Tài nguyên văn hóa bản địa tạo sức hút cho sản phẩm du lịch

06/08/2023 17:21 GMT+7 | Văn hoá

Ghi nhận từ ngày 4/8 đến nay, Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023, đã thu hút đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế nhiệt tình hưởng ứng tham gia. 

Góp phần tạo thêm sức hút cho lễ hội, cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, du lịch, lưu trú, ẩm thực, thương mại... đã tung ra hàng loạt sản phẩm kích cầu, nhất là sản phẩm khai thác từ tài nguyên bản địa trên địa bàn Thành phố.

* Lễ hội đậm chất đặc trưng

Chị Thanh Dung (cư ngụ tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất, được tổ chức vào dịp cuối tuần nên cả gia đình đã sắp xếp thời gian tham gia đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống... Trong nhịp sống đô thị hối hả và ngày thường người dân bận rộn với những lo toan trang trải cuộc sống, nên không gian văn hóa dân tộc được tái hiện bên những bờ kênh, con sông khiến nhiều người thêm yêu quê hương, đất nước mình. Đặc biệt, không gian trên bến dưới thuyền, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian khắp mọi miền đất nước quy tụ giữa lòng Thành phố, đã mang lại cơ hội thưởng lãm cho người dân, du khách trong và ngoài nước đến Thành phố Hồ Chí Minh dịp này.

Tài nguyên văn hóa bản địa tạo sức hút cho sản phẩm du lịch - Ảnh 1.

Các đội đua thuyền tranh tài tại cuộc thi. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Đồng quan điểm, anh Quốc Thắng (cư ngụ tại quận Bình Thạnh) cho biết, gia đình rất hào hứng khi được xem những màn trình diễn phong phú môn thể thao dưới nước cả truyền thống lẫn hiện đại. Trong đó, Giải Vô địch Đua thuyền truyền thống Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng năm 2023 hưởng ứng cuộc vận động “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ giai đoạn 2021 - 2030” đã gây ấn tượng sâu sắc với các con và gia đình. Đây là lần đầu tiên cả gia đình được xem một chương trình đua thuyền ngay trên dòng sông Sài Gòn và điều này đã khơi gợi tình yêu Thành phố trong các con.

Lần đầu tiên tổ chức, Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất, năm 2023, do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao cùng các sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện. Lễ hội lấy người dân, du khách làm "nhân vật chính", nên xuyên suốt chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật và thể thao dưới nước đều hướng đến mục tiêu mang lại sự tương tác, trải nghiệm thú vị cho người tham gia. Điển hình, tại kênh Nhiêu Lộc, Thị nghè nối liền Quận 1 và quận Bình Thạnh, tổ chức hoạt động trình diễn dù lượn, bay bằng ván phản lực nước - Flyboard, biểu diễn ca nô nước, thuyền buồm... và người dân có thể đăng ký tham gia hoạt động tương tác chèo SUP. Hay không gian "trên bến dưới thuyền" tại kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè; khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, Quận 8… với hàng chục gian hàng đặc sắc của các địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như một số địa phương lân cận để phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi của người dân và du khách.

Tài nguyên văn hóa bản địa tạo sức hút cho sản phẩm du lịch - Ảnh 2.

Tiết mục bay bằng ván phản lực nước - Flyboard trên sông Sài Gòn được trình diễn công phu. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Một số chuyên gia đánh giá, Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất là dịp khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào của chính người dân Thành phố về lịch sử ngàn đời của dân tộc trên vùng đất này. Lễ hội mang lại nguồn cảm hứng và những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách về bản sắc văn hóa, những điều đặc biệt nhất của Thành phố Hồ Chí Minh qua dòng lịch sử hình thành và phát triển. Bên cạnh đó, Lễ hội giúp phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn; quảng bá biểu tượng du lịch, điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng nhất của Thành phố đến du khách trong và ngoài nước.

* Kích cầu du lịch, thương mại

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nếu xem chợ nổi là không gian giao thương chủ yếu của nông thôn, thì không gian "trên bến dưới thuyền" là đặc trưng của các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu gần 1.000 km đường sông và là đô thị đặc biệt với khoảng 10 triệu dân nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nhất là nông sản rất lớn. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa - lịch sử... Thành phố đưa không gian "trên bến dưới thuyền" vào trong khuôn khổ tổ chức Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất. Tại các địa điểm diễn ra, không gian "trên bến dưới thuyền" không chỉ giới thiệu sản phẩm, nông sản, trái cây các vùng miền, mà còn tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật với các thể loại từ truyền thống như trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử, dân ca đến hiện đại như nhạc acoustic...

Tài nguyên văn hóa bản địa tạo sức hút cho sản phẩm du lịch - Ảnh 4.

Nhảy sạp là trò chơi dân gian được nhiều người du khách hưởng ứng tại Công viên Bến Bạch Đằng. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Cùng với những hoạt động chính trong Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất, đa dạng sự kiện hưởng ứng lễ hội cũng diễn ra đồng thời ở nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố như hoạt động khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá vé chương trình biểu diễn nghệ thuật, vui chơi, giải trí. Trong đó, có thể kể đến một số điểm như Cảng Sài Gòn - Cảng hành khách tàu biển, Công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị nghè, bến Bình Đông, khu du lịch Văn hóa Suối Tiên và nhiều khu du lịch khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức và quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, những sự kiện này không chỉ quảng bá lịch sử, đặc trưng văn hóa của Thành phố mà còn khai thác các giá trị từ tài nguyên sông, biển của Thành phố, góp phần định vị thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh - một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.

Tài nguyên văn hóa bản địa tạo sức hút cho sản phẩm du lịch - Ảnh 5.

Không gian "Trên bến dưới thuyền" tại Quận 1 giới thiệu các sản phẩm trái cây vùng miền. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Về phía doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, hàng không, chăm sóc sức khỏe... giới thiệu phong phú sản phẩm, dịch vụ du lịch đến người dân và du khách với mức giảm giá có thể lên đến 82%. Các đơn vị này còn kết nối hành trình trải nghiệm trên sông và các tour tuyến du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đến nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ... đã tạo nên những mô hình kinh tế du lịch mới lạ. Còn doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đường thủy tung ra nhiều chương trình tour, gói kích cầu du lịch “siêu khuyến mãi” nhằm đáp ứng như cầu du lịch của khách du lịch trong và ngoài nước.

Hầu hết sản phẩm dịch vụ, chương trình tour, gói kích cầu du lịch... hưởng ứng Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023 đều được chú trọng làm mới về mặt trải nghiệm; gia tăng thêm nhiều điểm tham quan, vui chơi, giải trí phù hợp với mọi đối tượng khách du lịch như gia đình, nhóm bạn mong muốn trải nghiệm kỳ nghỉ dưỡng cùng nhau.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm