Lịch sử cần một khoảng lùi

12/07/2010 12:23 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Bao giờ cũng thế, những sự kiện lịch sử luôn cần một khoảng lùi nhất định để có thể được đánh giá chính xác. Cứ mỗi kỳ World Cup kết thúc, lại có cảm giác rằng giải đấu lần đó không thể nào sánh được với những tượng đài của vài thập kỷ trước đó.

Giải đấu ở Nam Phi cũng không phải là ngoại lệ, nhưng sẽ là vội vàng nếu cho rằng đó là một vòng chung kết thiếu những dấu ấn và cảm xúc. Khi Anh, Pháp và Italia bị loại, còn Slovakia, Chile và Ghana mang đến những khoảnh khắc đầy bất ngờ, đó không thể là một kỳ World Cup dở. Còn New Zealand, tính tới thời điểm trước trận chung kết, cùng với Hà Lan là hai đội bất bại. Đó là chưa kể những sự kiện khác: các bàn thắng đầy tranh cãi, tiền đạo cứu bóng trước vạch vôi, sự ủng hộ dành cho CHDCND Triều Tiên và thậm chí, tuyết đã rơi ở Nam Phi.


 Hà Lan và Tây Ban Nha là hai tập thể tốt nhất ở World Cup lần này - Ảnh: Getty
Không ít lần trên các sân bóng, người hâm mộ lại được thấy bóng đá chỉ là bóng đá. Khi tiền bạc và những chiến dịch tiếp thị len lỏi vào mọi ngóc ngách của các giải đấu lớn, các trận đấu nhiều khi trở thành màn PR các món hàng mà nhà tài trợ muốn bán cho chúng ta thì việc World Cup diễn một cách tính toán giữa các đội khác khao chiến thắng, chứ không phải là những trận đấu trình diễn điên rồ, có thể là một điều tốt. Để vô địch, hầu hết các đội bóng đã thể hiện thứ bóng đá hướng tới hiệu quả tối đa, chứ không phải những màn làm xiếc sẽ làm hài lòng giám đốc thương hiệu của những hãng thể thao khổng lồ.


* Tính tập thể lên ngôi

Tương tự như thế, đã không có đất cho những ngôi sao mà hình ảnh gắn liền với những nhãn hiệu lớn, như Wayne Rooney, Crisitano Ronaldo, Kaka hay cả Lionel Messi. Ngược lại, cả 4 đội vào bán kết đều dựa trên những nỗ lực tập thể, tinh thần đoàn kết, hơn là sự chói sáng của những cá nhân. Trước giải đấu, chúng ta đã bị ngợp trong một rừng các màn quảng cáo ăn theo World Cup, mà đáng kể nhất có lẽ là với Ronaldo. Kết quả trên sân bóng: tiền vệ của ĐT BĐN ghi được duy nhất một bàn, vào lưới CHDCND Triều Tiên. Tương tự như thế, bộ ba Rooney, Messi và Kaka chơi đủ 13 trận mà họ có thể ra sân, nhưng chẳng ai ghi nổi lấy một bàn.


Thay vào đó, chúng ta được chứng kiến thế trận phản công bão táp như con rắn bảy đầu trong thần thoại của tuyển Đức, Hà Lan phong tỏa và bóp chết sự kháng cự của các đối thủ, cùng TBN dùng khả năng kiểm soát bóng của một tập thể cực kỳ ăn ý để có mặt ở chung kết. Những người xuất sắc nhất, Xavi, Wesley Sniejder, Bastian Schweinsteiger, là những người chơi bóng vì đồng đội, chứ không phải chỉ để thể hiện mình.


Tóm lại, kỳ World Cup này không còn những màu sắc của những bộ phim bom tấn hay các ngôi sao bạc triệu như trước nữa. Để cảm nhận được nó, cần một cái nhìn tổng quát hơn, sâu sắc hơn. Nhiều người cho rằng họ cảm thấy nhàm chán khi thấy hàng tiền vệ TBN cứ chuyền bóng cho nhau không dứt. Nhưng điều đó có thể được so sánh với Roger Federer ở thời kỳ đỉnh cao: sự hoàn hảo thường dẫn đến những cái lắc đầu ngán ngẩm. Tuy nhiên, mọi VĐV thể thao khi bước ra sân đấu đều hướng tới điều đó. TBN và Hà Lan cũng không là ngoại lệ. Họ hướng đến việc trở thành một tập thể bóng đá hoàn hảo, phát huy tối đa sức mạnh của mình, với hiệu quả lớn nhất.


* Tư cách cầu thủ đi xuống


Nếu có điều gì đáng phàn nàn về World Cup 2010, thì đó không phải là bóng đá, mà là thái độ của một số cá nhân, cầu thủ, HLV hoặc trọng tài, trên sân bóng. Nhiều cầu thủ cư xử như thể họ không phải chịu trách nhiệm đạo đức nào, miễn là phần lợi thuộc về mình. Có những người đòi các quả ném biên mà ai cũng biết thuộc về đối thủ họ, những người ăn vạ hoặc tìm cách khiến đối phương bị phạt thẻ.


Có thể đưa ra hai ví dụ điển hình. Ở vòng bảng, Kader Keita của Bờ Biển Ngà đã ngã vật xuống ôm mặt khi cánh tay của Kaka đập vào ngực anh, khiến tiền vệ người Brazil bị đuổi khỏi sân. Còn trong trận bán kết Hà Lan-Uruguay, Wesley Sneijder sửng cồ với Martin Caceres sau khi anh này vô tình đá vào mặt Demy de Zeeuw. Không có tiếp xúc trực tiếp giữa họ, nhưng Caceres vẫn đổ vật ra sân. Diego Perez bên phía Uruguay sau đó đã cố gắng thuyết phục trọng tài rằng đồng đội anh bị Sneijder giật chỏ. Tất nhiên, lúc đó thì mọi người đều đã rõ Uruguay, đặc biệt là Luis Suarez, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chiến thắng, dù nó có dơ dáy đến đâu đi nữa.


Cùng với sự xâm chiếm của tiền bạc, bóng đá đã trở nên xấu xí hơn, không phải về chuyên môn, mà trong sự cư xử của những người chơi bóng. Các biện pháp kỹ thuật đã được đưa ra tranh luận có thể sẽ giúp giải quyết dứt điểm những bàn thắng không rõ ràng hay các tình huống việt vị, nhưng sẽ chẳng ích gì nếu chính bản thân các cầu thủ không chơi bóng một cách tự trọng và có trách nhiệm.


Ngoại trừ chuyện đó, thì Nam Phi đã là một vị chủ nhà hết sức thành công cho World Cup, với sự đón tiếp nồng hậu và tự hào. Những thảm họa mà thế giới lo sợ về giao thông, an ninh hay tình trạng ở các sân bóng đã không xảy ra. Giải đấu cũng đã để lại các cơ sở hạ tầng bóng đá tuyệt vời cho Nam Phi, để họ có thể trở thành một “siêu cường” ở vùng hạ Sahara, như ngôi sao Lucas Radebe mơ ước, sau thời gian dài tụt hậu so với châu lục của mình.

Bóng đá thực sự rất quan trọng ở Nam Phi. Nếu Nelson Mandela đại diện cho tư tưởng, chủ nghĩa lạc quan và tinh thần hòa hợp ở đất nước này thì với ông, bóng đá sẽ là vị đại sứ tuyệt vời, để đoàn kết một quốc gia bị chia rẽ không chỉ bởi sắc tộc, mà ngay trong bản thân các sắc tộc cũng đầy chia rẽ rồi.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm