Tàu cuốc rầm rộ hút cát trên sông Đà, người dân chặn giữ xe doanh nghiệp

20/05/2017 13:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Từ đầu tháng 4 đến nay, Công ty TNHH xây dựng Hùng Yến và Công ty cổ phần khai khoáng Sahara đưa hàng chục chiếc tàu cuốc, tàu hút và tàu vận chuyển đến, ngày đêm khai thác cát trên sông Đà (đoạn chảy qua địa phận 2 xã Hợp Thịnh, Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). Bức xúc trước tình trạng này, ngày 19/5, người dân xã Hợp Thịnh đã cùng nhau lên UBND xã để gặp chính quyền địa phương kêu cứu. Trong chiều cùng ngày, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra, Công an tỉnh… đã xuống địa bàn xã kiểm tra việc của 2 công ty.

Khi thấy trong đoàn xe của tỉnh có xe của chủ doanh nghiệp khai khoáng Sahara cùng vào bãi tập kết cát, người dân trong xã đã kéo đến để chặn, giữ xe của chủ doanh nghiệp, đồng thời đề nghị lãnh đạo các sở, ngành về trụ sở nhà văn hóa xóm Tân Lập để làm việc.

Theo ý kiến của người dân, lý do họ tập trung là để nghe các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình giải trình về việc mức độ khai thác cát trên sông Đà là quá lớn, với số lượng hàng chục chiếc tàu cuốc hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm như hiện nay, trong vòng vài năm tới đất đai, hoa màu của người dân trong vùng có bị “hà bá” nuốt trôi?

Bà con nêu câu hỏi, trong quá trình doanh nghiệp đưa hàng chục tàu, thuyền vào hút, vận chuyển cát rầm rộ cả ngày lẫn đêm gần 2 tháng nay, các cơ quan chức năng của tỉnh có biết không; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình xem xét rút giấy phép khai thác khoáng sản đối với các công ty trên, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân 2 xã Hợp Thịnh, Hợp Thành.

Chú thích ảnh
Sông Đà. Ảnh: TTXVN

Sau khi nghe những kiến nghị của người dân, ông Trần Anh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và ông Nguyễn Trọng Long - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã tuyên truyền, vận động bà con yên tâm sản xuất; đồng thời nhấn mạnh, hiện tại đã tạm đình chỉ việc khai thác cát của 2 công ty trên và tiếp thu ý kiến của người dân để báo cáo UBND tỉnh vào chiều thứ hai (22/5).

Đến thứ sáu (26/5), lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số sở, ngành chức năng sẽ xuống địa bàn xã trực tiếp gặp bà con, có văn bản trả lời, bàn và có giải pháp để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người dân. Đến tối 19/5, người dân xã Hợp Thịnh đã trở về nhà, an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo.

Được biết, việc khai thác khoáng sản trên đoạn sông Đà qua xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép cho hai doanh nghiệp là Công ty TNHH xây dựng Hùng Yến và Công ty cổ phần khai khoáng Sahara. Trong đó, điểm khai thác tại xã Hợp Thành với thời gian 24 năm, công suất tối đa cho phép là 27.000 m3/năm, trên diện tích 20 ha; điểm khai thác tại xã Hợp Thịnh, được cấp phép khai thác trong 24 năm với tổng diện tích 75 ha, công suất tối đa cho phép là 230.000 m3/năm.

Bắt quả tang nhiều tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Bắt quả tang nhiều tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đang phối hợp với Công an huyện Ba Vì và các đơn vị nghiệp vụ tập trung làm rõ hành vi vi phạm của nhiều tàu khai thác cát, vận chuyển cát trên sông Hồng.

Theo người dân địa phương, đoạn bãi ven sông Đà ở xã Hợp Thịnh và Hợp Thành đã biến mất do đáy sông bị hút hết cát, các đơn vị khai thác chọc vòi hút sâu xuống khiến lòng sông bị rỗng, đất, cát ở các bãi nổi sụp xuống cùng với hoa màu của người dân trôi sông. Bà con đã nhiều lần có ý kiến, trực tiếp và bằng văn bản lên chính quyền địa phương, tuy nhiên chính quyền không giải quyết triệt để; các đơn vị hút cát sỏi thì cho rằng họ có giấy phép khai thác.

Ông Nguyễn Trọng Hùng ở xóm Tân Lập cho biết: Cả một đoạn sông gần 100ha mặt nước, đêm đến như một thành phố nổi, đèn điện sáng rực, lòng sông cứ sôi lên bởi những chiếc tàu cuốc ngày đêm rút ruột sông Đà. Tiếng máy nổ, tiếng động cơ từ các tàu dưới sông vang lên chát chúa, không thể chợp mắt nổi.

Trao đổi về thực trạng trên, ông Đồng Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh cho biết: Các phương tiện như tàu cuốc, tàu hút xuất hiện nhiều từ hơn một tháng nay, có những ngày gần 100 chiếc chạy dọc sông. Lo ngại lớn nhất của bà con trong xã là việc khai thác với quy mô và công suất như hiện tại thì hậu quả sau này sẽ không thể lường trước được.

Trong những ngày gần đây, UBND xã liên tục nhận được các cuộc gọi phản ánh bức xúc của bà con. Xã đã báo cáo cấp trên nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác của doanh nghiệp, tuy nhiên tình hình khai thác cát của hai công ty vẫn không thay đổi.

TTXVN/Vũ Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm