Tại sao người Việt thường đi chùa đầu năm và những điều kiêng kỵ khi đến chùa ai cũng nên biết

31/01/2023 07:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Nền văn hóa cổ truyền của dân ta có nhiều phong tục đẹp vẫn còn lưu giữ đến hiện tại, trong đó có tục đi lễ chùa đầu năm.

Lễ chùa đầu năm là phong tục đã có từ lâu trong văn hóa của người Việt. Không chỉ cầu mong những điều an lành vào thời khắc đầu tiên của năm mới, dân ta còn dành hẳn tháng đầu năm để du xuân và hưởng khí lành.

Đi chùa đầu năm thời xưa

Khi xưa, người dân thường chọn khoảnh khắc đầu tiên của năm mới để đi chùa lễ Phật hoặc đến đền xin Thánh, gửi gắm những ước vọng của bản thân vào cõi thiêng. 

Điều này được cụ Nguyễn Văn Huyên nói rất kỹ trong cuốn Hội hè lễ Tết người Việt rằng đêm giao thừa đón năm mới được đánh dấu bằng những “cuộc đi lễ đền chùa”. Cụ thể là “Ai cũng lấy làm vui thích và tự thấy mình có bổn phận phải ra đình, và đến các đền chùa. Chẳng đêm nào thú vị và đẹp như đêm ấy. Đúng là một điều vui thích hiếm có khi được thức đêm đó ngoài trời. Ở tất cả các đền chùa này, nghi ngút đèn hương, mọi người, cả già lẫn trẻ, đến dâng lên chư Phật cùng những thần linh khác những lời cầu nguyện đầu tiên. 

Ta có cảm tưởng sống một cuộc sống thật thanh bình sâu lắng giữa đám đông sùng mộ, giản dị và thành tâm”.

Cứ thế, thói quen theo thời gian thành nếp cũ, ai cũng chọn việc đi chùa vào đầu năm, thể hiện sự thành tâm của mình, để mong có thể chạm được vào những khoảnh khắc may mắn đầy linh thiêng của năm mới. 

Tại sao người Việt thường đi chùa đầu năm và những điều kiêng kỵ khi đến chùa mọi người cần biết - Ảnh 1.

Đi chùa đầu năm, hưởng không khí hội hè vào mùa xuân là phong tục của người Việt nhiều đời nay.

Người Hà Nội, chẳng ai là không biết đến Thăng Long tứ trấn - 4 ngôi đền thiêng được người dân kinh kỳ chọn du xuân trong ngày đầu năm mới. Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên cũng chia sẻ việc đi đền chùa đầu năm đã trở thành truyền thống của người Hà Nội.

“Mọi người đều muốn đi lễ đền chùa trước khi cử hành lễ đón giao thừa trong gia đình. Sau khi đi thăm các đền chùa trở về, và coi là đã thấm nhuần ân huệ của các thần, người ta vững tâm xông đất nhà mình. 

Vì ai cũng muốn yên trí rằng người đầu tiên bước chân vào nhà mình là người đem theo những dấu hiệu tốt lành. Nếu chẳng có ai tốt hơn, thì không ai chắc chắn bằng chính mình là người có khước (phúc lành), từ chốn của thần thánh trở về nhà, mang về từ đó một nén hương đốt sẵn để cắm lên bàn thờ tổ tiên”.

Cả một tháng đầu xuân đầy tốt lành như thế, người dân khắp cả nước rộn ràng đi đền chùa. Điều này được Phan Kế Bính nói tới trong Việt Nam phong tục như sau: "Suốt một tháng giêng, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, kẻ thì lễ bái chùa này miếu nọ, người thì du ngoạn cảnh nọ cảnh kia, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thì thi hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng". Chung quy ấy cũng là cách thưởng xuân của dân ta. 

Còn du xuân đầu năm thời nay cũng đã có nhiều khác biệt.

Chùa Tam Chúc và chùa Địa Tạng Phi Lai Tự đang được nhiều người ghé thăm thưởng ngoạn và chiêm bái trong dịp xuân Quý Mão 2023, không chỉ vì sự linh thiêng mà phong cảnh còn hữu tình, thanh tịnh. Ảnh: Hie, Phuong Anh/CheckinVietNam 

Đi chùa đầu năm thời nay

Trong tâm thức người Việt, đón mùa xuân năm mới không chỉ được đánh dấu bằng dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, thờ cúng tổ tiên mà tháng đầu tiên của năm, người dân thường du xuân, lễ chùa để cầu bình an cho người thân, gia đình và nguyện ước những điều tốt lành cho cả năm mới.

Suốt một năm cũ tất bật, đón Tết Nguyên đán để sẵn sàng bước qua một năm mới an lành và hạnh phúc hơn. Điều đó còn rõ rệt hơn khi những lễ hội dân gian thường bắt đầu vào mùa xuân, chẳng hạn như lễ hội chùa Hương diễn ra trong cả mùa xuân, khai hội từ mùng 6 tháng Giêng; hoặc như lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng; chùa Phật Tích (Bắc Ninh) từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng…

Với tục xưa, đi chùa đầu năm, trước khi đối diện với những lo toan bộn bề ngoài cuộc sống, người ta muốn đến chốn tâm linh để được thư thái, để dốc lòng bái thỉnh mong một năm mới tốt lành. Người cầu duyên, người cầu lộc, người thì lại cầu tài. Bởi vậy, người ta rất chú trọng việc đi lễ chùa đầu năm.

Thời nay, người dân kết hợp việc du lịch và du xuân đầu năm, bởi vậy lượng người đổ về các chùa ngày càng nhiều. Các khu du lịch tâm linh ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đến chùa gặp Phật, để cầu bình an. Tuy nhiên, mỗi ngôi chùa, ngôi đền đều gắn với những sự tích và truyền thuyết khác nhau, qua thời gian đã nuôi dưỡng nên sự linh thiêng của ngôi chùa ấy. 

Vì điều này mà người ta có thể tìm đến đền Trần để mong nhận được ấn tượng trưng cho một năm học hành, công việc hanh thông. Người ta tìm đến chùa Hà (Hà Nội) hoặc chùa Duyên Ninh (Ninh Bình) để cầu duyên, mong tìm được một mối lương duyên trong năm mới. 

Hay như ngôi chùa được nhiều người trẻ tìm đến gần đây để chiêm bái, không chỉ bởi vẻ thanh tịnh, cổ kính mà còn về câu chuyện hình thành của ngôi chùa. Đó là chùa Đùng, với tên được nhiều người biết đến là chùa Địa Tạng Phi Lai Tự. 

Tương truyền, chùa Đùng khởi dựng từ thế kỷ thứ X, được nhiều vua chúa từng ghé thăm. Đến thế kỷ XVII, vua Tự Đức có đến đây cầu con. Khi bước đến chân núi, người đã nói hai từ “Phi Lai”. “Phi Lai” vừa mang nghĩa là “quay trở lại”, đồng thời cũng có nghĩa “không bao giờ trở lại”.

Chị Hồng Ngọc (Hà Nội) đã có dịp đi lễ chùa Địa Tạng Phi Lai Tự và chùa Tam Chúc cho biết, hai ngôi chùa trên chị chưa được đi bao giờ, thấy mọi người đi nhiều đẹp quá nên rất muốn đến thưởng ngoạn. Cũng nghe nói, tại chùa Phật Ngọc ở Tam Chúc linh thiêng, “xin gì được nấy” nên muốn đến để cầu bình an và tin tài lộc cho năm nay.

Chị Hồng Ngọc (Hà Nội) trong chuyến đi chùa đầu năm cùng gia đình.

Hàng ngàn năm nay, nơi cửa chùa đất Phật được người dân tìm đến giúp xoa dịu những nỗi lo toan, thả mình vào sự thanh tịnh, thư thái. Ở nơi tĩnh lặng, ngoài việc nhìn lại năm qua, mọi người còn thành tâm xin đủ sức khỏe, nhiều năng lượng để thực hiện những định hướng trong năm mới thành công.

Không chỉ đền chùa, ngay cả những miếu nhỏ cũng được người dân tìm về để gột rửa những điều xui xẻo trong năm cũ và đón những điều lành trong năm mới. Những ngày Rằm, mùng 1, nhiều ngôi miếu tại TP.HCM cũng được người dân rủ nhau đến tìm điềm lành, chẳng hạn như Phù Châu Miễu Nổi, miếu Mạch Nước...

Miếu Mạch Nước tại TP.HCM được nhiều người tìm về gội đầu, rửa mặt với mong muốn đuổi cũ, đón mới, tìm lành tránh dữ cho một năm mới tốt đẹp. Người dân ở đây còn đến lấy nước ở mạch nước khoảng 150 tuổi này về dùng nấu ăn, sử dụng hàng ngày. 

Khi đi lễ chùa đầu năm, nên lưu ý gì?

- Đền chùa là những nơi linh thiêng, nghiêm cẩm nên đến nơi này, cần ăn vận lịch sự, trang phục kín đáo. Không ăn mặc hở hang, quần đùi, áo hở ngực gây phản cảm.

- Nhiều người thường bối rối vì không biết đi chùa nên mang lễ vật gì. Việc sửa soạn đi chùa cần chú ý đến phần lễ. Đến chùa, chủ yếu là dâng hương tưởng niệm tâm thành, tại chùa cũng chỉ dâng lễ chay như hương, hoa thơm, quả ngọt, oản phẩm, xôi chè. Đặc biệt, trong chùa không dâng lễ mặn như gà bò, trâu dê, giò chả,... Phần lễ mặn nếu có chỉ đặt ở những ngôi chùa có thêm khu vực thờ tự dành cho các vị Thánh, Mẫu và cũng dâng, tuy nhiên nên hạn chế. 

- Không nên dâng vàng mã, tiền âm phủ lên bàn thờ của Phật. Tiền công đức nên đặt trong hòm công đức tại chùa, không nên dâng tiền thật lên Chính điện. 

- Hoa dâng lễ chùa nên là hoa tươi như hoa huệ, hoa sen, hoa mẫu đơn, hoa cúc,... không nên dùng hoa dại hoặc hoa có gai.

- Vào chùa thưởng ngoạn, chiêm bái, dâng hương nên giữ yên lặng, tránh cười đùa, nói tục.

Vũ.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm