03/06/2019 07:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý: Những hoạt động kỷ niệm 220 năm ngày sinh đại thi hào Nga A.S.Pushkin tại Hà Nội và trao Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM (trong đó có 3 công trình, sáng tác về văn hóa nghệ thuật) tại Nhà hát TP.HCM.
1. Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019 sẽ được trao vào ngày 6/6 tại Nhà hát TP.HCM. Đáng chú ý, trong 44 công trình, đề tài, tác phẩm, giải pháp, mô hình sáng tạo được trao giải thưởng, có 3 công trình thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đó là: vở kịch Dấu xưa, Công trình Nhà Thiếu nhi TP.HCM và Chương trình Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên HTV9.
Vở kịch Dấu xưa (tác giả: Nguyễn Thanh Bình; ĐD Trần Minh Ngọc) do Nhà hát 5B Võ Văn Tần dàn dựng. Nội dung kịch nói đến chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến một xã ở miền Bắc thời 1954 trong phong trào xây dựng hợp tác xã. Vở kịch với câu chuyện xưa, nhưng mang đầy tính thời sự về những vấn đề như: giải tỏa đất đai - đền bù, tham nhũng, thói quan liêu cửa quyền…
Đề tài mang tính chính luận nhưng với sự tinh tế, vở kịch đã chinh phục được những ai có dịp xem nó.
Công trình Nhà Thiếu nhi TP.HCM (Tác giả: KTS Nguyễn Trường Lưu - Hội Kiến trúc sư TP.HCM) là một công trình kiến trúc độc đáo từng đoạt Giải Bạc - Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2018.
Nhà Thiếu nhi TP.HCM được xem là nơi chắp cánh ước mơ cho thiếu nhi, được thiết kế hài hòa từ hình tượng hạt mầm, tổ chim và cánh diều mơ ước. Nhìn tổng thể, hình dáng Nhà thiếu nhi như một con thuyền, mang lại cảm giác nhẹ nhàng, sinh động hài hòa với cảnh quan cây xanh… gần gũi và phù hợp với thiếu nhi.
Với Nhà Thiếu nhi TP.HCM, mọi người có thể đến 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 để chiêm ngưỡng công trình độc đáo này. Còn với kịch Dấu xưa, hy vọng sẽ có những xuất tái diễn để khán giả có thể thưởng thức.
Ngoài ra Chương trình Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên HTV9 (mỗi tháng 1 kỳ) với những chuyên đề như: Nỗi buồn ca từ, Thị trường sân khấu kịch nói đi về đâu? Thực trạng tượng đài Hồ Chí Minh; Đạo đức trong nhiếp ảnh… được đánh giá là đã “góp phần định hướng cảm quan thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa, nghệ thuật cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ… là nơi các nhà sáng tác, nghệ sĩ và nhà phê bình bày tỏ quan điểm cùng những đánh giá mang tính học thuật trong mọi lĩnh vực văn học, nghệ thuật”.
2. Ngày 6/6 sắp tới nhân kỷ niệm 220 năm ngày sinh đại thi hào Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin, tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (501 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) sẽ diễn ra tọa đàm “A.S.Pushkin trong quá trình nghệ thuật đương đại: Các bản dịch, các bài diễn giảng và cải biến” với sự tham gia của nhiều dịch giả, nhà văn nổi tiếng hiện nay.
Cùng ngày tại nơi đây cũng sẽ diễn ra chương trình văn nghệ chào mừng, triển lãm Chân dung A.S. Pushkin (với những hình ảnh do Viện Bảo tàng A.S.Pushkin gửi đến) và trao giải cuộc thi “Bài học là niềm vui giao tiếp: Công nghệ tương tác tích cực giữa các cá nhân trong giờ học tiếng Nga”.
Ngày 6/6, tại Phân viện Pushkin (4 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội) cũng sẽ tổng kết và trao giải “Cuộc thi dịch thơ Nga mang tên A.S.Puskin”.
Đại thi hào A.S.Pushkin sinh ngày 6/6/1799 (mất 1937) là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga. Ông được mệnh danh là “Mặt trời thi ca Nga”. Ông là biểu tượng của văn học lãng mạn Nga thế kỷ 19 và có những đóng góp to lớn cho ngôn ngữ văn học Nga hiện đại.
Ông đã có nhiều tác phẩm xuất sắc, đặc biệt là tiểu thuyết hiện thực Epghênhi Ônhêghin có tầm quan trọng đối với người Nga, tương tự như Truyện Kiều của Nguyễn Du đối với người Việt Nam.
Cùng với những đại diện của văn học Nga như: I.A.Bunin, F.Dostoyevsky, I.S.Turgenev, An.Chekhov, M.Gorky... Pushkin đã để lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn học Việt Nam trong một thời kỳ dài sau Cách mạng tháng Mười.
Bình Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất