Sứ mạng cuối cùng của tàu con thoi Discovery

22/09/2010 13:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 21/9, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đưa tàu vũ trụ con thoi Discovery ra bệ phóng. Đây sẽ là lần cuối cùng chiếc tàu con thoi có thâm niên hoạt động lớn nhất của Mỹ thực hiện một sứ mạng không gian, trước khi chính thức bị loại bỏ.

Hãng tin AP cho biết NASA đã đưa tàu Discovery ra khỏi kho chứa trong đêm 20/9 (21/9 giờ VN) để tới bệ phóng. Theo kế hoạch, Discovery sẽ cất cánh lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS vào ngày 1/11 tới. Tiếp đó, tàu Endeavour cũng sẽ cất cánh vào tháng 2 năm sau trước khi về hưu, chấm dứt 30 năm hoạt động huy hoàng của tàu con thoi.

Sứ mạng cuối cùng


Tàu con thoi Discovery rời bệ phóng hồi năm 2007 để thực hiện nhiệm vụ STS-120.

Rất nhiều công nhân đã từng gắn bó với chương trình tàu vũ trụ con thoi và gia đình họ đã tụ tập để chứng kiến chuyến đi cuối của Discovery tới bệ phóng. Hãng trăm con người trong số này sẽ mất việc vào ngày 1/10 tới trong bối cảnh NASA đang phải sa thải hàng loạt nhân sự do bị cắt giảm nguồn tài chính.


Discovery được đặt tên theo 4 con tàu thám hiểm của Anh có cùng tên. Nó là một trong ba tàu vũ trụ hiện vẫn còn hoạt động trong phi đội tàu con thoi của NASA (Hai chiếc còn lại là Atlantis và Endeavour). Khi lần đầu cất cánh vào năm 1984, Discovery là tàu con thoi thứ 3 đi vào hoạt động. Nhưng giờ nó là tàu con thoi “cao niên” nhất, mang lịch sử hoạt động dày dặn nhất trong số những chiếc còn lại.

Tới nay Discovery đã bay tổng cộng 38 chuyến, hoàn thành 5.247 lần bay vòng quanh quỹ đạo Trái đất và đã có tổng cộng 322 ngày ở trên quỹ đạo. Riêng năm 1985, nó đã có 4 chuyến bay lên vũ trụ. Chưa một tàu con thoi nào có thành tích tốt hơn thế.

Con tàu này đã ghi dấu nhiều kỷ lục cho NASA. Nó đã mang theo kính viễn vọng không gian Hubble lên vũ trụ. Nó cũng chở theo John Glenn, 77 tuổi, trở lại không gian vào năm 1998, qua đó biến ông là người cao tuổi nhất trên hành tinh từng du hành vũ trụ. Cũng chính Discovery đã hai lần được chọn làm con tàu khôi phục hoạt động của chương trình tàu vũ trụ con thoi. Lần đầu diễn ra vào năm 1988, hai năm sau thời điểm nổ tàu Challenger và tiếp đó là tháng 7/2005, sau vụ nổ tàu Columbia hồi năm 2003.

Cỗ máy phức tạp nhất của nhân loại

Hình thành từ hơn 2,5 triệu linh kiện khác nhau, tàu vũ trụ con thoi được đánh giá là cỗ máy phức tạp nhất từng được con người tạo ra. Tính tới nay, đã có 6 tàu con thoi được chế tạo, với chiếc đầu tiên là Enterprise chỉ dùng cho mục đích thử nghiệm. 5 con tàu còn lại gồm Columbia, Challenger, Discovery, Atlantis và Endeavour. Trong số này, Challenger đã vỡ tung chỉ 73 giây sau khi phóng hồi năm 1986. Columbia thì gặp nạn khi trở lại Trái đất vào năm 2003.

Việc xây dựng một con tàu con thoi như Discovery gây tốn kém khoảng 1,7 tỉ USD. Một chuyến bay lên không gian của những con tàu này có chi phí khoảng 450 triệu USD.


Rất đông nhân viên NASA đã tới chia tay Discovery
trước khi tàu thực hiện chuyến bay cuối cùng.

Hồi năm 2008, một số chuyên gia đã ước tính rằng chương trình tàu con thoi đã ngốn ngân sách Mỹ khoảng 170 tỉ USD. Tính trung bình mỗi chuyến bay có chi phí tầm 1,5 tỉ USD.

Tàu vũ trụ con thoi bắt đầu được bay thử trong năm 1981. Nó phóng thẳng đứng, giống như một quả tên lửa thông thường, từ một bệ phóng di động. Nó bay lên dưới sức đẩy của hai tên lửa phụ màu trắng và từ ba động cơ tên lửa chính gắn trên tàu. Các động cơ này sử dụng nhiên liệu hydro và oxy lỏng lấy từ bình chứa nhiên liệu màu cam. Các tàu con thoi chính thức đi vào hoạt động từ năm 1982. Theo kế hoạch hiện tại, hệ thống tàu con thoi sẽ về hưu trong năm 2011 sau tổng cộng 134 chuyến bay. Trong quá trình hoạt động, các tàu con thoi đã thực hiện hàng loạt nhiệm vụ, từ việc triển khai vệ tinh, thiết bị thăm dò liên hành tinh cho tới việc tiến hành thí nghiệm khoa học trong vũ trụ và xây dựng, tiếp tế cho trạm ISS.

Lộ diện ứng viên thay thế

Nước Mỹ đang bận rộn tìm kiếm ứng viên thay thế sau khi các tàu con thoi nghỉ hưu. Hiện Không lực Mỹ và hãng Boeing hiện đã triển khai chương trình X-37 nhằm nghiên cứu thế hệ tàu vũ trụ kế tiếp. Được thiết kế dựa trên các nguyên lý khí động học căn bản của tàu con thoi, X-37 sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu cao, bao gồm việc ở trên quỹ đạo Trái đất tới 9 tháng.

Việc nghiên cứu X-37 bắt đầu từ năm 1999 và nó đã có chuyến bay thử đầu tiên vào tháng 4/2006 tại Căn cứ không quân Edwards. Hồi tháng 4 năm nay, X- 37 đã thực hiện sứ mạng đầu tiên trên quỹ đạo Trái đất sau khi được phóng lên bằng một tên lửa Atlas V. Mặc dù vậy, thời gian kết thúc thử nghiệm và đưa những chiếc X-37 vào hoạt động hiện chưa được phía Mỹ tiết lộ.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm