Mồ hôi mà đổ xuống đầm…

14/02/2012 10:57 GMT+7


(TT&VH) - 1. Từ xưa đến nay, việc khai khẩn đất hoang để biến thành “bờ xôi, ruộng mật” luôn được cha ông ta chú trọng.

Cách đây 3 thế kỷ, thoại hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người “mang gươm đi mở cõi” đất phương Nam, khi trở thành Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai đã ngược dòng Đồng Nai đến đóng đại bản doanh ở Cù lao Phố. Thuở ấy phương Nam toàn là sông rạch chằng chịt, rừng núi âm u, ông đưa ra nhiều kế sách khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, lập phủ Gia Định. Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng Đồng Nai - Bến Nghé đã nhanh chóng trở nên trù phú, rộng lớn.

Sau đấy là danh tướng Thoại Ngọc Hầu cũng là người có công mở mang bờ cõi, đưa người dân khai hoang lập ấp. Ông huy động hàng vạn nhân công đào kênh Vĩnh Tế theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc với Hà Tiên dài hơn 87 cây số. Rồi ông cho làm đường, lập ấp. Năm 1823, ông cho lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế là Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông. Đấy là tiền đề cho những xóm làng miền Nam trù phú. Tất cả sự trù phú, sinh sôi ấy dựa vào sức lực của người nông dân tay “Một nắng hai sương, chân lấm chân bùn”.

Hai thế kỷ trước, trong Thái bình thập sách (10 kế sách để giữ nước thái bình), danh thần Nguyễn Công Trứ đã đề cập đến vấn đề phát triển nông nghiệp, phục hưng nền kinh tế. Trong 10 kế sách, thì kế sách hàng đầu theo ông là: “Muốn an định xã hội, đưa đời sống nhân dân lên một hoàn cảnh tốt đẹp hơn thì phải phát triển nghề nông, lấy nông nghiệp làm căn bản” (Canh nông vi bản).

Khi làm quan, Nguyễn Công Trứ đi kinh lý khắp vùng bãi bồi duyên hải, vẽ sơ đồ, phát trâu bò, nông cụ, xây dựng sách lược kêu gọi nông dân khẩn hoang. Ông chiêu mộ dân tình, đắp đê lấn biển lập ấp, khai sinh ra hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Đền thờ ông như thành hoàng làng vẫn còn ở đó.

Khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn - Nguồn: Chinhphu.vn

2. Đất nước ta, “rừng vàng biển bạc”, nhưng cần con người phải đổ mồ hôi thì rừng biển ấy mới biến thành cơm gạo. Hàng vạn nông dân trên đất nước này cũng đã và đang đổ mồ hôi, khai hoang lấn biển như thế. Một trong những người như thế, Đoàn Văn Vươn, một người lính, một kỹ sư nông lâm, khi ra quân năm 1986, đã trở về địa phương “đánh bạc với giời” đắp đê, lấn biển để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm trời, Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ hàng đã vật lộn với biển khơi đưa hàng nghìn m3 đất, đá để cải tạo biển thành đầm nuôi tôm. Khu đầm ấy là thành quả từ mồ hôi, nước mắt và cả máu của những con người lao động quả cảm, thậm chí đó là cả sinh mạng con người, anh đã mất đứa con gái yêu 8 tuổi chính tại nơi đây.

Nhưng anh đã mất nhiều hơn nữa, khi anh làm sai, bắt nguồn từ cái sai của chính quyền huyện Tiên Lãng khi thu hồi “trắng” mảnh đầm anh bỏ sức khai hoang. “Bộ NN-PTNT đã khẳng định diện tích đầm bãi mà gia đình anh Đoàn Văn Vươn đã có công khai hoang, sử dụng nhiều năm nay là đất nông nghiệp chứ không phải đất bãi bồi, đất lưu không như chính quyền huyện Tiên Lãng đưa ra. Bởi theo quy định thì đất giao cho người dân khai hoang, đưa vào sản xuất ở 4 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nghề muối thì đó là đất nông nghiệp và việc thu hồi phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đất đai”. (http://sggp.org.vn/phapluat/2012/2/279948/). Những cái sai của Tiên Lãng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.

Hẳn nhiều người còn nhớ bài thơ “Sức mồ hôi” của Thanh Tịnh từng in trong SGK thưở “vỡ lòng”: “Mồ hôi mà đổ xuống đầm/ Cá lội phía dưới, rau nằm phía trên”. Hình ảnh hạnh phúc ngọt ngào đối với người nông dân. Đó là thành quả mà ai bỏ sức ra khai khẩn đất hoang cũng đều mong nhìn thấy. Còn anh Vươn, sau khi đã bỏ công, bỏ sức, anh nhìn thấy gì?

Nguyễn Gia

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm