Tấm vải liệm Turin nhiều khả năng là thật?

12/04/2009 09:47 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tấm vải lanh đơn giản từng được dùng để bọc thi hài của Chúa Jesus Christ sau khi người bị đóng đinh vào cây thập ác và có in gương mặt của người được coi là một Thánh tích của Kito giáo.
 
Nhưng năm 1988, một nhóm nhà khoa học đã dùng công nghệ xác định niên đại bằng carbon và kết luận rằng tấm vải liệm Turin là một trò lừa bịp từ thời Trung cổ. Song giờ đây, nhà khoa học từng phụ trách cuộc xét nghiệm đó lại thừa nhận nhiều khả năng tấm vải liệm đó lâu đời hơn so với suy nghĩ trước đây.

Một bức ảnh chụp tấm vải liệm Turin được cho rằng mang hình gương mặt Chúa sau khi người bị đóng đinh
Ông Ray Rogers, người đã qua đời vì bệnh ung thư hồi năm 2005, từng là phụ trách Dự án nghiên cứu tấm vải liệm Turin (STRP) và qua đó đã tiến hành phân tích tấm vải lanh đã ngả vàng. Xét nghiệm một phần nhỏ của tấm vải lanh, ông Rogers và nhóm khoa học của mình đã tuyên bố tấm vải này được làm vào khoảng 1300 năm sau khi Chúa Jesus giáng sinh.

Tuy nhiên, trước khi qua đời ông Rogers đã quay một băng video và trong đó ông có nói rằng: “Tôi không tin rằng các phép mầu nhiệm lại có thể thách thức các quy luật của thiên nhiên. Sau cuộc điều tra hồi năm 1988 tôi đã không còn quan tâm đến tấm vải liệm. Nhưng giờ đây tôi lại nghĩ nhiều khả năng đây là tấm vải từng được dùng để bọc thi hài Chúa Jesus”.

Tấm vải liệm đã được vá sau một trận hỏa hoạn trong thời Trung cổ và ông Rogers tin những kết quả xét nghiệm hồi năm 1988 là không có căn cứ bởi nhóm nghiên cứu của ông đã tiến hành thẩm định trên miếng vải vá của tấm vải liệm. Khi công bố kết quả xét nghiệm hồi năm 1988, nhiều nhà khoa học không chuyên cho rằng, nhóm nghiên cứu của ông Rogers đã xác định niên đại bằng carbon trên mảnh vá của tấm vải. Trong số đó có ông Sue Benford và Joe Marino đến từ bang Ohio (Mỹ). Họ là những người từng công bố tấm vải liệm đã được vá bằng những sợi cottton có niên đại từ thế kỷ 16.

Trong đoạn băng video ông Rogers cso bày tỏ rằng: “Tôi đọc tất cả những gì mà người ta giải thích tại sao kết quả xác định niên đại của chúng tôi lại sai. Tôi rất bực tức và quyết định phải chứng minh bằng được ông Sue và Joe là sai”. Nhưng sở dĩ ông đã thay đổi kết luận nghiên cứu của mình là vì sau khi thẩm định các sợi vải từng được dùng cho một cuộc thẩm định hồi năm 1978 thì ông đã bị sốc khi nhận thấy ở đó các các sợi cotton trùng khớp với kết luận của hai ông Sue và Joe. “Những sợi vải cotton đã được nhuộm khá kỹ và điều đó cho thấy trong quá trình vá tấm vải liệm chúng được đổi màu để phù hợp với màu của miếng vải lanh đó. Tôi có thể khẳng định rằng một người cực kỳ khéo tay đã vá tấm vải liệm này. Như vậy Sue và Joe đã đúng. Trong tấm vải liệm có nhiều chất liệu khác nhau và kết qĩnhác định niên đại mà chúng tôi đưa ra là hoàn toàn không chính xác”, ông Rogers nói.

Tấm vải liệm Turin được tái phát hiện lần đầu tiên hồi tháng 5/1898 khi một bản phim ảnh cho thấy hình ảnh gương mặt của một người đàn ông. Mới đây, người ta lại đưa ra một bằng chứng rằng tấm vải liệm đã được các Hiệp sĩ dòng đền canh giữ cẩn mật sau vụ cướp phá ở Byzantium – thành phố Hy Lạp cổ đại được xây dựng vào năm 667 trước CN và hiện là Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - hồi năm 1204. Sau đó, miếng vải thánh tích này lại nổi lên ở Lirey (Pháp) vào năm 1353 khi được hậu duệ của Geoffroy de Charney, một Hiệp sĩ dòng đền người Pháp đã bị thiêu sống, trưng bày trong một nhà thờ. Hiện nay, tấm vải liệm này được giữ trong nhà thờ Saint John the Baptist ở Turin và sẽ được trưng bày trước công chúng vào năm 2010.
 
Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm