đưa một cụm dân cư gần 200 người thuộc thôn 3 – 4 xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) ra khỏi vùng lõi khu bảo tồn Cát Lộc. Nhưng rồi dự án bê trễ, Bộ NN&PTNT và tỉnh Lâm Đồng phải chọn giải pháp để dân “sống chung với tê giác”, cắt gần 320 ha rừng bảo tồn của tê giác nhường lại cho 38 hộ dân định cư tại chỗ.



Hệ lụy khôn lường đối với công tác bảo tồn, ngay sau khi có quyết định này, những người dân ở lại vẫn tiếp tục phá rừng triền miên cho đến hôm nay. Chưa hết, trong năm 2008, dự án mở một con đường dài 13km thông về xã Đồng Nai Thượng (một xã có gần 1.300 nhân khẩu thuộc huyện Cát Tiên, nằm ngay trong vùng lõi VQGCT) đã trở thành nhát dao cắt đôi vùng rừng tê giác. Tê giác Việt Nam bị chặn ngang con đường di chuyển về vùng sinh cảnh tốt hơn ở phía bắc khu bảo tồn Cát Lộc. Trong khi đó, theo thông tin từ Đội giám sát tê giác (RMU), tại vùng sinh cảnh phía nam khu Cát Lộc, nguồn thức ăn của tê giác đang cạn kiệt từng ngày. Trong số 68 loài cây được xác định là thức ăn của tê giác, có 15 loài là thức ăn “sở trường” như lá nhíp, bứa, sâm cau, các loài mây… thì có nhiều loại như lá nhíp, đọt mây đang bị giành giật bởi chính những người dân định cư trong vùng lõi. Hơn 330 hộ người Mạ sống ở xã Đồng Nai Thượng, thôn 3 – 4 xã Phước Cát 2 cũng xem rau nhíp, đọt mây rừng là loại rau “đặc sản” của họ. VQGCT đang triển khai dự án thử nghiệm trồng cây bổ sung thức ăn cho tê giác nhưng với kinh phí chỉ 6 triệu mỗi năm và cách thức thực hiện là tìm kiếm hạt giống hoặc bứng gốc cây con rải rác trong rừng về trồng tập trung thì dự án này rất khó khả thi.

Ba đến 5 cá thể tê giác lạc lõng, đang bị “stress” đến mức quên sinh đẻ sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với một nguy cơ phá vỡ môi trường lớn hơn nhiều khi dự án thủy điện Đồng Nai 5 đã được phê duyệt chính thức đi vào hoạt động. Báo cáo tóm tắt đánh giá tác động môi trường của dự án này khẳng định: “hồ chứa của thủy điện Đồng Nai 5 nằm trong VQGCT dài 4 km, làm ngập khoảng 200ha VQGCT”. Vùng ngập này nằm rất gần sinh cảnh bảo tồn tê giác và khu vực công trường chỉ cách VQGCT 1km. Đập chứa thủy điện nay mai nằm cách khu bảo tồn Cát Lộc chỉ 20km và mỏ đá A Đắc Sin phục vụ xây dựng công trình cũng chỉ cách khoảng 30km, nhưng những kỹ sư tư vấn xây dựng dự án thuộc ngành điện lại lý luận: “Như vậy, việc khai thác đá phục vụ dự án hầu như không ảnh hưởng đến loài tê giác 1 sừng đang sinh sống chủ yếu trong khu vực Cát Lộc”.  VQGCT đã kịch liệt phản đối dự án kinh tế này vì theo ông Phạm Hữu Khánh, tê giác là loài cực kỳ thính nhạy, khối lượng thuốc nổ khoảng 1.000 tấn dự kiến sẽ sử dụng trong quá trình thi công thủy điện Đồng Nai 5 sẽ đẩy loài vật này đến gần nhất ngày tuyệt chủng!

Sau khi dự án thủy điện Đồng Nai 5 được phê duyệt, tháng 12/2008, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản đồng ý cho phép Cty CP Đức Long Gia Lai khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 theo hai bậc 6A, 6B tại xã Đồng Nai Thượng và xã Phước Cát 2. Dự án này nếu được phê duyệt thì rừng tê giác, sau khi đã bị cắt đôi bởi con đường nối xã Tiên Hoàng – Đồng Nai Thượng, sẽ tiếp tục bị băm nát, nhấn chìm. Và ngày tận số của loài thú lớn quý hiếm nhất thế giới đã được ấn định.

Đề cập đến hai công trình thủy điện này tôi lại nhớ đến công trình thủy điện Đại Ninh, hồ chứa thuộc địa bàn huyện Đức Trọng – Lâm Đồng. Khi xây dựng dự án Đại Ninh, người ta cũng đã phớt lờ những nguyên tắc bảo tồn di sản và chỉ sau một nhát đóng cửa đập tích nước, 3 ngọn thác đẹp nhất, nhì Tây Nguyên, trong đó có hai danh thắng cấp quốc gia đã bị dìm xuống lòng hồ. Cái giá của năng lượng công nghiệp quá đắt và sẽ còn ngàn lần đắt hơn nếu quần thể tê giác nhỏ bé cuối cùng còn lại của thế giới đang hiện hữu ở VQGCT cũng bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng vì những công trình thủy điện chỉ có công suất vài trăm MW!

Đàn bò tót chụp được ở khu vực Bàu Sấu - một trong số 22 đàn bò tót đang sinh sống tại VQGCT


Trùng điệp bẫy giăng

Niềm vui duy nhất “chộp” được trong hành trình trở lại rừng tê giác lần này là thông tin xác định có hơn 110 cá thể bò tót đang tồn tại ở VQGCT. Tấm ảnh đàn bò tót chụp được ở khu vực Bàu Sấu có sự hiện hữu của 4 – 5 “baby” bên cạnh những bò mẹ là dấu hiệu tuyệt vời về sự sinh trưởng của quần thể bò tót đông nhất và quan trọng nhất Việt Nam đang tồn tại cùng tê giác. Nhưng niềm vui vẫn không trọn vẹn. Thông tin từ lãnh đạo VQGCT cho biết, từ tháng 12/2006 đến tháng 3/2009 đã có 10 cá thể  bò tót (cả bò trưởng thành và bò con) trong quần thể bò tót tại đây đã bị giết hại, trong đó có 6 con chết do dính bẫy. Khi lực lượng kiểm lâm phát hiện thì những con bò quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp (1B trong sách đỏ) chỉ còn lại là những bộ xương trắng giữa rừng. Nguy cơ bị bắn, bị sát hại do bẫy đối với những quần thể thú lớn quý hiếm ở VQGCT chưa dừng lại bởi hiện nay tình trạng xâm hại những khu vực bảo tồn quan trọng của vườn này đang diễn ra tại hầu hết các địa phương giáp ranh thuộc cả 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Trong năm 2008, lực lượng bảo vệ rừng của vườn đã thu gom hơn 20.000 bẫy thú các loại và từ đầu năm nay, có tháng kiểm lâm VQGCT đã gom hơn 5.000 bẫy thú được cài thành từng tuyến dài, đón lõng trong rừng. Với những lưới bẫy này, bò tót hay tê giác, thậm chí cả voi đều có thể trở thành nạn nhân của con người. Cũng trong những ngày chúng tôi trở lại rừng tê giác, Hạt Kiểm lâm VQGCT thông báo vừa phát hiện 11 tụ điểm buôn bán động vật hoang dã trái phép chỉ riêng tại hai huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng.

Với hơn 71.000ha rừng đặc dụng, là nơi sinh sống tập trung của rất nhiều loài sinh vật đặc hữu nhưng trách nhiệm bảo vệ vùng dự trữ sinh quyển quan trọng nhất Việt Nam lại chỉ dồn lên đầu 128 cán bộ, nhân viên kiểm lâm. Áp lực giữ rừng, bức bách về bảo tồn ở VQGCT đang nóng bỏng hơn bao giờ hết. Thông tin về vụ 18 đối tượng bịt mặt mang theo mã tấu, gậy sắt bất ngờ tấn công cán bộ trạm bảo vệ rừng Bàu Sấu nằm giữa vùng lõi VQGCT đã hơn 3 tháng không được quan tâm xử lý cũng buồn không kém những điều tai nghe mắt thấy về con đường tuyệt chủng đã rất gần của loài tê giác Việt Nam.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm