Tản mạn Giọng hát vàng ASEAN 2008

20/10/2008 15:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đêm qua 19/10 tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM, Ban tổ chức đã tiến hành lễ phát giải Liên hoan Giọng hát vàng ASEAN 2008. Có lẽ điều quan trọng không phải là nước nào đoạt giải cao mà là những gì Liên hoan giới thiệu đến khán giả Việt Nam và khu vực, nhằm giúp khán giả mở rộng tầm nhìn âm nhạc ra ngoài phạm vi quốc gia mình. Cũng là dịp để các nghệ sĩ biết mình, biết ta trên con đường phát triển âm nhạc và hội nhập với khu vực.
 

Trên tinh thần đó không thể phủ nhận những giá trị nghệ thuật và tinh thần hữu nghị giữa các nước mà Liên hoan đã mang lại. Lần đầu tiên tổ chức, Ban Tổ chức cũng đã hết sức cố gắng, Liên hoan đã có những thành công nhất định và hy vọng nó sẽ là dịp giao lưu văn hóa bổ ích giữa các nước trong khối ASEAN và thế giới.
 
Ngọc Anh (phải) và Nur Faddilla Nadí Abu Bakar (Malaysia).
Ảnh Văn Bảy
 
1. Tuy nhiên, để Liên hoan hấp dẫn và bổ ích hơn, đạt được kết quả cao hơn trong những lần tổ chức kế tiếp, không nên chỉ bó hẹp những nghệ sĩ tham gia liên hoan trong phạm vi phát thanh và truyền hình, vì như vậy sẽ khó thực hiện được việc giới thiệu những “giọng hát vàng” của khối ASEAN như cái tên của cuộc thi. Bởi lực lượng ca sĩ đang công tác tại các đài phát thanh truyền hình chưa phải là lực lượng ca sĩ mạnh nhất.
 
Trong buổi họp báo giới thiệu chương trình (tại khách sạn Sheraton, TP.HCM), có phóng viên đã phát biểu: Việc tìm kiếm bằng Google với những họ tên của nghệ sĩ nhạc pop tham gia liên hoan này, đã cho thấy họ không phải là những nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều người biết đến. Trong số 4 thí sinh dự thi của việt Nam, Đàm Vĩnh Hưng không phải là người nằm trong biên chế của đài phát thanh hoặc truyền hình. Nhưng Đàm Vĩnh Hưng được đề cử dự thi bởi anh là người đã đoạt giải Album vàng 2007 (một chương trình của HTV), nghĩa là có liên quan đến phát thanh, truyền hình. Như thế thì bất kỳ ca sĩ nào cũng có thể được đề cử dự thi, bởi chẳng có giọng ca nào khi đã “đạt chuẩn” dự thi khối ASEAN mà không một lần xuất hiện trên phát thanh hoặc truyền hình? Xem ra điều này có vẻ bất nhất. Nên chăng, đơn vị khởi xướng là ngành phát thanh và truyền hình, nhưng lực lượng tham gia có thể mở rộng để các giọng ca nổi tiếng nhất của mỗi nước có thể tham gia nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của Liên hoan.

Kết quả Liên hoan Giọng hát vàng ASEAN 2008:

1. Nhạc dân gian truyền thống/ca khúc mang âm hưởng dân gian:

- Huy chương Vàng: Hồng Ngát, Reynaldo Raymond, Pagi (Malaysia).
- Huy chương Bạc: Đàm Vĩnh Hưng, Nur Faddilla Nadia Abu Bakar (Malaysia).
- Huy chương Đồng: Putri Norizah Binti IbnorRiza (Brunei), Hendra Sudarmanto (EldoVilano; Indonesia)

2. Nhạc pop:

- Huy chương Vàng: Ngọc Anh, Nur Faddilla Nadia Abu Bakar (Malaysia).
- Huy chương Bạc:
Đàm Vĩnh Hưng, Minh Quân
- Huy chương Đồng: Dio Annisa Hapsari (Indonesia), Nyko Maca (Phillipines)
 
* Giải thí sinh nhỏ tuổi nhất: Pimnara Varahajirrakul (Thái Lan, 14 tuổi) 
2.
Dự khán 2 đêm thi của Liên hoan Giọng ca vàng ASEAN, cảm giác về sự “giông giống” nhau dễ mang lại sự nhàm chán, bởi màu sắc của âm thanh dàn nhạc điện tử trong hầu hết các tiết mục, một loại âm nhạc “bằng bằng” áp đảo về âm lượng trong các phần đệm thu sẵn được sử dụng, kể cả đêm nhạc dân gian truyền thống (hoặc ca khúc mang âm hưởng dân gian), nó làm thiếu đi sự sống động của một sân khấu ca nhạc. Trong bối cảnh đó hình ảnh hiếm hoi như cây đàn nhị, cái trống cỏn con... của các nghệ sĩ Việt Nam (dù chỉ là đệm thêm vào trên nền nhạc thu sẵn), hoặc hai cây đàn tambura và gadulka của hai nghệ sĩ Bulgaria, dù âm thanh còn “xù xì”, nhưng hình ảnh và cái hồn nhạc truyền thẳng đến khán giả lại làm nên sự hấp dẫn. Cũng như hình ảnh của những trang phục, điệu múa minh họa trong đêm nhạc dân gian truyền thống, dù đó chỉ là những yếu tố phụ trợ cho giọng hát và có thể chưa chính xác 100% nhưng nó làm cho sân khấu sống động và thật sự mang lại những điều kỳ thú cho khán giả. Nếu đêm nhạc dân gian truyền thống có sự hiện diện của những nhạc cụ dân tộc như dàn nhạc gamelan (Indonesia), đàn kayagum (Hàn Quốc)... việc giao lưu văn hóa âm nhạc sẽ đạt hiệu quả cao hơn và là điều mà khán giả rất cần.

3. Nhạc mở đầu chương trình (cũng là nhạc dùng làm nhạc nền cho rất nhiều tình huống khác trong chương trình) rất quan trọng, đó là dấu hiệu âm nhạc đặc trưng để người nghe nhận biết chương trình của các nhà đài và đây cũng được xem như một trong những yếu tố đặc trưng của các chương trình trên đài phát thanh và truyền hình. Tuy nhiên, những ai vừa theo dõi cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình 2008 không khỏi ngạc nhiên khi “nhạc hiệu” này lại được dùng làm “nhạc hiệu” trong các đêm của Liên hoan Giọng hát vàng ASEAN...

Hữu Trịnh

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm