Hoạt động biểu diễn quá nhiều phản cảm

18/04/2012 08:19 GMT+7 | Văn hoá


Xung quanh chỉ thị của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, Tuổi Trẻ trao đổi với ông VƯƠNG DUY BIÊN - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.



Người mẫu Thanh Hằng nhả khói trên sàn catwalk trong Elle sô xuân hè 2012 - Ảnh: Sơn Trần

* Thưa ông, với chỉ thị này, các cơ quan quản lý NTBD sẽ phải có những hành động cụ thể nào để chấn chỉnh hoạt động biểu diễn đang bị dư luận phê phán là có quá nhiều cảnh phản cảm?

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vừa ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Với chỉ thị mới, các cơ quan quản lý văn hóa như sở VH-TT&DL các địa phương sẽ phải thẩm định kỹ hồ sơ, kiểm duyệt chặt chẽ nội dung và hình thức của chương trình biểu diễn trước khi cấp phép hoặc tiếp nhận giấy phép biểu diễn.

Cũng theo chỉ thị này, với những chương trình nghệ thuật lớn, thu hút đông khán giả, cơ quan cấp phép phải liên hệ với địa phương nơi tổ chức biểu diễn, nếu đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội mới cấp phép biểu diễn hoặc tiếp nhận giấy phép. Những nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, vi phạm quy chế NTBD hay các đơn vị tổ chức biểu diễn có vi phạm cũng sẽ bị siết chặt hơn. “Kiên quyết không cấp phép biểu diễn, tiếp nhận giấy phép biểu diễn đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn, các ca sĩ đã có sai phạm trong hoạt động NTBD”, chỉ thị nêu rõ. Bên cạnh đó, khâu hậu kiểm các chương trình cũng sẽ được tăng cường với sự phối hợp của thanh tra bộ, thanh tra sở VH-TT&DL các tỉnh, thành.

- Chỉ thị cần phải phát huy tác dụng toàn quốc, đặc biệt là ở những nơi có hoạt động biểu diễn sôi động như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Giữa tháng 5, Bộ sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến với 7 đầu cầu trên cả nước về vấn đề này. Ðiều quan trọng là phải quán triệt đến các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để cùng có những động thái quyết liệt hơn. Ðặc biệt là những địa bàn có nhiều hoạt động NTBD vì chính đây là điểm nóng xảy ra những trường hợp vi phạm thời gian qua. Với chỉ thị này, không chỉ có cơ quan nhà nước về NTBD mà các cơ quan thanh tra, kiểm tra và xử phạt cũng sẽ vào cuộc.

Như các chương trình giao lưu Việt-Hàn gần đây ảnh hưởng lớn đến tâm lý giới trẻ, nhiều biểu hiện lệch lạc, thái quá như khóc lóc rồi hôn ghế...sẽ phải chấn chỉnh. Quan trọng hơn là chúng ta phải tìm ra nguồn gốc của vấn đề. Có lẽ nên xem lại thời lượng phát sóng phim Hàn Quốc, Trung Quốc so với thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên các kênh truyền hình nhằm định hướng cho khán giả nhất là giới trẻ hiểu và trân trọng nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, việc này cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan chứ không còn là việc riêng của cơ quan quản lý NTBD.

Song song với chỉ thị này, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi Bộ Thông tin truyền thông đề nghị phối hợp quản lý việc đưa hình ảnh các nghệ sĩ sử dụng trang phục phản cảm lên báo chí, đặc biệt là báo mạng. Hiện nay, nhiều tờ báo đưa ảnh phản cảm lên rồi phê phán này nọ nhưng vô tình lại lăng xê chính nhân vật trong ảnh. Vừa rồi có chuyện một ca sĩ giật lên chuyện “hiếp dâm” (?!) khiến nhiều báo chạy theo. Vậy là từ ca sĩ không tên tuổi, giờ ai cũng biết đến anh này. Rõ ràng, báo chí phải cân nhắc liệu có nên đưa hay không trước những vấn đề kiểu này để tránh phản tác dụng.

Với chỉ thị này, Bộ VHTT&DL muốn thể hiện quyết tâm cùng hành động của các cơ quan quản lý nhà nước trên toàn quốc chấn chỉnh một cách mạnh mẽ những hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm làm cho môi trường biểu diễn lành mạnh, đẹp đẽ với đúng nghĩa của nó.

* Chỉ thị tỏ ra quyết liệt trong việc xử phạt những đơn vị tổ chức, nghệ sĩ có vi phạm bằng việc từ chối cấp phép biểu diễn. Tuy nhiên, có khung nào để xác định vi phạm của họ?

- Những đơn vị tổ chức, ca sĩ có lùm xùm, bị xử phạt hoặc cảnh cáo sẽ bị từ chối cấp phép biểu diễn. Tóm lại, cứ có biên lai xử phạt là có thể áp dụng được điều khoản quy định trong chỉ thị: Kiên quyết không cấp phép biểu diễn, tiếp nhận giấy phép biểu diễn đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn, các ca sĩ đã có sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

* Vừa qua, người mẫu Thanh Hằng khiến nhiều ý kiến phản ứng vì có màn trình diễn hút thuốc trên sàn diễn thời trang. Quan điểm của ông về vụ việc này thế nào, thưa ông?

- Vụ người mẫu Thanh Hằng hút thuốc trên sàn diễn thời trang vừa qua cũng là vi phạm quy chế NTBD. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý địa phương phải gọi nghệ sĩ lên xử phạt. Thuốc lá nằm trong danh mục cấm quảng cáo mà lại xuất hiện trong chương trình thời trang lớn. Dù là thuốc lá điện tử thì vẫn là thuốc lá. Tuy nhiên, trước mắt, khung chế tài vẫn phải tuân thủ quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.
NSND Trần Bình (giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN):

Không nên đổ hết tội cho nghệ sĩ

Lâu nay truyền thông hễ có lùm xùm gì đều nói đến cá nhân nghệ sĩ mà quên đi người đứng đầu chịu trách nhiệm của chương trình nghệ thuật đó. Theo tôi, người nào chỉ đạo đêm diễn thì phải chịu trách nhiệm chính, về bài hát, phục trang, đạo cụ... Nghệ sĩ dưới ánh đèn sân khấu họ quên nhiều thứ lắm. Nên hễ có sai phạm gì thì đổ hết tội lên họ là oan ức cho họ. Lâu nay chúng ta không đặt nặng vấn đề xử phạt, cũng quên vai trò của người đứng đầu chương trình nên mới thả nổi và dẫn đến tình trạng lộn xộn như hiện nay. Còn nếu làm một cách nghiêm túc mọi điều khoản ghi rõ trong hợp đồng, chạy chương trình tổng duyệt rất kỹ thì cũng khó mà xảy ra những sai sót lớn như dư luận lên án.


Tại sao thuốc lá trở lại sàn diễn thời trang?

Vào tháng 4-2011, khi siêu mẫu Kate Moss cầm điếu thuốc và sải bước trên sàn diễn thời trang trong tuần lễ thời trang Paris vào đúng ngày nước Anh không hút thuốc lá, lập tức hình ảnh này đã gây ra tranh cãi lớn trong giới truyền thông.



Hình ảnh siêu mẫu Kate Moss và điếu thuốc trên tay khi biểu diễn thời trang bị chỉ trích - Ảnh: Daily Mail

Người ta tự hỏi tại sao có bao nhiêu lời cảnh báo về hậu quả khủng khiếp do thuốc lá gây ra đối với sức khỏe người hút và cộng đồng xung quanh, các siêu mẫu hàng đầu thế giới vẫn phải cầm điếu thuốc để “thể hiện ý tưởng mà mình muốn gửi gắm với bộ trang phục”? Hình ảnh của Lady Gaga trong video clip Telephone bao quanh đầu là một “dây xích thuốc lá” đang đốt cháy đùng đùng đã gây rất nhiều tranh cãi về thông điệp đối với giới trẻ. Cô cũng từng xuất hiện trên sàn thời trang của Thierry Mugler với điếu thuốc trên tay.

Ðạo diễn thời trang Harriet Quick của Vogue nhận định: “Ôi, đó chỉ là thời trang. Thời trang thích làm những trò như vậy để kích động. Việc hút thuốc thật sự không thể hiện thông điệp gì (như người ta mong muốn)...”.

Các ngôi sao Hollywood từng tham gia quảng cáo cho thuốc lá (và được trả nhiều tiền để trở nên giàu có) đã dành những năm cuối của đời mình sống trong ân hận. John Wayne đã dành những phút cuối cuộc đời thực hiện các quảng cáo chống thuốc lá, để chống lại chính những quảng cáo đã từng giúp ông có tiền, hút thuốc và bị ung thư mà chết. Clark Gable, Spencer Tracy, Joan Crawford, Bette Davis, Betty Grable - tất cả đều xuất hiện trên các quảng cáo thuốc lá nhưng hầu như họ không hút thuốc vào cuối đời, vì họ biết rõ thuốc lá gây chết người.

Hút thuốc ở nhiều địa điểm không phạm luật, nhưng với những người nổi tiếng - đang là “hình mẫu” của xã hội - cầm điếu thuốc trên tay trong một sự kiện có nhiều sự chú ý quan tâm là điều không nên khuyến khích. “Thể hiện hình ảnh một người phụ nữ bất cần nhờ cầm điếu thuốc trên tay” phải chăng là cách biện minh cho sự cạn kiệt về ý tưởng và thiếu hiểu biết với các vấn đề xã hội mà con người đang đối mặt?

Những hình ảnh “tôn vinh thói quen hút thuốc” đang bị các cơ quan chỉ trích, cho rằng nó ảnh hưởng tới cả một thế hệ. Tiến sĩ - chuyên gia y tế Eva Orsmond của Ireland từng nói trên The Guardian rằng kết hợp giữa thời trang và thuốc lá là “trò hề”. Những người làm thời trang cần phải là hình mẫu của sắc đẹp và sức khỏe, điếu thuốc trên tay không giúp họ thực hiện điều đó.

Mỗi năm, thuốc lá giết chết 6 triệu người trên thế giới. Trong khi xu hướng thế giới chỉ trích những hành động “tôn vinh thói quen hút thuốc”, thì bất kỳ hành động cổ xúy thuốc lá - dù là thuốc lá điện tử - của những người nổi tiếng liên quan tới việc này đều cần hạn chế và phân loại cho phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông điệp.


Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm