Tiêu điểm: Và châu Âu vẫn tiếp tục thống trị

12/07/2010 12:40 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Có thể ở kỳ World Cup tới tổ chức ở Brazil, Nam Mỹ sẽ lấy lại ưu thế. Nhưng trong kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở châu Phi, châu Âu vẫn tiếp tục khẳng định sức mạnh khi chiếm cả 3 ngôi cao nhất. Đây đã là lần thứ 2 liên tiếp, lục địa già thống trị World Cup, bởi ở World Cup 2006 tổ chức tại Đức thì cả 4 đội vào bán kết đều là châu Âu.

Thất bại của 2 đại gia châu Âu Pháp và Italia là vấn đề của chính họ chứ không phải của cả châu Âu
Điều đáng nói là sau vòng bảng, đã có tới 7 trên tổng số 13 đội châu Âu phải xách vali về nước sớm. Ngược lại, cả 5 đại diện của Nam Mỹ đều giành quyền đi tiếp, thậm chí 4 đội giành ngôi đầu bảng, khiến người ta có cảm giác World Cup đã trở thành Copa America mở rộng.


Nhưng đó chỉ là cảm giác. Còn sự thật là sau vòng tứ kết thì các đại diện của Nam Mỹ đã gần như bị quét sạch, trước khi Uruguay cũng phải dừng bước ở bán kết trước Hà Lan. Và một sự thật nữa là ngoại trừ Brazil, tất cả các đại diện Nam Mỹ còn lại đều cho thấy là họ vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các đại diện hàng đầu châu Âu.

Argentina đúng là dư thừa tài năng, song vẫn đang loay hoay đi tìm công thức chiến thắng. Uruguay nếu bỏ Forlan ra ngoài thì chẳng còn gì, Chile vẫn còn quá hồn nhiên, trong khi Paraguay cần phải có thêm 2-3 cầu thủ đẳng cấp thế giới nữa mới có thể ôm mộng vượt qua vòng tứ kết.

Thực tế cho thấy, việc các ông lớn châu Âu như Pháp, Anh hay Italia bị loại chỉ là vấn đề của chính họ, chứ không phải là vấn đề của cả lục địa già. Bởi Hà Lan và Tây Ban Nha đã nổi lên như những thế lực mới, bên cạnh Đức vẫn giữ được truyền thống của mình. Hà Lan chấp nhận đi ngược lại với thứ bóng đá cống hiến để nuôi mộng vươn tới ngôi cao nhất, còn Tây Ban Nha vẫn chưa đi hết chu kỳ thành công, mới được mở ra từ Euro 2008, gắn liền với thứ bóng đá đã được nâng lên thành một trường phái, tiqui-taca.

Điểm chung giữa TBN, Hà Lan hay Đức là chính sách đầu tư đúng đắn cho bóng đá trẻ, duy trì lớp cầu thủ kế cận, để có thể kéo dài sự thành công của mình. Đó sẽ là tấm gương soi cho những đại gia thất thế như Anh hay Italia, trước khi hướng tới Brazil 2014. Ở đó, có thể Brazil sẽ là ứng cử viên số 1. Song một khi châu Âu đã có thể vô địch bên ngoài châu lục của mình, đồng thời giới thiệu những nhà vô địch mới toanh, thì chuyện chinh phục dãy Andes cũng chẳng phải là điều xa vời.

H.N

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm