03/11/2011 10:38 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Từ ngày 29/10 đến 3/12, đạo diễn sân khấu người Mỹ Neil Simon Fleckman có mặt tại Việt Nam để phối hợp cùng các nghệ sĩ của Đoàn kịch II (Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam) thực hiện dự án Tất cả đều là con tôi (All my sons) - một vở diễn của tác giả Arthur Miller người Mỹ. Ngày 2/11, Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức lễ khởi động dự án này.
Vở kịch Tất cả đều là con tôi nằm trong bộ sách 100 kiệt tác sân khấu thế giới do NXB Sân khấu phát hành năm 2006 nhưng trước đó - năm 1973 - nó đã được dịch sang tiếng Việt và đã được NSND, ĐD Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công trên sân khấu kịch nói Việt Nam ngay đầu thập niên 1970. Tuy nhiên, thay vì chọn bản dịch mới nhất, ở lần dựng lại này, Nhà hát Tuổi trẻ quyết định chọn bản dịch năm 1973.
Tất cả đều là con tôi đã vượt qua mọi biên giới
Đạo diễn Neil Simon Fleckman
NSƯT Trương Nhuận (biên tập kịch bản) cho biết: “Bản dịch năm 1973 theo đánh giá của chúng tôi nó có tính văn học rất cao và nó cũng lột tả được ngôn ngữ của Arthur Miller. Năm 1973, nghệ sĩ Jane Fonda sang Hà Nội để phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam bà có xem vở kịch này. Sau buổi diễn, Jane Fonda hỏi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi là tại sao ông lại dựng vở kịch này thì Nguyễn Đình Nghi nói: Tôi dựng vở kịch này để cho nhân dân Việt Nam hiểu hơn về nhân dân Mỹ. Tôi hy vọng, sau chiến tranh, chúng ta sẽ lại là bạn.
Năm 1973, nhà thơ Xô Viết (nay là Nga) Epghenhi Eptusenco sang thăm Việt Nam tình cờ mua được bản dịch tiếng Việt đầu tiên của vở Tất cả đều là con tôi. Sau đó, trong một chuyến qua Mỹ, nhà thơ Epghenhi Eptusenco có tìm gặp Arthur Miller và tặng lại ông bản dịch này. Arthur Miller xúc động nói với Epghenhi Eptusenco: Tôi không thể ngờ rằng ở phía bên kia bán cầu, nơi người Việt Nam đang phải chiến đấu chống lại sự xâm lược của quân đội Mỹ lại dựng kịch của một tác giả người Mỹ. Đó là điều tôi không thể tưởng tượng được.
Điều đó chứng tỏ ở một góc độ nào đó giá trị nghệ thuật của vở kịch Tất cả đều là con tôi đã vượt qua mọi biên giới để tạo nên tính nhân văn giữa con người với con người”.
Ngoài lý do được cho là thú vị kể trên, dự án này còn nằm trong khuôn khổ chương trình Đại sứ Văn hóa Hoa Kỳ nhằm nâng cao kỹ năng diễn xuất cho các diễn viên trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam và tiếp cận với nghệ thuật sân khấu Mỹ. Qua dự án này, các diễn viên trẻ có thêm một cơ hội tốt để trao đổi, giao lưu văn hóa, học tập kinh nghiệm giữa các nghệ sĩ, góp phần thúc đẩy quan hệ hiểu biết và thân thiện giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Mỹ.
Tất cả là con tôi sẽ đi xuyên Việt?
Đây là lần đầu tiên, đạo diễn Neil Simon Fleckman sang Việt Nam làm đạo diễn một tác phẩm của tác giả Arthur Miller. Tuy nhiên, ông tỏ ra khá lạc quan và tin tưởng vở diễn sẽ thành công cho dù trong quá trình làm việc, ông và các nghệ sĩ Việt Nam luôn bất đồng về ngôn ngữ: “Tôi không biết tiếng Việt để có thể nói chuyện với các tên tuổi của nhà hát như chị Lê Khanh, Ngọc Huyền, Sĩ Tiến, Bá Anh, Minh Phương... nhưng bằng ngôn ngữ diễn xuất, chúng tôi đã cùng nhau làm việc rất tốt và rất chuyên nghiệp”, đạo diễn Fleckman vui vẻ.
Tổng kinh phí đầu tư cho vở diễn này là 600 triệu đồng (Đại sứ quán Mỹ đầu tư 300 triệu và nhà hát Tuổi trẻ 300 triệu). Tất cả các bối cảnh của vở diễn được dàn dựng theo phong cách tả thực của sân khấu Mỹ nhằm tôn trọng tính “nguyên bản” của kịch bản.
Sau khi dựng xong (dự kiến khoảng đầu tháng 12), Tất cả đều là con tôi sẽ có 4 đêm công diễn không bán vé, sinh viên các trường nghệ thuật đến xem và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với đạo diễn Neil Simon Fleckman. Ngoài ra, trong quá trình ở tại Việt Nam, Neil Simon Fleckman sẽ đến một số trường học, trong đó có trường câm điếc Xã Đàn để nói chuyện về nghệ thuật sân khấu Mỹ. Ngoài Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội và Nhà hát Lớn Hải Phòng, Đoàn kịch II dự định sẽ “xuyên Việt” vở kịch này đến một số trường văn hóa nghệ thuật và trường phổ thông trong toàn quốc.
Tác giả kịch bản là chồng của Marilyn Monroe Arthur Miller sinh ngày 17/10/1915 tại thành phố New York, trong một gia đình kinh doanh nhỏ gốc Do thái. Ông là chồng của nữ diễn viên Marilyn Monroe và là một nhà viết kịch lớn của nước Mỹ với những vở kịch thể hiện nhiều vấn đề xã hội lớn của nước Mỹ được trình diễn ở những nhà hát lớn nhất của châu Mỹ và châu Âu. Vở kịch Tất cả đều là con tôi (All my sons) được viết năm 1947 nói về những bi kịch gia đình với những quan hệ cá nhân chằng chịt và những tình huống tâm lý phức tạp từ đầu đến cuối vở kịch. Tất cả đều tập trung vào một vấn đề đạo đức xã hội cơ bản của xã hội Mỹ: Đó là xung đột giữa lương tâm và tiền bạc.
Phạm Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất